Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dự Lễ hưởng ứng và Tổng kết 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam

08/11/2018
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dự Lễ hưởng ứng và Tổng kết 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam
Hôm qua (6/11), UBND TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng và Tổng kết 05 năm “Ngày Pháp luật Việt Nam” và trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn TP Hà Nội. Đến tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cùng nhiều đại biểu của các sở, ban, ngành trên địa bàn thủ đô
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh vui mừng ghi nhận và biểu dương TP Hà Nội là địa phương có rất nhiều cố gắng và đạt được không ít kết quả tốt đẹp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam. Việc TP Hà Nội tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và tổ chức long trọng Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật là những minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của thành phố. Cụ thể, trong 05 năm qua, Thành phố Hà Nội đã tổ chức được 40.771 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với khoảng 6,7 triệu người tham dự; đã in ấn phát hành gần 33 triệu tài liệu pháp luật, đặc biệt Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận được tổng số 924.783 bài dự thi. Theo đó, nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các vi phạm pháp luật được giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố được giữ vững.
Để Ngày Pháp luật trong thời gian tới thực sự thiết thực, hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; gắn tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội lớn, các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, của Thủ đô; tiếp tục khẳng định PBGDP là công việc thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa, huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào các hoạt động tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh tin tưởng Ngày Pháp luật thực sự là dịp để tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân phát huy tinh thần tự giác, tích cực học tập, tìm hiểu pháp luật; tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn pháp luật trên toàn địa bàn; trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý và là ngày Hội pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu hưởng ứng Ngày Pháp luật, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để Ngày Pháp luật thực sự đi vào cuộc sống và trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng người dân trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế trên địa bàn cần tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, các luật, bộ luật, đặc biệt là văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.
Ngoài ra, theo ông Sơn, cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành theo phương châm ”rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Thành phố chú trọng công tác liên quan đến các dịch vụ pháp lý đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật… 
Một điểm nhấn, một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay của Hà Nội là tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu BLHS năm 2015. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương đánh giá, Cuộc thi này có số lượng bài tham gia dự thi lớn nhất (thu hút 924.783 bài dự thi) so với các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật trước đây của Hà Nội. Đặc biệt, số lượng lớn bài dự thi và đạt giải cao đến từ các em học sinh từ dưới 18 tuổi, người cao tuổi và người khuyết tật.
Đối tượng tham gia dự thi rộng hơn với nhiều bài thi có chất lượng cao, đầu tư công phu, sáng tạo, độc đáo, đa dạng về hình thức thể hiện. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo đã trao 132 giải cho các cá nhân, tập thể, bao gồm 83 giải cá nhân cho người dự thi từ đủ 18 tuổi trở lên (1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 20 giải Ba, 42 giải Khuyến khích và 5 giải phụ), 26 giải cá nhân cho người dự thi dưới 18 tuổi (1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Ba, 15 giải Khuyến khích) và 23 giải tập thể (3 giải Nhất, 8 giải Nhì và 12 giải Ba).