Tin tức khác

Thống kê tư pháp tốt có thể góp phần dự báo kinh tế - xã hội tại địa phương

Sáng nay (18/10), Đoàn Công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND về công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và Tư pháp cấp xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Đoàn cũng đã làm việc với cán bộ chủ chốt Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai về công tác tư pháp và công tác kiện toàn tổ chức cán bộ tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Chức danh tư pháp cần rõ ràng

Ông Trần Xuân Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Bộ rà soát lại các văn bản, văn bản nào không còn hiệu lực thì nên bỏ, để thuận lợi cho địa phương khi áp dụng. Ông Hiệp dẫn chứng, Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính nêu: “Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu (theo giá của UBND tỉnh) thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp Kho bạc Nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu, trừ các loại lâm sản thuộc loại quý, hiếm thuộc nhóm IA,IB và các loại lâm sản xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 43”.  Theo ông Hiệp, quy định này không phù hợp, bởi người vi phạm đã có hành vi vi phạm các quy định bảo vệ rừng thì cần xử lý nghiêm. Đây là hành vi trộm cắp tài sản Nhà nước; Tài sản đã có quyết định tịch thu là công sản, không thể ưu tiên giao lại cho người vi phạm được.

Nói về sự cần thiết của cán bộ tư pháp cơ sở, ông Hiệp nhấn mạnh: Cán bộ tư pháp xã làm tới 12 đầu việc nhưng đến nay vẫn chưa có một chức danh rõ ràng, chế độ thì không hấp dẫn...Trong khi đó, theo ông Hiệp, nếu thống kê được số lượng vụ việc công chứng một cách cụ thể thì biết rằng theo đó câu chuyện số lượng án tăng; giao dịch dân sự, kinh tế - xã hội... có thể có sự chuyển biến tích cực hoặc không bình thường.

 Ông Hiệp khẳng định, nếu thống kê, xem xét đầy đủ về tình hình công tác tư pháp (công chứng, chứng thực, thi hành án...) thì chính quyền địa phương hoàn toàn có thể dự báo được tình hình kinh tế - xã hội đang diễn biến như thế nào(?) Ông còn đề nghị Bộ xem xét việc ban hành văn bản, theo đó không nên để cho cấp huyện, xã ban hành văn bản, mà công việc này chỉ làm ở cấp Bộ và cấp tỉnh.

Đồng tình với ông Hiệp, ông Lê Hồng Sơn, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho rằng cần tổ chức nghiên cứu ngay công tác thống kê tư pháp, thông qua đó có thể dự báo tình hình kinh tế - xã hội được kịp thời, nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Về chức danh tư pháp cơ sở, ông Sơn cho rằng cán bộ tư pháp cần lắm một chức danh rõ ràng, ổn định. Bởi theo ông, cán bộ tư pháp cấp xã phải làm một khối lượng công việc khổng lồ, nếu không muốn nói rất khó khăn, phức tạp và có tầm quan trọng vì liên quan đến đông đảo người dân. Liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành Chính Tư pháp, Bộ Tư pháp yêu cầu Gia Lai cần tách Phòng Hành chính Tư pháp - Bổ trợ Tư pháp thành hai phòng riêng biệt, rạch ròi, có thế mới quán xuyến được công việc của mình.

Ông Phan Văn Sum, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cho biết: Tỷ lệ thi hành án xong của năm 2010 cao hơn 4% so với 2009; về tỷ lệ số giá trị thực thu trên số giá trị có điều kiện thu đạt 77%, tăng so với 2009 là 6%.

 

 

Kiện toàn bộ máy tư pháp

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phấn khởi trước sự phối kết hợp với tỉnh thời gian qua mang lại tín hiệu tốt đẹp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng quan ngại cán bộ tư pháp chưa đảm bảo chất lượng. “Ý kiến đề nghị trường Trung cấp Luật không chỉ dạy luật mà dạy thuần túy công việc cho cán bộ tư pháp là rất hợp lý” - Bộ trưởng nói. Về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng nhắc nhở, đã có trường hợp án có điều kiện thi hành rồi mà chưa thi hành cũng xếp vào án chưa có điều kiện thi hành thì không ổn. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thi hành án xem xét câu chuyện này trên toàn quốc và lưu ý cố gắng vận động kỹ năng dân vận để hạn chế việc cưỡng chế đối với dân trong công tác thi hành án.

Theo Bộ trưởng, hiện bộ máy Sở Tư pháp cơ bản kiện toàn, tuy nhiên công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp liên quan rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ cần quan tâm tạo điều kiện để tách rõ phòng “Hành chính Tư pháp và Bổ trợ Tư pháp” nhằm làm tốt công tác của phòng hơn; kể cả công tác kiện toàn bộ máy Cục Thi hành án dân sự cũng nhờ vào chính quyền tỉnh. Ngoài ra, phát triển đội ngũ luật sư thời gian qua của Gia Lai còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển địa phương.

Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, các ban, ngành của tỉnh đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Tư pháp. Theo ông Dũng, Bộ Tư pháp đã giành sự quan tâm đặc biệt đến Gia Lai và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa. Đồng tình các ý kiến, kiến nghị của Bộ Tư pháp, ông Dũng còn góp ý: Việc tăng thêm một cán bộ tư pháp ở cơ sở thì nên chăng đó là một người dân tộc, thông qua việc đào tạo họ. “Hướng dẫn thi hành các luật, Bộ cần tính toán đến tính đặc thù của từng địa phương, không nên cào bằng, đó cũng là thể hiện tính dân chủ..." - ông Dũng nói.

Phong Trần