Đó là Luật sư Lê Hải Lâm (SN 1956, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Văn phòng luật sư Hải Lâm, Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu). Luật sư Lâm nguyên là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Minh Hải; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu.
Dành trọn đam mê cho nghề luật
Luật sư Lê Hải Lâm nhớ lại, không phải khi nghỉ hưu ông mới theo nghề luật sư mà thực ra ông đã có thâm niên trong nghề này hơn ba chục năm rồi. Từ trước năm 1994, khi đang làm công chức nhà nước, ông đã tham gia hoạt động luật sư (thời điểm này pháp luật không cấm công chức nhà nước tham gia hoạt động luật sư). Năm 1994, tỉnh Minh Hải thành lập Đoàn Luật sư, luật sư Lê Hải Lâm là luật sư thành viên, được bầu làm Phó Chủ nhiệm lâm thời; đến đầu năm 1995 Đại hội Đoàn Luật sư lần thứ nhất, được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Minh Hải.
Cũng trong năm 1995, Trường Hành chính tỉnh Minh Hải và Trường Chính trị Châu Văn Đặng hợp nhất lấy tên là Trường Chính trị tỉnh Minh Hải, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật của trường. Tháng 01/1997 tỉnh Minh Hải chia tách thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, ông được bổ nhiệm Trưởng Khoa Nhà nước - Pháp pháp luật Trường chính trị tỉnh Bạc Liêu. Năm 2001 được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu. Năm 2002, ông xin rút tên ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư vì theo Pháp lệnh Hành nghề luật sư 2001 thì cán bộ, công chức, viên chức không được đồng thời hành nghề luật sư.
Năm 2005, ông Lâm được điều động, bổ nhiệm làm Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, phụ trách công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm 2011, ông được điều động lại làm Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu, phụ trách công tác đào tạo. Đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo; thành viên Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu.
Trong suốt quá trình công tác, mặc dù được đề bạt ở các vị trí lãnh đạo đạo chủ chốt nhưng công việc chính của ông vẫn gắn bó với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đầu năm 2016, ông Lê Hải Lâm được nhà nước cho nghỉ hưu, lúc này ông trở lại hoạt động hành nghề luật sư với vai trò một luật sư chuyên nghiệp, chuyên tâm với công việc tuyên truyền pháp luật, bào chữa, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân…
Luật sư của cộng đồng
Từ năm 2018 - 2021, luật sư Lê Hải Lâm được Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu thường xuyên mời phối hợp triển khai, phổ biến pháp luật cho đối tượng là đội ngũ báo cáo viên, cán bộ công chức chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; tham gia Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở; tập huấn cho Hòa giải viên cơ sở và giới thiệu nội dung, nguyên tắc, kỹ năng, phương pháp hòa giải ở cơ sở trong tỉnh.
Hàng năm, luật sư Lâm đều được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bạc Liêu mời triển khai, phổ biến pháp luật; Đài Truyền hình tỉnh Bạc Liêu mời tham gia giải đáp pháp luật chuyên mục “Trả lời bạn xem đài”, nhiều lần tham gia tọa đàm, trả lời phỏng vấn về những nội dung liên quan đến pháp luật.
Luật sư Lâm được đánh giá là người có chuyên môn nghiệp vụ tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nghề, tận tâm, tận lực với nghề, nói thẳng, nói thật, vì công lý, lẽ phải, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho đương sự, với phong cách gần gũi, thân thiện, nhiệt tình, lắng nghe và thấu hiểu.
Thông qua các hoạt động nghiệp vụ của luật sư,ông đã góp phần bồi dưỡng kiến thức, giúp người dân và khách hàng nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, làm theo Hiến pháp, pháp luật; từ đó góp phần tăng cường pháp chế, giữ vững ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Với vai trò luật sư, trung bình mỗi năm luật sư Lê Hải Lâm tham gia bào chữa cho hàng chục bị can, bị cáo. Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý khoảng 40 người/năm. Thời gian làm công tác thanh tra, ông giải quyết khiếu nại, tố cáo khoảng 100 vụ/năm. Bên cạnh đó, trực tiếp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng chục ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên, Đại biểu HĐND các cấp; người làm công tác Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hội quần chúng, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các chức sắc tôn giáo và nhân dân.
Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, Luật sư Lê Hải Lâm đã cùng các đồng nghiệp đã tư vấn miễn phí cho nhân dân, cá nhân ông và Văn phòng luật sư của mình cũng đã tổ chức nhiều đợt tư vấn miễn phí. Kết quả là nhiều người dân đã biết đến danh tiếng của ông và Văn phòng luật sư của ông ngày càng nhiều.
Ấn tượng về những buổi tuyên truyền đặc biệt
“Nghề luật sư cũng là giống như nghề thầy thuốc, khách hàng chỉ đến luật sư khi họ đang gặp sự cố, có vướng mắc pháp lý, gỡ được hay không là phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của luật sư. Do đó người luật sư phải là người thông hiểu pháp luật, hiểu tâm lý của khách hàng về tập quán, bản sắc văn hoá dân tộc; vô tư không vụ lợi là thước đo lòng nhân ái, đạo đức, lấy việc bảo vệ công lý, lẽ phải và công bằng làm mục tiêu, lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động” - luật sư Lê Hải Lâm chia sẻ.
Luật sư Lâm tâm sự: “Kỷ niệm trong nghề thì nhiều lắm, nhưng một trong những kỷ niệm tôi ấn tượng nhất là vào năm 1995, Trại giam Cái Tàu (tỉnh Minh Hải) mời tôi phổ biến giáo dục pháp luật cho 700 phạm nhân trong thời gian 7 ngày. Đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật rất “đặc biệt” khiến tôi càng thấm thía sâu sắc lời Bác dạy “nghĩ cho cùng, vấn đề Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”.
Ông kể tiếp một kỷ niệm đáng nhớ nữa: "Có lần tôi được Ban Tuyên giáo tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) chỉ định giảng bài “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” cho các chức sắc và tín đồ Cao Đài ở Thánh thất Cao Đài huyện Thới Bình. Sau khi chia tỉnh năm 1997, tôi lại được mời tham gia giảng nhiều lớp đối tượng là chức sắc tôn giáo, về Pháp lệnh Tôn giáo và quan điểm chính trị của Đảng về tự do tín ngưỡng tôn giáo”.
Luật sư Lê Hải Lâm chia sẻ, điều kiện cốt lõi để phát huy hoạt động nghề nghiệp luật sư trong thời kinh tế thị trường hội nhập quốc tế có sức cạnh tranh lớn hiện nay đòi hỏi luật sư phải có bản lĩnh vững vàng về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, luôn nỗ lực nâng cao và đổi mới kỹ năng hành nghề, để bắt kịp những yêu cầu của tiến trình đổi mới hội nhập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nói về Luật sư Lê Hải Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu Vưu Nghị Bình cho biết: “Bộ Tư pháp có văn bản gửi UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chọn các cá nhân tiêu biểu trong việc bình chọn danh hiệu “Gương sáng Pháp luật”, nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Với những cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp trong năm qua, Luật sư Lê Hải Lâm đã được tặng 19 Bằng khen của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, tỉnh Bạc Liêu; 04 Bằng khen của Liên Đoàn lao động tỉnh Bạc Liêu; 03 Bằng khen của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 01 Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ; 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (ngày 02/01/2003 và 25/8/2009); 01 Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước (ngày 15/02/2011); 04 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Kỷ niệm chương - Vì sự nghiệp phát triển Hội Luật gia Việt Nam; Vì sự nghiệp Công đoàn Việt Nam; Vì sự nghiệp Dân vận; Vì sự nghiệp Văn hóa - Tư tưởng; Vì sự nghiệp Giáo dục; Vì sự nghiệp phát triển ngành Tổ chức Nhà nước; Vì sự phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.