​​

Kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã bắt đầu được khởi động

30/05/2019
Kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã bắt đầu được khởi động
Trong 02 ngày: 23, 24/5/2019, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” đã tổ chức Đoàn Kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Đoàn Kiểm tra do đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn; đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Trưởng ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Phó Trưởng đoàn; các thành viên là đại diện các cơ quan tham gia Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại mỗi địa phương, Đoàn Kiểm tra đã có các buổi làm việc với cấp tỉnh, gồm đại diện Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh; đại diện một số đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh; 01 đơn vị cấp huyện: Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), Thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa),  gồm đại diện Lãnh đạo huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; đại diện một số đơn vị cấp xã thuộc huyện.
Đoàn Kiểm tra làm việc tại tỉnh Phú Yên
 
Nội dung kiểm tra tập trung việc đánh giá kết quả 15 năm triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW trên các mặt: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; vai trò giám sát công tác PBGDPL của Hội đồng nhân dân; công tác quản lý nhà nước; nguồn lực dành cho công tác PBGDPL về con người, kinh phí, hoạt động xã hội hóa; việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, khen thưởng; các mô hình, giải pháp mới để nhân rộng; ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL nói chung đối với sự chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, sự phát triển kinh tế, tình hình an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn. Ngoài ra, Đoàn Kiểm tra còn thực hiện lồng ghép kiểm tra kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương theo Quyết định số 515/QĐ-HĐPH ngày 04/3/2019 và tình hình thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. 
Kết quả kiểm tra cho thấy, qua 15 năm triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL tại các địa phương được kiểm tra đều có những chuyển biến tích cực: công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện kịp thời; Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được kiện toàn theo đúng quy định, phối hợp triển khai công tác PBGDPL một cách tích cực; Kế hoạch PBGDPL được ban hành hàng năm và triển khai nghiêm túc; đội ngũ BCVPL, TTVPL đã được chú trọng bồi dưỡng, tập huấn (tại Phú Yên, ngay từ đầu năm, các huyện: Đồng Xuân, Sông Hinh và Thị xã Sông Cầu đã xây dựng Bảng phân công báo cáo viên pháp luật phụ trách theo từng vùng, địa bàn, đối tượng cụ thể); và nhiều nơi BCVPL đã trở thành hạt giống đỏ tham gia tích cực vào công tác PBGDPL; công tác PBGDPL trong nhà trường đạt nhiều kết quả khả quan; kinh phí nhìn chung đã được quan tâm chú trọng. Đặc biệt qua kiểm tra, nhiều mô hình hay, các làm hiệu quả đã được phát hiện như: Tổ PBGDPL trong nhà trường (đại diện Sở Giáo dục tỉnh Phú Yên), Mỗi tuần học 1 Điều luật, mô hình sân khấu hóa (đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa), Ngày Pháp luật mùng 9 hàng tháng (đại diện Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa), phiên tòa giả định (đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa), mô hình Hội viên phụ nữ là luật sư (đại diện Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa)…
Đoàn Kiểm tra làm việc tại tỉnh Khánh Hòa

Các đại biểu tham dự cũng đã đưa ra những con số chứng minh cụ thể hiệu quả  qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về số vụ việc vi phạm pháp luật giảm, tình hình an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn được giữ vững: năm 2018, 2019 giảm số vụ khiếu kiện đông người, đơn thư tố cáo nặc danh (đại diện ngành Thanh tra Thành phố Cam Ranh), nhiều năm không có học sinh vi phạm pháp luật (đại diện ngành Giáo dục Thành phố Cam Ranh); không có nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng (địa diện Công an tỉnh Phú Yên)…Có được kết quả này một phần không nhỏ là nhờ sự lãnh đạo của các ngành, các cấp quan tâm tới công tác PBGDPL, qua đó giúp ý thức của cán bộ, công chức, người dân được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra cũng cho thấy, công tác PBGDPL tại các địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sự vào cuộc, sự quan tâm thực sự, có chiều sâu của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi còn hạn chế; chưa thống kê được đầy đủ kinh phí dành cho công tác PBGDPL; công tác xã hội hóa để tháo gỡ một phần khó khăn chưa được bền vững, chưa huy động được cộng đồng doanh nghiệp, người am hiểu kiến thức pháp luật vào công tác PBGDPL; đội ngũ BCVPL, TTVPL có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay; công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, khen thưởng ở các cấp còn hạn chế.
Qua hoạt động kiểm tra, Đoàn Kiểm tra cũng gợi mở một số phương hướng hoạt động cụ thể để cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, HĐPBGDPL các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu triển khai công tác PBGDPL, trước mắt là tập trung hoạt động tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW theo hướng dẫn của Trung ương. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong thời gian tới thì các địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Kế hoạch hàng năm trên cơ sở nhận diện chi tiết những điểm nóng xã hội đang quan tâm; đổi mới hình thức linh hoạt, lựa chọn nội dung để tuyên truyền phù hợp với đối tượng, độ tuổi; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ BCVPL, TTVPL, đặc biệt là nâng cao chất lượng của các buổi tập huấn; cần triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, công tác xã hội hóa về thu hút nguồn lực tài chính và sự tham gia của các chuyên gia trong công tác PBGDPL (luật sư, luật gia)./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật