Ông sinh năm 1935, quê quán xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Kế nhiệm Bộ trưởng Phan Hiền, từ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Đình Lộc về làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong 10 năm (từ tháng 5/1992 đến tháng 7/2002) ở cương vị Bộ trưởng, ông đã cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng hàng chục Luật, Pháp lệnh; hàng chục Nghị định, Chỉ thị, Thông tư đã được ban hành; Góp ý kiến thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, tích cực chủ động tổ chức các hoạt động nghiên cứu, từng bước đổi mới quy trình hoạt động lập pháp để áp dụng ngay trong Bộ, ngành hoặc kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đặc biệt là việc tham gia sửa đổi Hiến pháp 1992. Sức làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc thật đáng nể! Sau này có dịp tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông nói với chúng tôi: “Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc của các vị làm việc khỏe như “Rô bốt” vậy”. Tất cả chúng tôi cùng cười vì thấy lời nhận xét đó rất đúng.
Được trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng về mảng thi đua khen thưởng, chúng tôi và ông không bao giờ nghỉ ăn trưa, có khi phải làm cả ngày nghỉ cuối tuần, vì chỉ những lúc đó ông mới có thể tranh thủ ký vào từng Giấy Chứng nhận danh hiệu và Bằng khen cho 7000 (bảy nghìn) trường hợp tập thể, cá nhân của toàn Ngành thuộc các khối: Tư pháp, Tòa án địa phương và các đơn vị thuộc Bộ. Cứ mỗi lần ông ký xong một bản, tôi lại chuyển ra phơi từng tờ cho khô mực rồi mới thu lại sau. Có lần tôi đề xuất: “Chú cho quét chữ ký để chú khỏi vất vả”, song ông cười nói: “Tôi thích ký “tươi” để còn biết tên từng người cán bộ của mình mà tôi đi địa phương đã biết mặt họ, biết thành tích của họ và đối chiếu xem có đúng đối tượng mình khen không”.
Ban đầu, nhìn tướng mạo oai nghiêm, một số người bảo trông ông có vẻ khó gần. Sau một thời gian làm việc, họ mới “vỡ lẽ” rằng ông là người rất cương trực, sống tình cảm, quan tâm đến mọi người. Năm 2000, trước khi đi công tác Nhật Bản, ông có gặp mặt các thành viên Đoàn để căn dặn một số điều, khi nhìn thấy tôi và đồng chí Hòa (Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật) xuất hiện trông gầy gò, ông lo lắng nói “không biết có đủ sức học tập 1 tháng ở bên đó không, vì cường độ làm việc của họ rất nặng”. Cả hai chúng tôi cười đáp “Chú cứ yên tâm, chúng cháu đã được chú tôi luyện rồi, trông thế thôi nhưng mà dai như dây chão kéo thuyền đó”.
Hàng năm, cứ 3 ngày sau ông Công ông Táo là Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc tổ chức chúc mọi người về nghỉ Tết vui vẻ. Sau Tết ông lại đến từng đơn vị chúc Tết. Tôi nhớ cái Tết đầu tiên khi ông về làm Bộ trưởng, lúc tổ chức chúc Tết là ngày 28 âm lịch, khi đó tôi vừa về quê, sau Tết lên mọi người ở Phòng Tổng hợp đều nói, chia vui: “Hòa năm nay có lộc to nhé, được Bộ trưởng tên là Lộc lại mừng tuổi tiền thì lộc sẽ nhân lên nhiều đó”, anh Tuấn (Chánh Văn phòng) kể lại: Bộ trưởng hỏi: “Ở cơ quan, hiện giờ ai là người khổ nhất”, anh thưa: “Có 2 người là: anh Tài ở Cục Quản lý Thi hành án, em Hòa ở Phòng Tổng hợp”. Ông nói: “Tôi mừng tuổi cho 2 người này, mỗi người 200.000đ nhờ cậu chuyển giúp”.
Có lần ông bảo: “Tôi quan sát thấy toàn bộ anh chị em ở Phòng Hành chính của Văn phòng Bộ trông rất xanh xao, không biết có bệnh gì không. Tôi sẽ yêu cầu Công đoàn Bộ chú ý bếp ăn của Bộ và tiền ăn trưa cho anh em cơ quan”.
Không chỉ đối xử tốt với cán bộ nhân viên trong cơ quan mà ông còn giàu tình thương với những người lao động nghèo khó. Nhiều người không quên những kỷ niệm đi công tác xa với Bộ trưởng: Suốt cả ngày làm việc ở cơ quan nhưng đến buổi tối Bộ trưởng bảo chị Vận (phục vụ) chuẩn bị đồ ăn “nhanh” cho cả Đoàn công tác cùng ông xuất phát đi từ tối, để kịp có mặt ở các địa phương vào sáng hôm sau. Xe mải miết trên đường, đến 21 giờ đêm ông mới cho dừng xe, rồi ngả đồ ăn ra tờ báo bày ở vệ đường cùng mọi người ngồi ăn. Có buổi, mọi người đang chuẩn bị ăn thì thấy ông cầm chiếc bánh mỳ đi một lúc rồi về nói: “Tôi thấy ánh đèn le lói phía xa nên đem bánh mỳ cho bố con ông đi câu ếch, thương cha con họ rét mướt thế mà đêm hôm vẫn phải đi kiếm sống”.
Khi biết Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc sắp nghỉ hưu, tôi nói với anh Nguyễn Đức Giao (Thư ký Bộ trưởng): “Sắp đến đợt trình khen cấp Nhà nước, anh nói chú viết bản thành tích cá nhân, để đưa em làm thủ tục đề nghị trình nhé”. Mấy ngày sau anh Giao cho biết tin: Khi đề cập đến vấn đề đó chú đã gạt đi “tôi chưa xứng đáng”. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc là một người khiêm nhường như vậy đó.
Trương Thị Hòa