Hội thảo “Bình luận kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật Việt Nam trên cơ sở Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”

Hội thảo “Bình luận kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật Việt Nam trên cơ sở Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”

 Hôm qua (3/12/2013), tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Bình luận kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật Việt Nam trên cơ sở Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã đến dự, phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo,  Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: “Quyền con người là một giá trị tinh hoa của nhân loại, là khát vọng và thành quả đấu tranh của các dân tộc trên toàn thế giới. Nhà nước Việt Nam luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người”. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Các quyền con người về chính trị và dân sự đã được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp của Việt Nam từ khi lập nước đến nay. Mới đây nhất, vào ngày 28/11/2013, kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 13 đã thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó nội dung về quyền con người, quyền công dân có nhiều điểm mới, thể hiện một bước phát triển trong việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người của Nhà nước Việt Nam, cụ thể các quy định về quyền con người, quyền công dân đã được đặt trang trọng tại vị trí Chương II; quy định rõ ràng giữa các quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, văn hóa và xã hội; quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng,...”.

Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/2/1966 và có hiệu lực ngày 23/3/1976, tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được thể hiện ở việc cho đến nay đã có 167 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc là thành viên của Công ước này. Việt Nam đã tham gia Công ước ICCPR từ năm 1982. Để thực thi có hiệu quả Công ước này cũng như các điều ước quốc tế khác về quyền con người, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì việc rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên nói chung và mới đây cũng đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Trong thời gian qua, việc rà soát các quy định pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị đã được nghiêm túc triển khai thực hiện với sự tham gia của các Bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều kết quả rà soát đã được sử dụng trong đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Nhằm triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã chủ trì, tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất việc xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản theo hướng nội luật hóa, cụ thể hóa các quyền cơ bản của công dân theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Trong năm 2011, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam so với 6 nhóm quyền thuộc các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Công ước ICCPR, gồm: Quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin và tín ngưỡng tôn giáo; Quyền được luật pháp bảo vệ (được bồi thường danh dự và thiệt hại); Quyền có quốc tịch; Quyền tự do đi lại, cư trú của công dân; Quyền được bình đẳng trước pháp luật; Quyền bầu cử, ứng cử, tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý đất nước. Những kết quả bước đầu của việc rà soát này đã hỗ trợ hiệu quả hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Bộ Tư pháp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật quy định về quyền con người có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên công tác rà soát này cần tiếp tục được triển khai trong các giai đoạn tiếp theo. Năm 2012 - 2013, Bộ Tư pháp tiếp tục tiến hành hoạt động rà soát các nhóm quyền còn lại của các quyền dân sự, chính trị theo Công ước ICCPR, gồm: Quyền sống, quyền an ninh cá nhân; Quyền bất khả xâm phạm về thân thể; Quyền không bị tra tấn, nhục hình và đối xử vô nhân đạo; Quyền không bị giam giữ độc đoán, được đối xử nhân đạo; Quyền kết hôn và lập gia đình; Quyền không bị lao động khổ sai hay lao động cưỡng bức; Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bí mật thư tín; Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài tại Việt Nam; Quyền tự do hội họp, lập hội. Đặc biệt, trong hoạt động rà soát pháp luật về quyền con người, quyền công dân năm 2012, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ không chỉ với các Bộ, ngành ở Trung ương mà còn với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc rà soát trong năm 2012 đã được mở rộng đến các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Đây là những văn bản tác động trực tiếp nhất đến người dân. Để triển khai hoạt động rà soát này, Bộ Tư pháp đã xây dựng phương thức rà soát, các bước tiến hành rà soát, nội dung rà soát và Bảng rà soát cụ thể hóa các bước và nội dung rà soát để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cơ sở cho việc rà soát.

Qua quá trình rà soát, đã có 17 cơ quan ở Trung ương và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia vào việc rà soát. Kết quả thu được của các hoạt động nghiên cứu, rà soát trong vòng 2 năm là một khối lượng tương đối lớn những phân tích, đánh giá, các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị, đặc biệt là kết quả rà soát trong năm 2012 mà Bộ Tư pháp nhận được từ các Bộ, ngành, địa phương là tương đối lớn, phong phú về mặt nội dung và đa dạng về cách thức thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực đóng góp ý kiến, bình luận về dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị so với nội dung Công ước ICCPR. Các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ Tư pháp tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Báo cáo này để từ đó có những đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người và thực hiện có hiệu quả Công ước ICCPR ở Việt Nam./.

Phòng CPQT & NQ, Vụ Pháp luật quốc tế