Hội thảo góp ý vào Dự thảo Báo cáo khảo sát về ban hành quyết định hành chính

Hội thảo góp ý vào Dự thảo Báo cáo khảo sát về ban hành quyết định hành chính

Trong hai ngày 2 – 3/12/2013, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Dự án UNDP “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Báo cáo khảo sát về ban hành quyết định hành chính.

Mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn góp ý vào Dự thảo Báo cáo khảo sát về ban hành quyết định hành chính tại một số địa phương do Nhóm chuyên gia độc lập xây dựng. Dự thảo Báo cáo sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện sẽ là một trong những tài liệu quan trọng giúp Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn ban hành quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà quản lý ở một số Bộ, ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…), đại diện các Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Văn phòng UBND, Tòa hành chính TAND cấp tỉnh của các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải phòng, các thành viên của Tổ biên tập và Ban soạn thảo Dự án Luật ban hành quyết định hành chính. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp tham dự và chủ trì Hội thảo.

Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa đã giới thiệu sơ bộ về kế hoạch xây dựng Dự án Luật ban hành quyết định hành chính. Để bước đầu triển khai các hoạt động nghiên cứu, phục vụ quá trình xây dựng Dự án Luật, được sự hỗ trợ của Dự án UNDP, Bộ Tư pháp và UNDP đã phối hợp, thuê nhóm chuyên gia độc lập tiến hành khảo sát về thực trạng ban hành quyết định hành chính của một số địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cũng giới thiệu về mục đích, yêu cầu đối với hoạt động khảo sát và Báo cáo kết quả khảo sát.

Tại Hội thảo, đại diện Nhóm chuyên gia đã trình bày về cách thức, phạm vi của hoạt động khảo sát. Khảo sát đã được thực hiện thông qua 9 cuộc toạ đàm tại 9 địa phương bao quát cho cả 3 vùng ở Việt Nam, bao gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Dương, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh. Các tỉnh được lựa chọn bảo đảm cơ cấu nông thôn - thành thị và xu hướng phát triển kinh tế (nông nghiệp – công nghiệp). Hoạt động khảo sát được tiến hành đối với 3 nhóm đối tượng: (i) Nhóm đối tượng soạn thảo, ban hành quyết định hành chính là các công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, huyện, cấp xã); (ii) nhóm đối tượng là các thẩm phán toà hành chính cấp tỉnh; (iii) nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của quyết định hành chính, gồm: một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội, luật sư trên địa bàn các tỉnh khảo sát. Bên cạnh đó, Nhóm chuyên gia cũng tiến hành rà soát các quy định pháp luật trên thực tế, các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu trong nước và nước ngoài và các bài báo liên quan đến việc ban hành, thực thi các QĐHC chuyên biệt. Mục tiêu của hoạt động khảo sát nhằm đánh giá một cách khách quan về thực tiễn ban hành các QĐHC trong một số lĩnh vực; nghiên cứu, khảo sát thực tiễn ban hành các QĐHC để tìm ra những ưu điểm và hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn thực thi về việc ban hành và bảo đảm hiệu lực của QĐHC; đề xuất các kiến nghị xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm thiết lập những nguyên tắc chung về ban hành QĐHC, bảo đảm tính minh bạch, công khai của quy trình ban hành QĐHC, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành QĐHC.

Báo cáo khảo sát tập trung phân tích, đánh giá các quy định và thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC; các quy định đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch hóa quy trình ban hành QĐHC; trách nhiệm phải giữ bí mật; quyền được tiếp cận tài liệu của người có liên quan; trách nhiệm công bố QĐHC; trách nhiệm thông tin của các cơ quan hành chính; về hiệu lực của QĐHC; gia hạn, thu hồi, hủy bỏ QĐHC; cơ chế, phương thức kiểm soát việc ban hành QĐHC của cơ quan nhà nước…

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia góp ý kiến về bố cục, cách thức xây dựng và hình thức của Dự thảo Báo cáo, tập trung góp ý trực tiếp vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Báo cáo. Theo đó, đa số các ý kiến đánh giá cao phương pháp nghiên cứu và các nhận định, đánh giá được nêu trong Dự thảo Báo cáo. Đồng thời, các đại biểu đến từ các cơ quan ở địa phương đã cung cấp thêm các thông tin về những vướng mắc, bất cập trong hoạt động ban hành quyết định hành chính của cơ quan mình, đề nghị bổ sung thêm vào Dự thảo Báo cáo để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ. Tại hội thảo, một số chuyên gia, nhà khoa học cũng trình bày các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm các nước trên thế giới về quy trình ban hành quyết định hành chính, qua đó tham chiếu đối với thực tiễn pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất cần được đề cập trong Dự thảo Báo cáo, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến các vấn đề lớn cần điều chỉnh trong Dự án Luật ban hành quyết định hành chính.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính đánh giá cao chất lượng của Dự thảo Báo cáo do Nhóm chuyên gia độc lập tiến hành khảo sát và xây dựng, đồng thời đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung của Dự thảo Báo cáo cũng như các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, phục vụ cho quá trình xây dựng Dự án Luật ban hành quyết định hành chính trong thời gian tới. Trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, đề nghị Nhóm chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, bảo đảm chất lượng và tiến độ đã đề ra./.

Phạm Hậu, Vụ PL Hình sự - Hành chính