Tập huấn tương trợ tư pháp và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự

Alternate Text

Ngày 19 tháng 5 năm 2015 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư pháp tổ chức chương trình tập huấn Tương trợ tư pháp và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch công tác năm 2015 của Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp nhằm mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự.

 

Tham gia và phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Cùng tham dự lớp tập huấn gồm có: Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật quốc tế, bà Phạm Hồ Hương, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và đại diện một số Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, đại diện Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Tuyên Quang.

Trong phần khai mạc Lớp tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã thông tin đến các đại biểu tham dự lớp tập huấn về vị trí, vai trò của công tác tương trợ tư pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm giải quyết chính xác vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên tham gia tố tụng nói riêng trong bối cảnh của quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam nói chung. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã giới thiệu với đại biểu tham dự về những thành tựu trong công tác tương trợ tư pháp mà Bộ Tư pháp đã đạt được trong thời gian quan, cụ thể như: Bộ Tư pháp đã hoàn thành hồ sơ để Chính phủ trình Chủ tịch nước gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để đề xuất đưa vào Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan mới đến tố tụng giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài phù hợp với thực tế và khả thi hơn; Bộ Ngoại giao xây dựng Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải thích khái niệm điều ước quốc tế về quyền con người theo quy định tại khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013… 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc, trong công tác tương trợ tư pháp và đề nghị đại biểu cùng trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp, đảm bảo quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khi tham gia tố tụng và định hướng nội dung thảo luận tại chương trình tập huấn cho các đại biểu tham dự.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe phần trình bày của các báo cáo viên và thảo luận sôi nổi về nội dung đã được Thứ trưởng chỉ đạo, cụ thể như những khó khăn, vướng mắc từ việc áp dụng Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/5/2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, đề xuất định hướng sửa đổi thông tư này; quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác tư pháp theo Thông tư số 18/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 11 tháng 2 năm 2014 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự và một số bất cập (Thông tư số 18); giới thiệu Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp  Lớp tập huấn cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ đại diện các Bộ, ngành, địa phương, cụ thể như: Bộ Tài chính trao đổi về vấn đề thu, nộp và chi ngân sách nhà nước cho hoạt động tương trợ tư pháp; Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng có ý kiến về thẩm quyền ký công văn của Thẩm phán…

Lớp tập huấn là một trong hàng loạt các hoạt động mà Bộ Tư pháp đã triển khai nhằm thực hiện vai trò cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp về dân sự. Qua lớp tập huấn, các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự đã có cơ hội để cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được, cùng trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện ủy thác tư pháp, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện và đặc biệt là đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Thông tư 15 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động ủy thác tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tố tụng trong nước và phục vụ tiến trình hội nhập của đất nước./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text