Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư (tháng 2/1948) đã "tuyên thệ" gì sau khi nhận được Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

16/06/2014
Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư được tổ chức vào tháng 2/1948. Do hoàn cảnh đất nước đang kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy không thể đến dự nhưng Người vẫn hết sức quan tâm, gửi Thư động viên, nhắc nhở toàn ngành Tư pháp tiếp tục phải có những đóng góp to lớn trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến. Các tư liệu lịch sử của ngành Tư pháp cho thấy Hội nghị Tư pháp đã thảo luận và thông qua một văn bản thiêng liêng "tuyên thệ" với Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tuyệt đối trung thành, quyết tâm bảo vệ các giá trị dân chủ và tinh thần tận tụy, phụng sự Tổ quốc để cho "Pháp luật được tôn trọng"...

1. Vài nét chính về Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư

Từ 21 giờ đêm ngày 25/2/1948 đến 2 giờ trưa ngày 27/2/1948, Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư đã họp tại một địa điểm ở Bắc Bộ. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe làm Chủ tịch và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường làm Phó Chủ tịch. Hội viên tham gia Hội nghị có:

1. Nguyễn Xuân Dương, Chánh nhất tòa Thượng thẩm Bắc kỳ,

2. Đỗ Xuân Sảng, Chưởng lý tòa Thượng thẩm Bắc kỳ,

3. Vũ Văn Huyên, Đặc phái viên Thanh tra các trại giam toàn quốc,

4. Vũ Trọng Khánh, Giám đốc Tư pháp khu 10,

5. Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Tư pháp liên khu 2 và 11,

6. Phạm Học Hải, Giám đốc Tư pháp khu 12,

7. Trần Chánh Thành, Giám đốc Tư pháp khu 3,

8. Nguyễn Huy Đẩu, Giám đốc Tư pháp khu 1,

9. Lã Văn Lô, Giám đốc Tư pháp khu 14,

10. Trịnh Khánh Phong, Chánh Hội đồng Phúc án khu 1 và khu 10,

11. Luật sư Vũ Quý Vỹ,

12. Bùi Hữu Khánh, Phó Giám đốc Tư pháp khu 2,

13. Phạm Văn Xung, Phó Giám đốc Tư pháp khu 1,

14. Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Tư pháp khu 14,

15. Cù Đình Lộ, Hội thẩm Hội đồng Phúc án liên khu 1 và 10,

16. Đoàn Kiểm, Công cáo ủy viên Tòa án quân sự khu 3,

17. Phạm Quang Vấn, Biện lý Tòa đệ nhị cấp Thái Nguyên,

18. Lê Văn Bình, Bí thư Bộ Tư pháp

Thư ký: Vũ Bội Tấn-Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.

Đến dự, đại diện Bộ Nội vụ có Bác sỹ Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Dương Văn Đàm, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, Lê Đức Quang, Giám đốc Nha Pháp chính Bộ Nội vụ và Phan Mạnh Hân, Chánh Văn phòng Nha Công an Việt Nam.

Hội nghị đã thảo luận và quyết định 9 nhóm vấn đề quan trọng của công tác tư pháp trong thời kỳ kháng chiến, bao gồm:

(1) Chương trình hoạt động của Bộ Tư pháp trong năm 1948;

(2) Việc quy định chế độ lao tù và tổ chức một ngạch Giám thị riêng cho các nhà lao;

(3) Việc tổ chức lại Ban tư pháp xã,

(4) Vấn đề kiểm soát các luật sư và nới rộng quyền bào chữa cho các bị can trong thời kỳ chiến tranh;

(5) Việc tái lập các Tòa thượng thẩm và đặt Công tố viên tại các Hội đồng Phúc án;

(6) Việc tổ chức một Ban tu luật trung ương để nghiên cứu và đề nghị những dự án bộ luật mới duy nhất cho toàn quốc, thích hợp với nền tảng dân chủ;

(7) Sự tương quan giữa kháng chiến, Hành chính và Tư pháp;

(8) Vấn đề mở trường Đại học pháp lý;

(9) Việc xuất bản các Pháp lý tập san để nghiên cứu khoa Luật học.

2. Thư của Cụ Chủ tịch Chính phủ gửi Hội nghị

Nhân dịp Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Hội nghị Tư pháp. Mở đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cán bộ ngành Tư pháp cho cuộc kháng chiến gian khổ của đất nước:

"Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta".

Cũng như các lĩnh vực khác, công tác tư pháp trong những ngày đầu thành lập Nhà nước cách mạng non trẻ cũng còn gặp những bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí là cả thiếu sót. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khích lệ, động viên cán bộ tư pháp:

"Công tác tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy".

Đối với đội ngũ cán bộ tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về niềm tự hào nghề nghiệp, đồng thời yêu cầu cần tiếp tục rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để có thể đóng góp lớn hơn cho cuộc kháng chiến:

"Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân".

"Các bạn là viên chức của Chính phủ dân chủ cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ của các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ".

"Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo".

Trong cuộc tranh luận về sự độc lập giữa tư pháp và hành chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở và yêu cầu xây dựng một tình đoàn kết một cách hết mực và chân thành:

"Tư pháp là cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính".

Cuối cùng, Người nhận định và thúc giục ngành Tư pháp tiếp tục tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến:

"Công việc của chúng ta còn nhiều và còn khó nhọc, cuộc kháng chiến còn gay go. Nhưng với ý chí kiên quyết và lòng dũng cảm của chiến sỹ và đồng bào, với sự tinh thành đoàn kết và sự nhất trí nỗ lực của mọi người và mọi bộ phận trong Chính phủ ta, chúng ta có thể quả quyết rằng:

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Thống nhất độc lập nhất định thành công.

Dân chủ cộng hòa nhất định vững chắc".

3. Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ tư với Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Biên bản Hội nghị tư pháp lần thứ tư (hiện đang lưu giữ, sử dụng tại Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp, ký hiệu V10401) thì:

Hội nghị tư pháp khai mạc đúng 21 giờ đêm ngày 25/2/1948.

Sau phần tuyên bố khai mạc, toàn thể hội nghị đứng dậy chào cờ và mặc niệm các chiến sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe giới thiệu thành phần tham dự và chào mừng đại diện Bộ Nội vụ.  Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Duy Hưng phát biểu chào mừng, nhận trách nhiệm về các hành động lạm quyền hay bất hợp pháp của cơ quan thừa hành và hứa sẽ tìm hết phương sách để sửa đổi các khuyết điểm. Ông cũng hứa sẽ hết sức giúp đỡ Tư pháp và mong tình thân ái giữa Hành chính và Tư pháp thêm bền chặt.

Biên bản Hội nghị ghi:

"Sau đó, ông Bộ trưởng Tư pháp đọc bức thư của cụ Chủ tịch Chính phủ trong đó Cụ gửi lời chào thân ái các hội viên, tỏ tín nhiệm và khuyến khích giới tư pháp đã tận tụy hy sinh và nhấn mạnh những nhiệm vụ của giới trí thức trong cuộc toàn dân tranh đấu chống đế quốc quân xâm lăng".

Tiếp theo Hội nghị thảo luận chương trình và phương pháp làm việc. Hội nghị làm việc đến 4 giờ sáng ngày 26/2/1948.

8 giờ sáng ngày 26/2/1948, Hội nghị tiếp tục làm việc.

Biên bản Hội nghị ghi:

"Đầu tiên, ông Phạm Học Hải đọc bản dự thảo điện văn của hội nghị gửi đến Cụ Chủ tịch nguyện triệt để ủng hộ cuộc kháng chiến, đả đảo mọi chính quyền bù nhìn, trung thành với chính thể dân chủ cộng hòa và đem hết tâm lực ra phung sự Tổ quốc và chức vụ".

 "Hội đồng chuẩn y bản dự thảo ấy".

Bản điện văn do ông Vũ Bội Tấn, Chánh Văn phòng, Thư ký Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư ký ngày 27/1/1948 ký gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh (có lẽ lúc đó Bộ trưởng Vũ Đình Hòe và Thứ trưởng Trần Công Tường đang đi dự Hội đồng Chính phủ). Toàn văn bản điện văn như sau:

ĐIỆN VĂN

Của Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư,

kính gửi Cụ Chủ tịch Chính phủ Việt Nam.

Toàn thể Thẩm phán và Luật sư có mặt trong Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư, họp trong dịp đầu năm Mậu Tý, xin kính chúc Hồ Chủ tịch và các nhân viên trong Chính phủ được mạnh khỏe để có sức lực bền bỉ mà điều khiển cuộc toàn dân kháng chiến cho chóng đến thắng lợi cuối cùng.

Xin trân trọng cảm tạ Hồ Chủ tịch đã gửi thư ân cần khuyến khích và đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ của giới Tư pháp trong giai đoạn khó khăn này của lịch sử nước nhà.

Nguyện:

1) Triệt để ủng hộ Chính phủ Kháng chiến Hồ Chí Minh,

2) Đả đảo mọi chính quyền bù nhìn,

3) Tuyệt đối trung thành với chính thể dân chủ cộng hòa,

4) Đem hết tâm lực phụng sự Tổ quốc và chức vụ để cho Pháp luật được tôn trọng và để dành lấy Độc lập và Thống nhất cho nước nhà.

 

Khu I ngày 27-2-1948

Thư ký Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư

Vũ Bội Tấn

Tiếp tục chương trình, Hội nghị đã thảo luận và quyết định các vấn đề về chế độ lao tù, vấn đề kiểm soát các luật sư trong thời kỳ chiến tranh, chương trình hoạt động của Bộ Tư pháp trong năm 1948, vấn đề tổ chức lại các tòa thượng thẩm và hội đồng phúc án cho thích hợp với việc đơn khu thành liên khu, vấn đề phụ cấp gia đình cho các thẩm phán, vấn đề sáp nhập thanh tra tư pháp vào thanh tra đặc biệt...Khi thảo luận vấn đề liên hệ giữa kháng chiến hành chính và tư pháp sau khi các ủy ban kháng chiến và ủy ban hành chính hợp nhất, Biên bản thể hiện các ý kiến thảo luận và quyết định như sau:

"Ông Phạm Học Hải thuyết trình: Từ trước đến nay, khi Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến riêng biệt, mọi người đồng ý về nguyên tắc Tư pháp phụ thuộc vào Kháng chiến, song độc lập đối với Hành chính. Nay theo Sắc lệnh số 91, điều 2, thì các Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính hợp nhất. Vậy làm thế nào để nguyên tắc tư pháp độc lập đối với hành chính được tôn trọng? Về thực tế, ông ủy viên hành chính trong Ủy ban kháng chiến hành chính, thay mặt ủy ban này, đôn đốc tất cả các công việc, kiểm soát tất cả các cơ quan trong khu.

Đối với các cơ quan chuyên môn khác, không thành vấn đề, vì các các cơ quan chuyên môn phụ thuộc vào hành chính. Song đối với tư pháp, việc ông ủy viên hành chính kiểm soát tòa án làm tư pháp phụ thuộc hành chính, trái với nguyên tắc nói trên. Vậy vấn đề này nên giải quyết ra sao?

Sau khi thảo luận, hội đồng quyết nghị:

1) Cơ quan tư pháp dưới quyền kiểm soát của Ủy ban kháng chiến hành chính, chứ không phải dưới quyền kiểm soát của ông Ủy viên hành chính của Ủy ban này. Vì vậy, chỉ có ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, đại diện cho ủy ban mới có quyền kiểm soát cơ quan tư pháp.

2) Kiểm soát là xem xét cách làm việc về đại cương, về chính trị, chứ không phải can thiệp vào phạm vi chuyên môn của cơ quan tư pháp".

Hội nghị tiếp tục thảo luận các vấn đề về Ban tư pháp xã, vấn đề đặt phụ cấp cho các phụ thẩm nhân dân và các nhân chứng nghèo, việc họp hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ 5.

Đến gần 12 giờ trưa cùng ngày, trước khi từ biệt Hội nghị để đi dự Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Duy Hưng phát biểu cảm tưởng và đánh giá cao bức điện văn của Hội nghị gửi Hồ Chủ tịch, Biên bản ghi lại cảm tưởng của ông như sau:

"Trong cuộc thảo luận về chính trị đêm hôm trước tuy sôi nổi vì có khi ý kiến bất đồng, song nay ông (Trần Duy Hưng) rất mừng là hội nghị đã đi đến chỗ đồng ý về các điểm chính: sự đồng ý ấy chứng tỏ trong bức điện văn gửi lên Hồ Chủ tịch".

3 giờ chiều ngày 26-2-1948, Hội đồng tiếp tục công việc. Mọi người mời ông Nguyễn Xuân Dương, Chánh nhất tòa Thượng thẩm Bắc Kỳ chủ tọa buổi họp.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp



File đính kèm