Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về tham gia và thực thi Công ước La hay năm 1965 về Tống đạt giấy tờ

Alternate Text

Sáng nay (10/12), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về tham gia và thực thi Công ước La hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết việc tống đạt giấy tờ là yêu cầu bắt buộc của pháp luật tố tụng Việt Nam để quyết định chính xác vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Hiện nay, số lượng tranh chấp dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng, do đó các yêu cầu về tống đạt giấy tờ cũng tăng. Năm 2013, Việt Nam mới chỉ là thành viên của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế, trước khi quyết định gia nhập Công ước La hay, việc tìm hiểu kinh nghiệm của các nước đã tham gia Công ước là rất hữu ích, Thứ trưởng nói.    

Theo bà Phạm Hồ Hương, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, hiện nay cơ sở điều ước quốc tế cho việc thực hiện ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và các nước là 15 Hiệp định/Thỏa thuận Tương trợ tư pháp (TTTP) đang có hiệu lực, trong đó phần nhiều là các Hiệp định với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. So với số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại thì số lượng các Hiệp định/Thỏa thuận TTTP song phương đang có hiệu lực là quá nhỏ, chưa tạo ra được cơ chế pháp lý đầy đủ để đáp ứng nhu cầu về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTTP. Năm 2014, có 85% yêu cầu ủy thác tư pháp gửi ra nước ngoài là những nước chưa có Hiệp định TTTP với Việt Nam, tỷ lệ không có kết quả từ nước ngoài gửi về lên đến 52%, nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường kéo dài, thậm chí lên đến hàng năm.

Chỉ ra những lợi ích cơ bản của việc gia nhập Công ước Tống đạt giấy tờ như góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế liên quan đến tư pháp quốc tế thông qua việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế về TTTP, đưa hệ thống pháp luật, quy trình tố tụng của Việt Nam đến gần và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, bà Hương cũng lưu ý một số vấn đề khi gia nhập Công ước để thực hiện tốt hơn các quy định của Công ước Tống đạt.

Đồng tình với bà Hương về việc hiện nay các hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi tới các nước/vùng lãnh thổ đã ký và chưa ký Hiệp định TTTP về dân sự với Việt Nam, mà chủ yếu là được gửi tới các nước chưa ký kết Hiệp định với Việt Nam. Ông Lê Mạnh Hùng, đại diện Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, trung bình hàng năm (tính từ năm 2010 đến nay) các TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết khoảng 3,500 đến 4,000 vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài cho đương sự ở nước ngoài. Mặc dù có những thuận lợi nhất định, nhưng việc tham gia Công ước, việc Tống đạt giấy tờ của TAND sẽ gặp một số khó khăn, thách thức như: việc thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp chưa có sự thống nhất, có Tòa giao cho bộ phận hành chính thực hiện, có Tòa giao cho Thư ký tòa thực hiện; về khối lượng công việc quá tải, số vụ việc dân sự có xu hướng tăng cao theo từng năm; địa chỉ chưa rõ ràng của đương sự ở Việt Nam cũng là một khó khăn không nhỏ trong việc tống đạt.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong thực thi Công ước Lahay về tống đạt giấy tờ, ông William Fritzlen, chuyên viên cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định, không có quy định nào của pháp luật Hoa Kỳ yêu cầu việc tống đạt phải được thực hiện theo một yêu cầu chính thức đến cơ quan Trung ương, tức là việc tống đạt không nhất thiết phải sử dụng cơ quan Trung ương, Tòa án, hay Văn phòng TTTP quốc tế. Ở Hoa Kỳ, việc tống đạt có thể được thực hiện bởi các công ty tư nhân mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ký hợp đồng (ví dụ công ty ABC Legal, Seattle, Washington) để thực hiện chức năng tống đạt. Bộ Tư pháp sẽ thực hiện giám sát công tác tống đạt và cứ 5 năm gia hạn một lần, điều này sẽ tạo cơ hội cho công ty khác nếu họ làm tốt hơn, đem lại hiệu quả hơn. Ông cũng chia sẻ, Hoa Kỳ tham gia Công ước Lahay từ năm 1965 và Hoa Kỳ không có bất kỳ một Hiệp định/Thỏa thuận TTTP nào, chỉ với việc gia nhập và thực hiện Công ước Lahay đã đủ bảo đảm cho Hoa Kỳ trong việc thực hiện tống đạt giấy tờ.  

Khác với Hoa Kỳ, ở Nhật Bản công việc tống đạt không được thực hiện bởi công ty tư nhân nào mà hoàn toàn do Tòa án. Ông Kentaro Mita Chuyên viên Vụ Dân sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, đối với yêu cầu tống đạt ra nước ngoài sẽ do Tòa án Nhật Bản, còn yêu cầu từ nước ngoài đến Nhật Bản sẽ do Bộ Ngoại giao thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao nội dung và hiệu quả của Hội thảo. Theo đó, trong thời điểm Việt Nam đang nỗ lực hội nhập quốc tế, giao lưu dân sự, thương mại, việc Tống đạt giấy tờ có xu hướng tăng hàng năm, nhưng kết quả ủy thác chưa được như mong muốn, đây cũng là điểm nóng trên nhiều diễn đàn. Công Ước La hay về Tống đạt được nhiều quốc gia tham gia (68 thành viên). Với những chia sẻ của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, việc tham gia Công ước đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc Tống đạt. Từ kinh nghiệm và chia sẻ của các chuyên gia cũng cho thấy có sự khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của mình, cách thức tham gia và thực hiện Công ước cũng phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật của từng quốc gia. Việc chia sẻ kinh nghiệm của các nước đi trước tham gia vào Công ước này, sẽ giúp cho Việt Nam có nhiều cơ sở để nghiên cứu việc quyết định gia nhập Công ước, đồng thời khắc phục những yếu kém của việc ủy thác mà Việt Nam đang phải xử lý./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text