Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền: ”Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam nhận được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân”

14/04/2015

 

Được phát động vào Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014, Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã nhận được sự đón nhận tích cực của các Bộ, Ban, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ còn gần một tháng nữa là đến thời điểm hết thời gian nhận bài dự thi, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi về những thông tin xung quanh tiến độ Cuộc thi ý nghĩa này.  

Chuẩn bị công phu và kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh

PV: Xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị và tình hình triển khai cuộc thi đã và đang diễn ra như thế nào tại các địa phương cũng như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể?

*. Sau lễ phát động ngày 6/11/2014, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai cuộc thi. Đã thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ giúp việc; triển khai biên soạn, phát hành các tài liệu tham khảo phục vụ cuộc thi đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để mọi người tham gia dự thi đều có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng. Đối với một số vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn đã được Bộ Tư pháp tháo gỡ kịp thời. Đến nay, Ban Tổ chức cuộc thi ở Trung ương đã chỉ đạo hoàn thiện Quy chế chấm thi; Đáp án, các tài liệu có liên quan phục vụ việc chấm thi.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hưởng ứng cuộc thi. Qua tổng hợp báo cáo cho thấy, 100% các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi, 24/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Thể lệ, 44/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức, đồng thời phát động và triển khai cuộc thi một cách sâu rộng trong toàn lực lượng và ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Một số Bộ, ngành, địa phương còn có văn bản đôn đốc, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị dự thi. Các hoạt động quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp năm 2013 và tài liệu về cuộc thi được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; kịp thời khích lệ, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hưởng ứng với nhiều giải thưởng hấp dẫn.

PV: Đối với công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện cuộc thi tại Trung ương cũng như tại các địa phương, cơ quan ban ngành đoàn thể, Ban Tổ chức cuộc thi có những điều kiện thuận lợi hay gặp phải những khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?

*. Thuận lợi lớn nhất đối với Ban Tổ chức trong quá trình triển khai tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp đó chính là sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sát sao từ phía Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, hưởng ứng hết sức nhiệt tình từ phía các địa phương, Bộ, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự ủng hộ, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi hết sức quan trọng góp phần lớn vào sự thành công của cuộc thi.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đang gặp một số khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí và các điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc tổ chức cuộc thi. Để cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp thực sự có chất lượng, thiết thực và hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn hơn trong đời sống xã hội, khuyến kích, động viên, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những bài thi đạt chất lượng cao, Ban Tổ chức cuộc thi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, tài trợ từ phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Với ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc cũng như phạm vi, quy mô, tính chất phổ biến rộng rãi của cuộc thi đây sẽ là cơ hội rất tốt để các cơ quan, doanh nghiệp quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của trên phạm vi toàn quốc.

Có nhiều cách tham dự Cuộc thi

PV: Một nội dung được nhiều người quan tâm là cách thức gửi bài dự thi. Thứ trưởng có thể cho biết người Việt Nam ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi bằng cách nào ?

*. Theo Thể lệ cuộc thi, đối với người Việt Nam ở trong nước, muốn gửi bài dự thi có thể thực hiện bằng cách thức sau: Bài dự thi được thực hiện bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy trên giấy; đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển. Trang bìa bài dự thi ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; địa chỉ (nơi ở, nơi học tập hoặc nơi công tác) của người dự thi. Ngoài phong bì của bài dự thi ghi rõ: “ Dự thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Địa chỉ gửi bài dự thi tùy thuộc vào hướng dẫn trong Kế hoạch tổ chức cuộc thi do Ban Tổ chức cuộc thi ở các địa phương, cơ quan, ban ngành, đoàn thể ban hành.

Với người Việt Nam ở nước ngoài muốn gửi bài dự thi có thể gửi qua đường bưu điện hoặc chuyển trực tiếp tới Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; hoặc có thể được thực hiện bằng tệp dữ liệu điện tử gửi qua email (địa chỉ nhận bài dự thi: thitimhieuhienphap@mofa.gov.vn). Qua đây tôi cũng xin lưu ý về hạn cuối nộp bài dự thi đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trước 17h ngày 30/4/2015.

Nhiều địa phương đã có hàng chục ngàn bài tham gia

PV:  Như Thứ trưởng vừa trao đổi, còn gần một tháng nữa là đến thời điểm hết thời gian nhận bài dự thi, để hỗ trợ cho quá trình làm bài dự thi, người tham gia dự thi có thể tham khảo, tra cứu tài liệu qua những kênh thông tin nào?

*. Hiện nay Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương đã tổ chức biên soạn, phát hành nhiều tài liệu giới thiệu tóm tắt về Thể lệ cũng như các thông tin liên quan đến cuộc thi, tài liệu tham khảo phục vụ bài dự thi xoay quanh nội dung 09 câu hỏi đồng thời tổng hợp một số tài liệu tham khảo, bài viết về các nội dung cơ bản, những điểm mới của Hiến pháp 2013. Mọi người tham gia cuộc thi đều có thể theo dõi và tìm đọc trên Trang tin điện tử Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thuộc Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://moj.gov.vn/npl/Pages/home.aspx);

Ngoài ra, trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ và qua các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng có rất nhiều bài viết chuyên đề xoay quanh nội dung của Hiến pháp, các bạn đều có thể tham khảo để có thêm những nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho việc làm bài dự thi.

PV:  Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự quan tâm của xã hội đối với cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp lần này?

*. Bước đầu, qua đánh giá Báo cáo nhanh về tình hình triển khai thực hiện cuộc thi do Ban Tổ chức các địa phương, Bộ, ban ngành đoàn thể gửi về, chúng tôi nhận thấy một tín hiệu vui là cuộc thi đã và đang nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua số lượng lớn các bài dự thi đang dần được gửi về. Theo báo cáo ban đầu, có nhiều địa phương đã có hàng chục ngàn bài tham gia, điều đó chứng tỏ, cuộc thi đã và đang tạo ra dự lan tỏa lớn đối với xã hội, thể hiện tinh thần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với các hoạt động của đời sống chính trị xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Thuý

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành ngày 28/11/2013 đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền lập hiến Việt Nam; là sự kế thừa, bổ sung và phát triển các bản Hiến pháp 1946; 1959; 1980 và 1992; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 nhằm triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Đảng và Nhà nước ta về triển khai thi hành Hiến pháp 2013, được Chính phủ giao chủ trì, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức.

Cuộc thi là là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trong cả nước, từ trung ương đến địa phương, trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời là một hình thức, biện pháp để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đưa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống. Đặc biệt, cuộc thi còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị và trách nhiệm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN; góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước ổn định, bền vững.