​​
​​​

Quảng Ngãi tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW

29/08/2019
Thực hiện Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của bộ, Nhân dân (sau đây viết tắt là Chỉ thị 32), tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành tổng kết Chỉ thị 32 và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
1. Sự chuyển biến trong nhận thức và chỉ đạo tổ chức triển khai công tác PBGDPL: Công tác tổ chức học tập, phổ biến và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về PBGDPL được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng, từng bước tạo điều kiện thuận lợi về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm triển khai công tác này trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong 05 năm gần đây, kinh phí công tác PBGDPL thường xuyên của cơ quan thường trực Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (bao gồm kinh phí hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh và thực hiện các đề án) được UBND tỉnh phê duyệt trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; ở cấp huyện khoảng từ 30-200 triệu đồng/huyện/năm; cấp xã từ 5-20 triệu đồng/xã/năm.
2. Tác động tích cực của việc ban hành các văn bản, thể chế, chính sách từ khi có Chỉ thị 32: Các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2003 đến nay, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hơn 175 văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh (trong đó có 09 văn bản quy phạm pháp luật). Ngoài ra, Hội đồng PHPBGDPL đã ban hành hơn 70 văn bản chỉ đạo; cơ quan Thường trực Hội đồng PHPBGDPL (Sở Tư pháp) ban hành hơn 230 văn bản về công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó các cơ quan, địa phương đã ban hành khoảng hơn 250 văn bản về công tác PBGDPL.
3. Sự chuyển biến về số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL: Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cơ bản được đảm bảo về chất lượng và số lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 235 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 229 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.636 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được củng cố, đào tạo nghiệp vụ PBGDPL và bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Từ năm 2003 đến nay UBND tỉnh tổ chức hơn 48 hội nghị triển khai các văn bản luật với khoảng 15 văn bản luật (Hiến pháp, Bộ luật, Luật) cho hơn 11.000 lượt lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo và các các cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tham gia.
Việc tuyên truyền, PBGDPL còn được thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật với sự tham gia của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý, luật sư, luật gia...Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.280 tổ hòa giải với 8.621 hòa giải viên ở cơ sở, các tổ hòa giải về cơ bản có đầy đủ các thành phần, qua đó góp phần giải quyết nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
4. Hiệu quả của công tác PBGDPL: Trong 15 năm qua, công tác PBGDPL không ngừng được tăng cường và nâng cao hiệu quả, nội dung và hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú. Nội dung PBGDPL luôn đi vào những vấn đề trọng tâm, mang tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong việc tìm hiểu, chấp hành pháp luật. Qua thống kê, trung bình mỗi năm toàn tỉnh tổ chức trên 5.320 lớp/buổi/đợt/cuộc tập huấn, tuyên truyền PBGDPL trực tiếp, có hơn 445.300 lượt người tham dự; tổ chức 123 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 110.000 lượt người dự thi; cấp phát miễn phí hơn 650.680 tài liệu và đăng tải hơn 10.1000 tin, bài về pháp luật trên phương tiên thông tin đại chúng; phát sóng trên 5.080 lần trên đài truyền thanh cơ sở; ngoài ra, tủ sách pháp luật của các cơ quan, địa phương được trang bị đầy đủ với hơn 100 đầu sách pháp luật/tủ sách, bố trí phù hợp tạo thuận lợi cho người đến mượn đọc, nghiên cứu thuận tiện.
Hình thức PBGDPL đã có sự đổi mới với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với nội dung, đối tượng tuyên truyền.Đặc biệt, một số hình thức PBGDPL có hiệu quả cao đang được nhân rộng hiện nay là kết hợp tuyên truyền với việc tư vấn, giải đáp pháp luật, phát tài liệu, tờ rơi và tuyên truyền trên trang tin điện tử của các cơ quan, địa phương, tổ chức trên mạng Internet, Zalo, Facebook...; tổ chức các Câu lạc bộ như “Thanh niên với pháp luật”; “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”; “Nông dân với pháp luật”; “Phụ nữ với pháp luật”; Câu lạc bộ “Gia đình văn hóa”...kết hợp với tuyên truyền trực tiếp cho từng nhóm đối tượng; tư vấn giải đáp pháp luật trực tiếp qua Báo, Đài Truyền hình, Trang Thông tin điện tử...; UBND tỉnh tổ chức thành công 41 cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi viết tay và thi sân khấu hóa).
Từ năm 2011 đến nay, định kỳ hàng tháng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức mô hình Ngày pháp luật và gắn PBGDPL với việc học tập, quán triệt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đây là mô hình tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Một số đơn vị tổ chức “Ngày pháp luật” gắn kết, lồng ghép vào các cuộc họp giao ban, trực báo, họp cơ quan, hội nghị các tổ chức, hội, đoàn thể để phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến ngành, đơn vị mình; một số cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình “Mỗi ngày học một điều luật”, “Mỗi tuần học một văn bản luật”. Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức 05 hội thảo và 01 buổi mít tinh với chủ đề khác nhau với hơn 1.500 lượt đại biểu dự.
5. Sự chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân từ khi có Chỉ thị 32: Từ khi công tác PBGDPL được quan tâm và tăng cường, tỷ lệ vi phạm pháp luật trong toàn tỉnh đã có sự giảm đáng kể như vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình hình vi phạm của học sinh trong các trường học; tỷ lệ phạm tội năm sau giảm hơn năm trước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh cơ bản ổn định; trình độ dân trí, hiểu biết cũng như việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh tăng lên rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhìn chung, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, công tác PBGDPL đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác này ngày càng đi vào nề nếp, cách thức thực hiện thích hợp, đi vào chiều sâu, từ đó tạo ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân./.