Thứ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Bộ Tư pháp được Bác Hồ cấp Giấy chứng minh

16/11/2015
 

Vượt khó thành tài

Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, sinh ngày 28/2/1910, tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), là con thứ 7 của ông bà Nguyễn Văn Vượng  - Phạm  Thị Tý, quê gốc ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và làm nghề bốc thuốc. Mới lên 5 tuổi thì người cha qua đời, mẹ ông  phải tần tảo buôn bán để nuôi con ăn học. Năm 1926, ông Hưởng cùng người anh ruột là Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục 1946 - 1975) được mẹ cho sang Pháp học.

Ở trong nước, người chị gái Nguyễn Thị Mão trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn toán ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Bà dạy toán nhiều năm tại Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Trường Trưng Vương, Hà Nội hiện nay), hưởng lương theo ngạch Tây nên rất cao: lương tháng là 120 đồng (1 đồng bằng 26 franc), nên có điều kiện nuôi hai anh em đi Pháp học (mỗi tháng 1 người học ở Pháp phải đóng 500 franc).

Suốt mấy năm học ở Pháp, mỗi người lúc nào cũng chỉ có hai bộ quần áo và một đôi giầy. Dù đi họp, đi học, đi chơi cũng chỉ một đôi, khi nào mòn vẹt, rách mới mua đôi khác. Món quà chờ đợi từ quê nhà của hai anh em Huyên, Hưởng là những bao bì bằng chiếc hộp bánh bích quy đựng lạp sườn hoặc ruốc. Ngày nghỉ hai anh em mỗi người một xe đạp đi chơi, xem người ta hái nho, rồi đi hái nho không công chỉ để được cho ăn nho.

Với tinh thần hiếu học để giúp dân giúp nước, hai anh em đã nỗ lực hết mình vượt khó thành tài và năm 1932, Nguyễn Văn Hưởng đỗ Cử nhân Luật tại Pháp.   

Tấm lòng trân trọng, tin cậy của  Hồ Chủ tịch đối với trí thức

Năm 1932, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng về nước và được bổ làm Tri huyện rồi Đổng lý Văn phòng phủ Khâm sai. Đến năm 1941, ông từ chức và làm luật sư.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 22-3-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Luật sư Nguyễn Văn Hưởng làm Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp. Ngày 5/4/1946, đích thân Bác Hồ đã đánh máy Giấy chứng minh cấp cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng. Giấy chứng minh ấy được đánh máy trên loại giấy ngả màu vàng đen, khổ rộng gần bằng tờ A4, nội dung như sau: “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp giấy chứng minh này cho ông Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp để ông Thứ trưởng liên lạc với các cơ quan hành chính, quân sự được dễ dàng”. Bác dùng máy đánh chữ của Pháp nên không có dấu. Sau khi đánh máy xong, Bác dùng bút điền từng thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng vào giấy chứng minh rồi trao tận tay cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng thể hiện sự trân trọng, tin cậy với trí thức yêu nước.

Cảm động trước đức độ, tài năng của vị lãnh đạo tối cao đất nước mà Luật sư Nguyễn văn Hưởng đã toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp xây dựng Ngành Tư pháp.

Ngay từ những ngày đầu nhận trọng trách Thứ trưởng, ông đã trực tiếp tham gia những Sắc lệnh cơ bản của chính quyền Cách mạng: Sắc lệnh về tổ chức Tư pháp; Sắc lệnh về đảm bảo tự do cá nhân, lập Hội; Sắc lệnh về Tư pháp - Công an; Sắc lệnh về quân pháp; Luật Lao động. Trong kháng chiến chống Pháp ông còn được giao nhiệm vụ làm giám đốc Liên khu II và Liên khu XI (gồm các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội), Giám đốc Vụ Hình - Hộ.

Từ năm 1955 đến năm 1980, ông là Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Năm 1976, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng được cử làm Phó trưởng Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ về “Công ước nhân quyền” và tham gia chuẩn bị “Công ước về biển”.

Từ năm 1958 đến năm 1979 khi Nhà nước tổ chức lại Ngành Tư pháp và Tòa án, sau đó thành lập lại Tòa án nhân dân tối cao, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã có công lao rất lớn trong việc nghiên cứu hệ thống hóa và xây dựng pháp luật, tổng kết hoạt động xét xử của Ngành Tòa án trên các mặt tố tụng hình sự và dân sự. Ông đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quan trọng như Luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.

Do những cống hiến trên lĩnh vực Tư pháp và Tòa án trong hơn nửa thế kỷ (từ năm 1946 đến khi mất ngày 21/7/2001), Luật sư Nguyễn văn Hưởng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương kháng chiến hạng Nhất và các Huy chương Vì sự nghiệp Tư pháp, Vì sự nghiệp Tòa án…

Trương Thị Hòa