Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc trong công cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước gắn với chủ nghĩa Mác – Lênin đưa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang trên đà phát triển sánh ngang với các nước trên thế giới và đã được thế giới ghi nhận. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là kim chỉ nam trong mọi hành động của Đảng đề ra đường lối đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế đa phương cùng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các thế lực thù địch càng có nhiều cách thức nhằm xuyên tạc, phản bác các quan điểm sai trái của các thế thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Lịch sử đã chứng minh sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thập kỷ 90 của thế kỷ XX do phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, tư tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin. Các nước đó đã để một số bộ phận nhà tư tưởng tự hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận công lao to lớn của chủ nghĩa cộng sản trong công cuộc giải phóng áp bức, bóc lột và xây dựng một xã hội công bằng, bình ổn. Từ đó, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn trong đó có hoạt động “diễn biến hoà bình”. Hoạt động này thâm độc khi chúng lẩn vào giữa quần chúng để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chúng kích động nhân dân chống lại chính quyền, phá hoại tài sản công hoặc thậm chí gây ảnh hưởng đến những người dân vô tội. Các thế lực thù địch còn lợi dụng, dụ dỗ những Đảng viên có bức xúc, có mâu thuẫn trong các cơ quan, đoàn thể nhằm mua chuộc, kích động đưa ra những hành động đi ngược lại tôn chỉ của Đảng, của Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ nhất là sự phát triển nền tảng số, các thế lực thù địch càng có nhiều chiêu trò, biến tướng nhằm chống phá Nhà nước, đưa ra nhiều thông tin sai lệch, phát ngôn nhằm gây hoang mang dư luận. Từ đó chúng lợi dụng để làm cho nhân dân hoài nghi, mất niềm tin vào Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội và làm suy thoái kinh tế, phát triển của đất nước. Những Đảng viên của Đảng Cộng sản là những người chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ mới, giữ cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng hi sinh những lợi ích cá nhân để xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà bao thế hệ cha anh đã dày công xây dựng, hi sinh xương máu để gìn giữ cho một nền hoà bình, bình ổn chính trị đất nước đến ngày hôm nay.
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã chỉ ra mục tiêu: (1) Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; (3) Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; (4) Góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về quan điểm chỉ đạo trong đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" đã chỉ ra để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ các cấp luôn giữ cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng dù đứng trước mọi cám dỗ, khó khăn, thử thách, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện quan điểm của Đảng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 xác định cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng thời cải cách chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và phát triển, để làm trong sạch bộ máy và giữ gìn uy tín trước Nhân dân, các cơ quan Đảng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cùng với sự phối hợp với công tác thanh tra góp phần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giám sát các hoạt động của Đảng viên trong bộ máy nhà nước, đánh giá được thái độ của Nhân dân và xã hội về hoạt động của bộ máy nhà nước.
Các đảng viên nhất là cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan nhà nước là những hạt nhân chính trị của Đảng trong hoạt động quản lý xã hội, quản lý nhà nước đòi hỏi có phẩm chất, đạo đức trong sáng, được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát là để kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. Từ đó, nâng cao nhận thức của đảng viên, phát huy tính tự giác, có trách nhiệm để đẩy lùi những luận điểm sai trái của thế lực thù địch. Đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những thành phần biến chất, đi ngược lại tôn chỉ của cách mạng. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được thực hiện tốt có thể nhân rộng, khơi dậy ý chí cách mạng để bảo vệ công cuộc xây dựng Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Công tác thanh tra trong hoạt động quản lý nhà nước là yếu tố không thể tách rời giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực để xử lý nghiêm minh. Công tác thanh tra như bộ lọc của hoạt động quản lý nhà nước, những nhân tố tích cực được nhân rộng, kiến nghị những bất cập trong hoạt động quản lý để xử lý tháo gỡ và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật cả trong và ngoài khu vực nhà nước.
Thông qua hoạt động thanh tra có thể cung cấp, trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức để thông báo tổ chức Đảng kiểm tra, xem xét và xử lý theo quy định, đảm bảo đồng bộ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng xem xét, đánh giá cán bộ thông qua kết quả thanh tra để xem xét, sắp xếp vị trí nhân sự, khen thưởng hoặc kỷ luật hợp lý. Một trong những nhiệm vụ của hoạt động thanh tra là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian gần đây, một số bộ phận cán bộ, công chức phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, dẫn tới vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra góp phần phát hiện những cá nhân có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức để thông báo tới tổ chức Đảng thực hiện xử lý kỷ luật tương ứng với vi phạm. Từ đó, kịp thời loại bỏ, ngăn chặn đẩy lùi những thành phần tiêu cực, các ý định chống phá của thế lực thù địch.
Nguyễn Hồng Diện
Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ Bộ Tư pháp,
Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp