Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ca-dắc-xtan chính thức có hiệu lực

Alternate Text

Theo Thông báo số 21/2015/TB-LPQT ngày 15/7/2015 của Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan, ký tại Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2011, có hiệu lực chính thức kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2015. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hai nước trong hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự; góp phần thúc đẩy thủ tục giải quyết các vụ việc phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan.

 

Nội dung cơ bản của Hiệp định

Hiệp định gồm có Lời nói đầu và 35 điều, chia làm 6 chương, cụ thể như sau:

Chương I “Những quy định chung” gồm 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 15) quy định về: Phạm vi tương trợ tư pháp; Bảo hộ pháp lý; Miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý miễn phí; Tạm ứng án phí; Các kênh liên lạc; Ngôn ngữ; Chi phí tương trợ tư pháp; Yêu cầu tương trợ tư pháp; Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp; Từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp; Chuyển giao tài liệu, đồ vật và tiền; Trao đổi thông tin và tài liệu pháp luật; Chuyển giao giấy tờ về hộ tịch; Miễn hợp pháp hóa lãnh sự; Thực hiện tương trợ tư pháp theo yêu cầu của nhiều bên.

Chương II “Tống đạt giấy tờ” gồm 2 điều (Điều 16 và Điều 17) quy định về: Yêu cầu tống đạt giấy tờ; Tống đạt giấy tờ cho công dân của nước mình.

Chương III “Thu thập cung cấp chứng cứ” gồm 3 điều (Điều 18, Điều 19 và Điều 20) quy định về: Yêu cầu thu thập cung cấp chứng cứ; Thực hiện yêu cầu thu thập cung cấp chứng cứ;, Thu thập chứng cứ từ công dân của nước mình.

Chương IV “Triệu tập người làm chứng, người giám định” gồm 2 điều (Điều 21 và Điều 22) quy định về: Triệu tập người làm chứng, người giám định và Bảo hộ người làm chứng, người giám định.

Chương V“Công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Trọng tài” gồm 7 điều (từ Điều 23 đến Điều 29) quy định về: Công nhận bản án, quyết định của tòa án; Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án; Điều kiện công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án; Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án; Thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án; Hiệu lực của việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án; Công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài.

Chương VI Điều khoản khác” gồm 6 điều (từ Điều 30 đến Điều 35), quy định về: Quan hệ với các điều ước quốc tế khác; Giải quyết bất đồng; Trao đổi ý kiến; Phê chuẩn và hiệu lực; Sửa đổi, bổ sung và Điều khoản cuối cùng.

Nội dung của Hiệp định hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, với đường lối đối ngoại, chính sách củng cố mối quan hệ với các nước. Hiệp định quy định cụ thể về quy trình và các việc liên quan đến thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự (bao gồm các vấn đề dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động như đã thể hiện tại khoản 2 Điều 1), phù hợp với thực tiễn thực hiện công tác tương trợ tư pháp của nước ta cũng như với các Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý mà ta đã ký với các nước trước đây. Do vậy, sau khi có hiệu lực chính thức, Hiệp định sẽ được áp dụng trực tiếp toàn bộ mà không cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thực hiện.(Nội dung Hiệp định đã được đăng tải trên mục Điều ước quốc tế).
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text