“Người lính chữa cháy” của ngành Tư pháp

31/03/2015
Trong và ngoài ngành Tư pháp, nhắc đến ông ít người không biết tiếng. Không phải chỉ bởi ông nguyên là Thứ trưởng phụ trách những lĩnh vực “cam go” của ngành, mà còn bởi cả cuộc đời ông là sự gắn bó, cống hiến hết mình, đầy máu lửa cho công tác Tư pháp, từ những ngày Tư pháp còn non trẻ đến những bước trưởng thành vững mạnh như ngày nay…Ông là Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, người tự ví von mình một cách giản dị là “người lính chữa cháy” của ngành Tư pháp.

Người có công lớn đưa Chế định Thừa phát lại đi vào cuộc sống

Nhắc đến nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, có rất nhiều điều để nói, nhưng có lẽ, trong sự nghiệp Tư pháp của ông, người ta nhắc nhiều nhất đến câu chuyện đưa chế định Thừa phát lại (TPL) triển khai thí điểm thành công ở TP.HCM.

Nói đến Thừa phát lại, nguyên Thứ trưởng vẫn luôn nhấn mạnh, Thừa phát lại gắn với xã hội hoá, là một trong những câu chuyện khó nhất của ngành Tư pháp. Câu chuyện vẫn mới như hôm qua. Hồi ấy, năm 1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận được kiến nghị của giới Luật TP.HCM nêu lên công dụng của chế định Thừa phát lại. Cố Thủ tướng đã phê yêu cầu nghiên cứu và thi hành. Và đơn vị chính được giao trọng trách cụ thể là Sở Tư pháp TP.HCM, nơi nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đang giữ cương vị Phó Giám đốc.

 

Nguyên Thứ trưởng kể, cảm giác của ông sau khi đọc kiến nghị là thích thú, và càng đọc càng say mê, càng quyết tâm làm sao để đưa chế định này đi vào cuộc sống. Sau khi Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị ra Bộ, Bộ đã yêu cầu không thực hiện qua loa mà phải làm thành một đề án khoa học hẳn hoi. Một cuộc họp đã được tổ chức tại TP.HCM, với sự có mặt của các vị đứng đầu trường Luật, Văn phòng đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM (nay là Cục Công tác Phía Nam Bộ Tư pháp) và cả các cựu thừa phát lại giàu kinh nghiệm trước năm 1975. Đề án ra đời, được sự đánh giá cao của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Sau này, đi tham quan, học hỏi mô hình Thừa phát lại ở các nước châu Âu, nguyên Thứ trưởng càng hiểu hơn rằng, chế định này đã phát triển ở nước bạn hàng trăm năm, thậm chí như ở Hy Lạp là hàng ngàn năm nay. Vậy, làm sao để mô hình nhiều ưu điểm như thế được áp dụng phù hợp với tình hình nước ta?

Năm 1997, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính trúng cử vào Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhiệm kì khoá X, XI. Thời điểm Quốc hội sửa luật, Đoàn Đại biểu TP đã động viên, yêu cầu ông phát biểu về Thừa phát lại. Nguyên Thứ trưởng nhớ lại, 10 phút phát biểu ấy đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của toàn thể đại biểu. Tiếp theo là bước tiến mới khi Chế định Thừa phát lại được đưa vào NQ 49 của Bộ Chính trị về Cải cách Tư pháp….

Tuy nhiên, cũng phải đến đầu năm 2008, khi ông từ Sở Tư pháp TP.HCM ra nhận cương vị mới tại Bộ Tư pháp và được Bộ trưởng giao đảm trách nhiều nhiệm vụ, trong đó có Thừa phát lại, thì kế hoạch đưa TPL vào cuộc sống mới thực sự chuyển động mạnh.

Nguyên Thứ Trưởng chia sẻ, nói về việc thí điểm TPL, cái khó thì nói không hết. Bởi hoạt động TPL đụng chạm đến tố tụng, đặt biệt là lĩnh vực tống đạt, nên cũng “đụng chạm” đến nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Rồi trong lĩnh vực vi bằng, đòi hỏi về con người phải đầy đủ các chuẩn mực: khách quan, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, trung thực… Xã hội hoá TPL không dễ, vì muốn làm được phải xây dựng thể chế, nhất là ranh giới còn khá nhoà giữa nhà nước và tư nhân trong xây dựng đội ngũ cán bộ, trong công tác hành chính… Rồi còn nữa, phải làm thế nào để một chế định mới như vậy tham gia vào hệ thống pháp luật mà bổ khuyết chứ không ngáng chân hệ thống, còn non trẻ nhưng được các “anh chị” chấp thuận và giúp sức?

Khó khăn nhiều, nhưng với nhận thức về lợi ích, vai trò lớn lao mà TPL mang lại cho hệ thống pháp luật và cho người dân, nguyên Thứ trưởng đã đặt quyết tâm phải thực hiện cho được. Ông kể, may mắn nhất, yếu tố quyết định lớn cho thành công của việc thí điểm TPL tại TP.HCM là các lãnh đạo TP, Đoàn Đại biểu QH và các cơ quan như Toà án, Viện Kiểm sát, Công an đều ủng hộ nhiệt tình, nêu cao quyết tâm “đã làm là phải thắng”… Và một yếu tố khác, là nó đánh trúng nhu cầu pháp luật của người dân TP, được người dân ủng hộ.

Nguyên Thứ trưởng chia sẻ, ông đã đi sát mỗi bước đi non trẻ của TPL tại TP.HCM, vui trong từng sự việc vụ thể: Người dân xây dựng làm nứt nhà nhau nhờ lập vi bằng mà hoà giải được, rồi doanh nghiệp thắng kiện ở nước ngoài nhờ vi bằng, hay Thi hành án “sót” trong xác minh điều kiện thi hành án, nhờ TPL mà xác minh lại cho đúng, lợi cho dân. Ông bảo, mỗi một sự việc nhỏ đều cho thấy TPL đang phát huy tích cực vai trò của mình trong quan hệ dân sự giữa dân với dân, giữa dân với nhà nước, đang đi sâu vào cuộc sống…

Về nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, người ta còn nói đến “công lớn” của ông trong xã hội hoá Công chứng, trong củng cố phát triển lực lượng thi hành án. Nhưng ông bảo, thôi, đó là trách nhiệm của người làm công tác Tư pháp, yêu ngành, máu lửa thì làm, chứ kể nhiều mà làm chi!

“Người lính” ở tuyến đầu

Sự nghiệp của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính có thể chia làm 3 giai đoạn lớn: Giảng dạy – đào tạo; Lãnh đạo Tư pháp TP.HCM và đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách các mảng Thi hành án, Bổ trợ Tư pháp. Và ông nói vui, như một định mệnh, có đi đâu thì cũng làm Tư pháp, cả cuộc đời gắn bó với Tư pháp mà thôi.

Ông bảo, cái số của ông là luôn dịch chuyển, luôn đi “chữa cháy”. Nơi bắt đầu sự nghiệp của nguyên Thứ trưởng là công tác giảng dạy tại Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa nghèo, đời sống cán bộ chật vật. Giáo viên phải đi dọn kho, khuân từng bao xi măng. Đến khi Khoa được nâng lên thành Trường Đại học Pháp lý, rồi Đại học Luật Hà Nội, thì ông nhận nhiệm vụ mới: Vào TP.HCM giảng dạy tại Trung cấp pháp lý Bình Triệu, nơi cũng ngổn ngang là khó khăn. Sau đó, ông lại tiếp tục được chuyển sang làm Phó trưởng Phân hiệu tại Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại TP.HCM. Sau thời gian nhọc công tổ chức, vun vén, đời sống cán bộ công nhân viên khá lên, trường chuẩn bị chính thức trở thành Đại học Luật TP.HCM, thì ông nhận thông báo: Sở Tư pháp TP.HCM “cháy” cán bộ rồi! “Thế là, tôi được điều đi “chữa cháy”, nguyên Thứ trưởng dí dỏm.

Ông kể, nhận nhiệm vụ mới mới thấy khó nhiều. Làm công tác đào tạo, thì mọi thứ đều chỉn chu, tròn trịa nhưng khá cứng nhắc. Với người lãnh đạo Tư pháp địa phương, không thể áp dụng nguyên xi tính cách ấy mà thành công được. Bởi pháp luật trong cuộc sống khác với bài giảng, nó phức tạp và luôn có hai mặt. Kinh nghiệm của ông lúc này còn ít ỏi, mà tư pháp TP.HCM khi ấy còn khá phức tạp, chưa ổn định bởi vai trò chưa cao, chưa được quan tâm nhiều, cùng với đặc thù kinh tế, xã hội TP.HCM còn mang các “di chứng” của xã hội từ thời trước 1975. Vất vả, gian nan rồi cũng quen. Nhưng chưa dừng lại ở đấy. Hơn 1 năm sau, Thi hành án dân sự (THA) tách từ Toà án sang Bộ Tư pháp. Lực lượng mỏng, yếu, lại “cháy” người. Thế là ông lại phải kiêm luôn phụ trách Thi hành án. Ông kể, hồi ấy trụ sở của THA còn “ké” căn phòng nhỏ xíu trước Toà án Thành phố, người ít việc nhiều. Kỉ niệm để đời của ông là “dẫn quân” đi thi hành án một con tàu khổng lồ của Châu Phi đậu tại Ngã ba Cát Lái. Để THA được hàng hoá trên tàu về không dễ dàng, vì bảo vệ tàu toàn người Phi to khoẻ, rồi khác biệt ngôn ngữ… , đòi hỏi sự quyết liệt và mềm dẻo của người THA.

Nguyên Thứ trưởng nói vui: “Tôi thường nói, tôi tự hào là Thứ trưởng duy nhất của Bộ Tư pháp từng trực tiếp dẫn quân đi Thi hành án!”. 

Ở giai đoạn thứ 3 trong sự nghiệp, ông ra nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư pháp, được Bộ trưởng giao công tác Thi hành án dân sự và Bổ trợ Tư pháp, bao gồm toàn những nhiệm vụ mới và không ít gian nan. Ông bảo: “Số tôi phải di chuyển, phải chữa cháy, toàn nhận nhiệm vụ cam go, thế mà vui!. Nhờ gắn bó từ những ngày gian lao, mà sau đó ra Bộ, tôi nắm rõ, hiểu sâu sát những công tác mình được giao, hiểu cái khó, hiểu cả tâm tư anh em… Cán bộ Tư pháp rèn nghề qua những thử thách, khó khăn còn đâu tốt hơn nữa?”.

Nói về những bước đi trong sự nghiệp Tư pháp của Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính thì còn rất dài, rất nhiều. Giờ đây, người “lính chữa cháy” ấy đã “gác súng”, về hưu. Nhưng tấm lòng của ông hướng về Ngành còn rất sâu nặng. Trăn trở vì đó đây, còn nhiều địa phương chưa thấm nhuần sự cần thiết của công tác tư pháp. Ông nghĩ nhiều về công tác cán bộ vì luôn cho rằng, người cán bộ là cốt lõi quan trọng trong sự phát triển của ngành. Ngành Tư pháp là một ngành nhiều việc, công việc đòi hỏi chuyên môn cao nhưng do cơ chế mà còn khá khó khăn trong đãi ngộ cán bộ, thu hút nhân lực. Trong thời gian ông công tác, những người tài sức hút ngoài ngành mà ra đi đã nhiều lần làm ông buồn bởi không cách nào giữ họ lại, phục vụ cho ngành được, đành chấp nhận như quy luật tất yếu của thị trường…

Nhưng, với Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, thì mọi khó khăn chỉ là nhất thời. Ông tin vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của ngành Tư pháp. Một niềm tin không nói suông. Nó là cả một lý tưởng đã theo ông từ lúc bước vào ngành, khi Tư pháp còn khá non yếu, chưa có nhiều vị thế. Từ khi người còn mỏng, nhân sự biến động hàng tháng, từ khi Thừa phát lại chỉ là một khái niệm mơ hồ, Thi hành án còi cọc từ Toà án tách sang, công chứng còn mang tính độc quyền và không ít hiện tượng công chứng viên nhũng nhiễu, sách nhiễu dân…. Nay, chẳng phải tất cả đã bắt đầu bước vào guồng quay ổn định? Ngành Tư pháp giờ đây đã được nâng cao vị thế, thậm chí không thể thiếu trong những quyết sách của đất nước hay sao?

Ông tin vào tương lai rạng rỡ của ngành. Và ông kì vọng ở ngọn lửa nơi những cán bộ Tư pháp thế hệ sau ông…

Ngọc Mai