Giữa cái nắng đầu mùa, chúng tôi tìm về Trường THPT C Kim Bảng. Từ xa, dáng vẻ nhanh nhẹn, đôi chân thoăn thoắt cùng nụ cười tươi của thầy giáo Trần Đức Hùng như xua tan bao oi bức, ngột ngạt. Ân cần hỏi han, khéo léo mời từng ly trà còn thơm vị, người thầy giáo cuối cùng cũng có thể chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về chuyện nghề, chuyện đời suốt những năm tháng đứng bục giảng của mình.
Người lái đò cần mẫn
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Giáo dục thể chất, kể từ khi đón những lứa học sinh đầu tiên của mình ở trường THPT C Kim Bảng, thầy giáo Hùng đã cùng với các em làm nên nhiều thành tích đáng tự hào, trở thành niềm vinh dự cho nhà trường nói riêng, cho tỉnh nhà nói chung. Suốt 2 năm học, từ năm 2017 đến năm 2019, đội tuyển học sinh giỏi do anh phụ trách đã giành được: 6 Huy chương Đồng môn điền kinh học sinh THPT cấp Quốc gia; 1 giải Nhì, 2 giải Ba ở cấp tỉnh. Cùng với đó, là tham gia giảng dạy đội tuyển điền kinh tỉnh Hà Nam tham gia các hội thi, giải đấu toàn quốc, mang về nhiều huy chương danh giá.
Không chỉ tích cực trong đào tạo, thầy giáo Trần Đức Hùng nhiều năm qua liên tục có những đề xuất, những sáng kiến để phát huy tối đa hiệu quả công tác giảng dạy, trong đó có 03 sáng kiến cấp tỉnh được công nhận. Đó là các sáng kiến: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh trong môn thể dục”, “Một số giải pháp làm giảm chấn thương trong tập luyện TDTT” và “Một số giải pháp giúp học sinh hứng thú với việc tập luyện TDTT bằng việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo”.
Các thầy cô trong trường đều tấm tắc khen ngợi thầy Hùng bởi, để có được những thành tích tự hào ấy, cả thầy và trò đã phải nâng cao ý thức trong bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện. Thầy Hùng cũng tham khảo rất nhiều tài liệu chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học, đồ dùng tự làm. Từng có nhiều đêm anh thức trắng để tìm hiểu các giáo án, phương pháp giảng dạy hay của đồng nghiệp, từ đó sáng tạo trong quá trình vận dụng và sử dụng vào bài giảng để mỗi giờ lên lớp đều có thể mang đến những trải nghiệm bổ ích và lý thú cho học sinh.
“Tôi chỉ mong tất cả các em đều được đến trường”
Trái ngược với niềm hãnh diện khi nói về những lứa học trò tài năng, đôi mắt thầy Hùng như trĩu nặng, khuôn mặt anh thoáng chút suy tư khi trải lòng với chúng tôi về những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh đau đáu: “Sinh ra trong gia đình không đủ điều kiện vật chất đã là một thiệt thòi, nhưng phải tự mình bươn chải và lớn lên khi thiếu vắng sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ thì còn đáng thương hơn rất nhiều. Học sinh của tôi có nhiều em như vậy, nhìn tụi nhỏ định bỏ học vì không theo được các bạn, tôi như được thôi thúc phải làm điều gì đó, bởi tôi chỉ mong tất cả các em đều được đến trường”.
Từ suy nghĩ đến hành động, thầy Hùng đã nhiều năm liên tiếp đứng ra kêu gọi, tham mưu cùng nhà trường gây dựng các quỹ từ thiện, nhằm hỗ trợ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh éo le, vượt lên số phận. Nhờ đó, nhiều em đã được cấp sổ tiết kiệm hỗ trợ trang trải chi phí ăn học; cùng với nhiều suất học bổng mỗi năm dành cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Anh Trần Đức Hùng với tư cách là Bí thư đoàn trường, cũng đã vận động 100% đoàn viên thanh niên tham gia vào các hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, “lá lành đùm lá rách” như: tham gia hiến máu nhân đạo, chăm sóc, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, người có công nhân dịp 27/7, tết Nguyên Đán; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Bắc, hạn hán xâm nhập mặn ở miền Trung và miền Nam, ủng hộ xây dựng đài tưởng niệm Hoàng Sa, ủng hộ quỹ xây nhà tình nghĩa....
Có lẽ, không chỉ riêng thầy Hùng, mà với bất kỳ người giáo viên nhân dân nào cũng đều mong muốn được thấy những học trò nhỏ trưởng thành từ mái trường, được tới lớp, được gặp bạn bè, thầy cô. Với họ, đó là niềm hạnh phúc nhưng cũng rất đỗi tự hào trong nghề cầm phấn.
Cùng học trò tìm hiểu, chấp hành pháp luật
Chia sẻ về quan điểm giáo dục của mình, thầy giáo Trần Đức Hùng cho biết, ngoài giờ lên lớp, anh muốn được đồng hành cùng học sinh như những người bạn, để có thể lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó điều chỉnh phương pháp phù hợp. Bởi, đây là lứa tuổi rất nhạy cảm, hiếu động, tầm hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, rất dễ bị sa ngã nếu không được quan tâm kịp thời.
Chính vì vậy, song hành với giáo dục thể chất, thầy giáo Hùng cũng thường xuyên kết hợp với các cơ quan công an, đoàn thể, tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, giao lưu, tuyên truyền cho học sinh về chấp hành luật pháp, trong số đó đặc biệt chú trọng đến: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển đảo, trọng tâm là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), ý thức tham gia giao thông an toàn, tránh xa tệ nạn xã hội, luật phòng chống bạo lực học đường, luật hôn nhân và gia đình, luật nghĩa vụ quân sự, luật bảo vệ môi trường, các bằng chứng pháp lý và lịch sử của Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ….
Anh còn cùng các giáo viên trong trường thành lập Câu lạc bộ “Tuổi trẻ pháp luật”, “SKSS -VTN -TN” hoạt động 1 lần/tháng, do các đồng chí giáo viên dạy môn Sinh, GDCD làm chủ nhiệm CLB. Thông qua những buổi sinh hoạt, đã trang bị những kiến thức về pháp luật, về sức khỏe sinh sản tới các học sinh một cách sâu rộng hơn.
Không chỉ liên tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, người thầy ấy cũng chịu khó đến gặp gỡ phụ huynh từng học sinh, từ đó đưa ra phương pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quan tâm đời sống tinh thần, cũng như giáo dục các em trong chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, chính sách pháp luật và nội quy nhà trường.
Có lẽ nhờ sự sâu sát ấy, mà khi gặp những trường hợp học sinh vi phạm, thầy giáo Hùng vẫn có thể nhẹ nhàng, ân cần, giải đáp các khúc mắc, gỡ rối để các em nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi mình đã làm, từ đó thay đổi, phát triển bản thân. Nhắc tới đây, thầy giáo Hùng khẽ bật cười khi nói về sự ngây ngô của hai cậu học trò, vì bị bạn bè rủ rê mà sử dụng pháo tự chế, gây nổ ngay trong lớp học, rất may là không có thiệt hại nào. Với anh, thay vì dùng những lời lẽ nặng nề, hãy đặt mình mình vào vị trí của học trò để thấu hiểu, chia sẻ và có cách răn đe phù hợp.
Trên đường rời khỏi sân trường THPT C Kim Bảng, chúng tôi khẽ nói với nhau rằng, Trần Đức Hùng vừa là người con quê cha Nghệ An, vừa gắn bó với vùng quê Hà Nam “đất mẹ anh hùng”, phải chăng hơi thở của những mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, hiếu học này đã bồi đắp nên trong con người anh sự giản dị, mộc mạc, thân thiện và tài giỏi như vậy. Một thầy giáo có tâm và có tầm.