​​

Tuyên truyền pháp luật phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và địa bàn dân cư

07/10/2019
Tuyên truyền pháp luật phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và địa bàn dân cư
Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, chiều 4/10.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, trên cơ sở báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, kết quả nắm bắt thực tiễn qua các cuộc kiểm tra, tọa đàm, hội thảo cũng như tham vấn ý kiến trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Dự thảo Báo cáo đã phản ánh toàn diện, chi tiết trên các khía cạnh cụ thể kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị trên thực tế từ công tác phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị tại các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của cấp ủy và chính quyền trên tinh thần xác định rõ hơn công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Thể chế, chính sách của công tác phổ biến giáo dục pháp luật được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ. Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này được từng bước cải thiện. Qua theo dõi, số lượng báo cáo viên Trung ương trong thời gian 15 năm đã tăng 8,3 lần; số lượng tuyên truyền viên cấp xã tăng 1,65 lần.
Đáng chú ý, nội dung, hình thức, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Việc bảo đảm các nguồn lực cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực trong xã hội đã được quan tâm, chú trọng...
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, qua tổng kết cũng đã nhận diện rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của việc triển khai thực hiện Chỉ thị trong thời gian qua, trong đó nổi bật là tồn tại, khó khăn đến từ nhận thức của các cấp ủy đảng; cơ chế phối hợp trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; sự thiếu khả thi trong các quy định pháp luật liên quan; cách thức triển khai chưa hiệu quả; nguồn nhân lực, các điều kiện bảo đảm triển khai còn hạn chế.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về tình hình triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tại các bộ, ngành, địa phương; cho ý kiến về dự thảo Báo cáo và dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao Bộ Tư pháp trong công tác chuẩn bị, tham mưu và tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW bám sát theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo. Đến nay, về cơ bản các hoạt động đã và đang được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, huy động được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Để khẩn trương chuẩn bị công tác tổng kết theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan cần tập trung vào một số hoạt động sau đây: Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai các hoạt động theo Kế hoạch số 98 bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại cuộc họp này. Trong đó, cần tập trung phân tích, làm rõ các kết quả đạt được, những chuyển biến về chất trong ý thức, nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân kể từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW; nêu bật các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên thực tế; đánh giá đúng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác này, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, muốn có Chỉ thị mới về công tác này phải phân tích, xem xét kỹ bối cảnh tình hình và yêu cầu mới của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay như thế nào khi tình hình KT-XH đất nước phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, ngày càng có nhiều hình thức truyền thông đa phương tiện mới đang được áp dụng, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại hỗ trợ cho truyền thông cũng như mặt trái của vấn đề này…
“Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật không phải là công việc riêng của ngành tư pháp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để công tác này ngày càng phát huy cao hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân. Vì thế, việc tuyên truyền cần sử dụng các công cụ phương tiện của Nhà nước và xã hội, với lực lượng nòng cốt là ngành tư pháp, từ đó có các biện pháp tuyên truyền và phổ biến thực sự hiệu quả, phong phú, hiện đại sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm, địa bàn, đối tượng gắn với giáo dục đào tạo cùng sự tham gia của thành phần với kế hoạch cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực như Toà án, Kiểm sát, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, các đoàn thể chính trị-xã hội để nhân dân nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với lòng dân để ban hành chính sách, pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhất trí sớm tổ chức hội nghị tổng kết trực tuyến toàn quốc vào thời gian tới trên tinh thần chu đáo, tiết kiệm, tránh lãng phí; khẩn trương rà soát, chọn lọc, thực hiện các thủ tục cần thiết phục vụ công tác thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm tham mưu, đề xuất, xin ý kiến Ban Bí thư để ban hành văn bản mới thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí có kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ hoạt động tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên phạm vi toàn quốc.
Lê Sơn

.
 

Chinhphu.vn