Thành tích công tác tư pháp trong 9 năm kháng chiến

05/06/2014

Giới thiệu:

Đây là bản báo cáo thành tích công tác tư pháp trong 9 năm kháng chiến kèm theo Phiếu gửi số 323/VT do đồng chí Phó Chánh Văn phòng Phùng Văn Tửu ký ngày 04 tháng 3 năm 1955 gửi Văn phòng Thủ tướng Phủ.

Bản báo cáo trình bày và đánh giá những thành tích nổi bật của công tác tư pháp trong 9 năm kháng chiến từ việc trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ kháng chiến; trừng trị bọn địa chủ cường hào gian ác, bọn địa chủ chống pháp luật, đảm bảo thắng lợi của phong trào giảm tô và cải cách ruộng đất; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản quốc gia, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đến việc giải quyết những xích mích trong nội bộ nhân dân, tăng cường đoàn kết để đẩy mạnh sản xuất trong kháng chiến.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng công tác Tư pháp đã đạt được các kết quả trên đây chính là vì các cơ quan tư pháp đã được xây dựng và rèn luyện trong quá trình đấu tranh của quần chúng và liên hệ ngày càng mật thiết với quần chúng. 

Nội dung cụ thể:

A. Trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng của Nhân dân ta, công tác Tư pháp đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ Dân chủ Nhân dân.

I. TRỪNG TRỊ BỌN PHẢN CÁCH MẠNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN, BẢO VỆ KHÁNG CHIẾN.

Cách mạng tháng tám thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được thành lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 thì đến ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp với sự đồng lõa của đế quốc Anh, Mỹ đã gây lại chiến tranh xâm lược ở Nam bộ. Trong khi đó ở Miền Bắc bè lũ Tưởng giới Thạch câu kết với bọn phản động đầu sỏ trong nước âm mưu phá hoại chính quyền mới thành lập. Các Tòa án quân sự được thành lập theo sắc lệnh tháng 2 năm 1946 đã trấn áp kiên quyết và kịp thời bọn phá hoại chính quyền của nhân dân và nền độc lập của Tổ quốc.

Tháng 2 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Địch lợi dụng ưu thế quân sự lúc đầu tấn công ồ ạt hàu làm tan rã lực lượng của ta. Các Tòa án quân sự thẳng tay trừng trị bọn phản cách mạng phá hoại kháng chiến, phá hoại chính quyền đã góp phần vào việc bảo toàn lực lượng, ổn định tình hình chính trị trong những ngày đầu kháng chiến, đặt cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài của toàn dân.

Nhưng sau những thất bại nặng nề của địch, nhất là sau chiến thắng biên giới của ta năm 1950, đứng trước lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch ra sức thực hiện âm mưu thâm độc: “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Ở vùng sau lưng địch, chúng tổ chức ngụy quân, ngụy quyền, chỉ điểm do thám, càn quét cướp phá, vơ vét sức người sức của của nhân dân ta. Đối với vùng tự do của ta, chúng mở rộng chiến tranh gián điệp. Chúng dùng phi cơ oanh tạc, dùng biệt kích thổ phỉ để phá hoại sâu trong hậu phương ta, bắn phá hủy hoại kho tàng, cơ quan, xí nghiệp, đường giao thông vận tải. Chúng câu kết với một số tên phản động đầu sỏ ngoan cố và nguy hiểm nhất, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo đảng phái để mê hoặc cưỡng ép một số đồng bào tụ tập thành những tổ chức phản động phá hoại đoàn kết, chống lại chính quyền, làm chỉ điểm do thám cho địch.

Để tập trung lực lượng đối phó với âm mưu thâm độc của địch, các Tòa án quân sự đã thống nhất vào trong các Tòa án Nhân dân, Huyện, Tỉnh và Liên khu. Một vài con số sau đây về một số hoạt động của Tòa án Nhân dân trong các Liên Khu chứng tỏ cuộc đấu tranh trấn áp bọn phản động cách mạng chủ yếu là gián điệp diễn ra gay go và quyết liệt.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 1953, các Tòa án nhân dân ở Liên khu Việt Bắc: 488 vụ phản cách mạng trong đó có 224 vụ gián điệp, các Tòa án ở Liên Khu 3 đã xử 564 vụ. Những vụ án lớn như vụ án Bình Định, vụ án Phong Quang Diên ở Thừa thiên, vụ án Hòn Mê ở Thanh hóa, vụ án Hưng yên ở Nghệ An vv… phá vỡ một số những tổ chức gián điệp của địch là những thắng lợi to lớn trong công tác tư pháp.

Các Tòa án hoạt động không những ở vùng tự do mà cả ở vùng sau lưng địch. Đi đôi với việc phát triển chiến tranh du kích, các “Tòa án vùng tạm bị chiếm” đã được thành lập, xét xử những tên gián điệp, phản động đại gian, ngay sát vị trí địch, góp phần vào việc chống càn, bảo vệ dân, xây dựng các khu căn cứ du kích. Trong 10 tháng đầu năm 1953, các Tòa án Nhân dân thuộc 4 Tỉnh thuộc khu Tả ngạn đã xử 428 vụ phản cách mạng trong đó có 110 vụ gián điệp.

Ở Tây Bắc, từ sau chiến dịch giải phóng đến tháng 10 năm 1953, các toà án đã xét xử 406 tên trùm thổ phỉ hung đồ và gián điệp, biệt kích, góp sức vào công cuộc vận động nhân dân Tây Bắc tiêu phỉ trừ gian, ổn định tình hình chính trị, xây dựng cơ sở chính quyền và mặt trận ở vùng rừng núi mới giải phóng.

Chính sách trừng trị áp dụng trong việc xét xử là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng. Toà án chỉ xử nặng số ít những tên chủ mưu thủ ác, ngoan cố đến cùng. Toà án xử nhẹ bọn tay chân và khoan hồng đối với những người biết hối cải. Những người bị lừa gạt lầm đường hoặc bị cưỡng ép mà phạm tội thì được tha bổng sau khi giáo dục. Chính sách trừng trị đúng đắn của Chính Phủ thể hiện cụ thể, trong đường lối truy tố xét xử của Toà án đã có tạo dựng phân hoá hàng ngũ địch, cô lập bọn đầu sỏ, tranh thủ và giác ngộ quần chúng lầm đường; kết quả làm cho lực lượng phản động càng mau tan rã.

II. TRỪNG TRỊ BỌN ĐỊA CHỦ CƯỜNG HÀO GIAN ÁC, BỌN ĐỊA CHỦ CHỐNG PHÁP LUẬT, ĐẢM BẢO THẮNG LỢI CỦA PHONG TRÀO GIẢM TÔ VÀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT.

Để ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân chống sự áp bức và bóc lột của giai cấp địa chủ, các toà án nhân dân đặc biệt tổ chức theo sắc lệnh 150/SL ngày 12 tháng 04 năm 1953 được thành lập trong lúc và ở những nơi có phát động quần chúng với sự phối hợp của các Toà án nhân dân thường đã xét xử nhanh chóng và kịp thời bọn địa chủ cường hào gian nô, bọn ngoan cố chống lại pháp luật, đã vạch trần tất cả tội ác dã man, tàn bạo của chúng, bắt chúng phải cúi đầu nhận tội đã nâng cao tinh thần đấu tranh và cảnh giác của nông dân và làm cho các tầng lớp nhân dân khác cũng đồng tình với cuộc đấu tranh của nông dân. Chính sách trừng trị áp dụng trước các toà án là đối với bọn đại gian đại ác đã can tội bóc lột, chiếm đoạt, đánh giết nông dân một cách tàn bạo, đã ngoan cố chống lại phát động quần chúng thì thẳng tay trừng trị còn đối đa số những tên khác thi ghi cảnh cáo trước phiên toà rồi cho hưởng khoan hồng không xử phạt mặc dầu chúng cũng có phạm tội ác.

III. GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN NINH, BẢO VỆ TÀI SẢN QUỐC GIA, BẢO VỆ TÍNH MẠNG VÀ TÀI SẢN NHÂN DÂN.

Từ trong vùng tạm bị chiếm, địch tung bọn lưu manh côn đồ ra vùng tự do hòng phá rối trật tự gây khó khăn cho đời sống của nhân dân và làm giảm uy tín của chính quyền ta. Bọn địa chủ phong kiến ở nông thôn tiếp tục duy trì những thói trò xấu xa của xã hội cũ để tiếp tục bóc lột, áp bức nông dân.

Những suốt trong 8,9 năm nhân dân ta vừa kháng chiến gian khổ, hy sinh anh dũng, vừa đấu tranh để xây dựng một trật tự xã hội mới, một đời sống lành mạnh, các Toà án đã góp sức vào việc bài trừ trộm cắp, tham ô, buôn lậu, cờ bạc, mại dâm và những tệ nạn xã hội khác.

Không những là ở vùng hậu phương tự do của ta mà còn những khu căn cứ du kích sau lưng địch, riêng trong năm 1953 các Toà án nhân dân của liên khu Việt Bắc đã xử 748 vụ lưu manh trộm cướp. Trong một đợt công tác chống lưu manh tổ chức vào tháng 2 năm 53, các Toà án nhân dân ở Liên khu 3 phối hợp với công an đã bắt 116 tên lưu manh và đã xử trong bọn đó 70 tên lưu manh nguy hiểm, côn đồ, phạm pháp. Mức độ phạm pháp có giảm sút rõ rệt.

Năm 1953, tỉ lệ các vụ án xử lưu manh, trộm cướp chiếm 40% số án hình sự thường, ở Liên khu Việt Bắc, đến năm 1953, tỷ lệ đã rút xuống còn 20%. Chính sách của ta là trừng trị kết hợp với giáo dục. Đối với những tên côn đồ hung hãn, những tên lưu manh chuyên nghiệp dễ tác hại xét ra nguy hiểm thì các Toà án trừng trị để làm gương cho kẻ khác và đề cao luật pháp của Chính phủ, còn đối với những tên lưu manh khác thì các toà án phối hợp với công an phân loại cải tạo một thời kỳ làm cho họ trở về tham gia lao động sản xuất. Đối với những người gian tham vặt thì chỉ tổ chức kiểm thảo trước nhân dân, giúp ý kiến cho họ sửa chữa.

IV. GIẢI QUYẾT NHỮNG XÍCH MÍCH TRONG NỘI BỘ NHÂN DÂN, TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT, ĐỂ ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ KHÁNG CHIẾN.

Các toà án nhân dân đồng thời cũng đã góp phần vào việc diễn giải hợp lý những xích mích về quyền lợi như vay mượn, công nợ, cầm bán trong nội bộ nhân dân để tăng cường đoàn kết, tập trung mọi lực lượng vào công việc sản xuất và đánh giặc. Đặc biệt đối với vấn đề gia đình các toà án đã xét xử các vụ li dị theo hướng đấu tranh chống tàn tích phong kiến, giúp chị em phụ nữ thoát khỏi sự ràng buộc độc ác của xã hội cũ để xây dựng những gia đình mới trên tinh thần bình đẳng tương trợ và yêu thương lẫn nhau. Đối với một số trường hợp việc xin li dị xét không có lý do chính đáng thì toà án đã cố gắng hoà giải cho đôi bên vui lòng đoàn tụ.

B. Công tác Tư pháp đã đạt được các kết quả trên đây chính là vì các toà án nhân dân đã được xây dưng và rèn luyện trong quá trình đấu tranh của quần chúng và liên hệ ngày càng mật thiết với quần chúng.

I. ĐẤU TRANH ĐỂ XÂY DỰNG TƯ TƯỞNG PHÁP LÝ VÀ TƯ PHÁP DÂN CHỦ NHÂN DÂN, CẢI TẠO RÈN LUYỆN VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ.

Ngay từ khi đặt nền móng của nền Tư pháp dân chủ, các cán bộ tư pháp đã hăng hái tham gia vào việc đấu tranh với những quan niệm sai lầm di sản của chế độ Thực dân phong kiến về mặt tư tưởng pháp lý và Tư pháp. Cuộc đấu tranh diễn ra trên báo chí và trong những cuộc hội nghị học tập từ năm 1947 đến năm 1951, mỗi ngày càng thu được thắng lợi rõ rệt, xây dựng được tư tưởng pháp lý và tư pháp dân chủ nhân dân ngày càng cụ thể. Tiếp sau đó, các cán bộ tư pháp được học tập chỉnh huấn, được rèn luyện trong thực tế đấu tranh trấn áp phản cách mạng, được bồi dưỡng trong phong trào phát động quần chúng nên trong những năm gần đây tiến bộ lại càng rõ rệt.

Mặt khác, bên cạnh những cán bộ Tư pháp cũ còn có cán bộ mới xuất thân từ trong thành phần nhân dân lao động hoặc đã được rèn luyện nhiều trong đấu tranh cách mạng, tham gia ngày càng nhiều vào công tác Tư pháp, do đó đã tăng cường không những số lượng mà cả chất lượng cho ngành Tư pháp.

II. NHÂN DÂN HOÁ BỘ MÁY TƯ PHÁP, VAI TRÒ CỦA CÁC HỘI THẨM NHÂN DÂN Ở TRONG TOÀ ÁN.

Ngay từ đầu, nhân dân đã tham gia vào việc xử án với hình thức của phụ thẩm nhân dân. Nhưng tới năm 1950 khi tổ chức các toà án nhân dân thì tiến bộ hơn một bước nữa với sự có mặt của các hội thẩm nhân dân. Các hội thẩm nhân dân không phải chỉ tham gia ý kiến vào việc xét xử, trái lại có quyền quyết định hơn nữa trong thành phần toà án thì hội thẩm nhân dân lại chiếm đa số, đảm bảo quyền xét xử theo án ở trong tay đại biểu của nhân dân, đảm bảo việc thi hành chính sách theo đúng với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Cũng do sự có mặt của các hội thẩm nhân dân mà ở các vùng dân tộc thiểu số, đồng bào các dân tộc đã thực sự tham gia vào toà án, thực sự nắm quyền xét xử, dùng tiếng của dân tộc họ trong khi xét xử và vẫn dùng luật pháp của Chính phủ thích nghi với phong tục tập quán của mỗi dân tộc.

III. TỔ CHỨC NHÂN DÂN THAM GIA NGÀY CÀNG ĐÔNG ĐẢO VÀO CÔNG TÁC TƯ PHÁP. XÂY DỰNG CÔNG TÁC TƯ PHÁP DỰA VÀO QUẦN CHÚNG, ĐI THEO ĐƯỜNG LỐI QUẦN CHÚNG, TOÀ ÁN LIÊN HỆ NGÀY CÀNG MẬT THIẾT VỚI ĐÔNG ĐẢO QUẦN CHÚNG.

Các toà án liên hệ mật thiết với quần chúng không phải chỉ ngang qua các hội thẩm nhân dân mà hơn nữa trong mọi công tác Tư pháp từ việc điều tra khai thác cho đến việc xét xử thi hành án, toà án đều dựa vào quần chúng. Toà án đi lưu động điều tra xét xử tại chỗ để tiện lợi cho nhân dân và để được sát nhân dân. Công tác điều tra, khai thác không phải đơn thuần chỉ dựa vào kĩ thuật trinh sát, khai thác cung chứng mà Toà án còn dùng lực lượng của đông đảo quần chúng, tìm tòi, nhận xét cung cấp tài liệu, giúp đỡ sáng kiến. Trong các phiên toà, nhân dân được phát biểu ý kiến, cung cấp tài liệu, nhận xét về mức án, phê bình toà án.  Đặc biệt trong các phiên toà điển hình, việc vận động quần chúng tham gia được tổ chức theo một quy mô rộng lớn. Trong ngay phiên toà, Toà án phối hợp với các cơ quan chính quyền và các đoàn thể nhân dân, tổ chức cho nhân dân học tập vụ án, chuẩn bị tư tưởng, xác định thái độ đi dự phiên toà. Đặc biệt, các khổ chủ và nhân chứng được bồi dưỡng chu đáo. Ngày xử án, quần chúng đi dự phiên toà có tổ chức, có lãnh đạo. Toà án truy hỏi, công tố, buộc tội đều kết hợp chặt chẽ với cuộc tố cáo qua khổ chủ, nhân chứng và của đông đảo quần chúng. Hình thức phiên toà điển hình từ năm 1953 trở lại đây đã trở thành nề nếp ở khắp các tỉnh Trung Nam Bắc và các vùng tự do và ở địch hậu. Ngay cả ở vùng dân tộc thiểu số như Tây bắc, trong các phiên toà xử án chính trị ở Đông Lào Cai, ở Sơn La có từ 300 đến 1000 người đến dự, hăng hái lên vạch tội ác bọn gián điệp, biệt kích, trùm phỉ hung ác, cũng trong năm 1953 đã có những vụ án điển hình rất lớn như vụ án Phong Quang Diễn ở Thừa Thiên 4 cây số đã có 2 vạn người dự. Vụ án Hòn Me ở Thanh Hoá đã thu hút 6 vạn người tới phiên toà. Vụ án Hưng Yên ở Nghệ An đã huy động nhân dân Công giáo 10 huyện tham gia vào việc điều tra xét xử, mở phiên toà trong 7 đêm và có đến tới 7 vạn đồng bào đến dự.

Mỗi lần tổ chức xét xử theo đường lối quần chúng như thế là một lần phong trào giáo dục nhân dân đứng lên bảo vệ luật pháp, đấu tranh với kẻ thù của nhân dân, của cách mạng.

Gần đây lại thành lập các toà án nhân dân đặc biệt trong phong trào phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Đó là các toà án được tổ chức, được rèn luyện, thử thách ngay trong phong trào đấu tranh của quần chúng, phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh của quần chúng và được quần chúng tín nhiệm và bồi dưỡng về lập trường xét xử. Đó là một trường cải tạo và rèn luyện cán bộ cũ rất tốt và cũng là một nguồn đào tạo cán bộ Tư pháp mới rất lớn. Mặt khác, các Toà án nhân dân đặt biệt đã và đang thu thập được những kinh nghiệm phong phú không những về mặt tổ chức và lề lối làm việc mà còn về phần chấp hành chính sách và lãnh đạo đấu tranh, góp phần vào việc xây dựng nền Tư pháp dân chủ nhân dân, một nền Tư pháp đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.



File đính kèm