Tập huấn về Công tác ủy thác tư pháp về dân sự

Ngày 14/12/2015, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp (JPP) tổ chức Lớp tập huấn về Công tác ủy thác tư pháp về dân sự. Lớp tập huấn nhằm mục đích giới thiệu tổng quan về Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt); một số nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ Tư pháp và những nội dung mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 liên quan tới ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện ủy thác tư pháp với một số nước.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tham dự và chủ trì Lớp tập huấn. Lớp tập huấn diễn ra trong 1 ngày với sự tham gia của nhiều đại diện đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đại học Luật Hà Nội, Đại diện các Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, Tòa án nhân dân tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thái Bình…

Giới thiệu tổng quan về Công ước tống đạt

Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế đã trình bày tham luận về phạm vi áp dụng của Công ước, nội dung chính của Công ước (các kênh tống đạt, bảo vệ bị đơn trước và sau khi ra phán quyết liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập bị đơn), thông tin về tiến độ gia nhập Công ước tống đạt của Việt Nam và những điểm cần lưu ý trong thực thi Công ước của các cơ quan liên quan (Cơ quan Trung ương dự kiến là Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tống đạt theo yêu cầu của nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tống đạt ra nước ngoài của Việt Nam).

Trên cơ sở trình bày của đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, các đại biểu cũng đã trao đổi để làm rõ hơn một số nội dung của Công ước như phạm vi áp dụng, các kênh tống đạt và bảo lưu của Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về kế hoạch chuẩn bị gia nhập và thực thi Công ước.

Giới thiệu dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC

Đại diện Bộ ngoại giao đã trình bày một số quy định mới trong dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC, đặc biệt là quy định liên quan đến chi phí thực tế phát sinh, thu nộp phí thực hiện ủy thác theo yêu cầu của nước ngoài. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã cung cấp tình hình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp tại Bộ Ngoại giao, một số khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự tại Bộ Ngoại giao trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn cả về thể chế (nguyên tắc có đi có lại, chi phí, hướng đãn tống đạt văn bản cho công dân Việt Nam ở nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao) và thực tiễn: địa chỉ tống đạt chưa chính xác hoặc chỉ viết bằng tiếng Việt.

Một số nội dung mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 liên quan tới ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao đã giới thiệu những điểm mới cơ bản của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về bổ sung các kênh tống đạt, thông báo tổng hợp về các thời điểm cần lưu ý trong tố tụng: thụ lý, thời điểm mở phiên tòa, phiên họp; thời hạn tố tụng đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và xử lý kết quả ủy thác tống đạt giấy tờ tại Tòa án (cho phép xét xử vắng mặt khi đáp ứng một số điều kiện nhất định khi không nhận được xác nhận kết quả tống đạt giấy triệu tập ra nước ngoài). Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng lưu ý các tòa án trong việc lựa chọn kênh tống đạt phù hợp vì hiện nay các tòa án đang gộp chung các yêu cầu tống đạt và thu thập chứng cứ nhưng việc gộp chung này chỉ được chấp nhận trong một số điều ước song phương mà Việt Nam đã ký kết nhưng không được chấp nhận Công ước Tống đạt.

Hướng dẫn thực hiện ủy thác tư pháp với Thái Lan và Na-Uy

Tại lớp tập huấn, đại diện Bộ Tư pháp đã trình bày với các đại biểu tham dự một số thay đổi trong việc thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của Thái Lan và Na-Uy. Đối với Thái Lan, (1) thư yêu cầu tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ phải được lập bằng tiếng Thái hoặc tiếng Anh hoặc phải được dịch sang tiếng Thái hoặc tiếng Anh; (2) Tất cả bản dịch hồ sơ và tài liệu gửi kèm phải được chứng nhận lãnh sự. Đối với Na-Uy, (1) Hồ sơ và tài liệu yêu cầu tống đạt giấy tờ hoặc thu thập chứng cứ có thể được lập bằng tiếng Na-Uy, Đan Mạch, Thụy Điển hoặc phải được dịch sang một trong những ngôn ngữ trên; (2) việc thực hiện ủy thác tư pháp giữa Việt Nam và Na-Uy được thực hiện qua kênh ngoại giao. Tòa án Việt Nam không được tống đạt giấy tờ tư pháp trực tiếp qua đường Bưu điện cho Công dân Việt Nam hoặc Na-Uy tại Na-Uy. Tuy nhiên, đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy có thể tống đạt các giấy tờ tư pháp trực tiếp cho công dân Việt Nam cư trú tại Na Uy.

Bên cạnh đó, đại diện của các Bộ, ngành cũng giải đáp những thắc mắc cho các đại biểu về những nội dung có liên quan trong các tham luận. Các đại biểu tham dự Lớp tập huấn đã thảo luận sôi nổi và đưa ra một số đề xuất, chia sẻ kinh nghiệm tốt trong thực thi công tác ủy thác như:

  • Chuyển giao việc tống đạt cho thừa phát lại;
  • Cung cấp địa chỉ trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, địa chỉ liên lạc của đầu mối xử lý ủy thác tư pháp tại Tòa án nhân dân các địa phương (Ví dụ: Tại Hà Nội, bộ phận một cửa Phòng Hành chính tư pháp là cơ quan đầu mối giải quyết các yêu cầu).

Lớp tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều nội dung quan trọng đã được các Chuyên gia và Đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text