Một cách tuyên truyền đặc biệt, thiết thực
Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 trên Báo Pháp luật Việt Nam được tổ chức từ ngày 5/9 đến ngày 5/12/2014. Theo Thể lệ Cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho bạn đọc tham gia cuộc thi dưới 2 hình thức. Giải thưởng đối với hình thức dự thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm là 05 giải, mỗi giải trị giá 01 triệu đồng và được tặng Báo Pháp luật Việt Nam trong thời gian 3 tháng. Cứ 3 tuần 1 lần, Ban Tổ chức cuộc thi bốc thăm ngẫu nhiên để trao giải cho các độc giả may mắn trúng thưởng. Đối với giải thưởng cho các bài viết tìm hiểu về Hiến pháp gửi tới Tòa soạn, cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải Nhất trị giá 5 triệu đồng; 02 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng; 03 giải Ba, trị giá mỗi giải 2 triệu đồng và 05 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 1,5 triệu đồng.
Báo cáo tổng kết Cuộc thi, ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Ngay sau khi phát động, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả bởi đây là một hình thức tuyên truyền Hiến pháp rất đặc biệt và thiết thực. Những câu hỏi trắc nghiệm dự thi tìm hiểu Hiến pháp tuy không khó nhưng rất đa dạng, kích thích trí tò mò, tạo hứng thú nghiên cứu, tìm hiểu đến phần lớn độc giả của Báo. Những người quan tâm đến cuộc thi, đầu tiên phải kể đến các cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp. Ngày 24/9, Lễ bốc thăm trúng thưởng đợt 1 Cuộc thi đã được tổ chức. Sau Lễ bốc thăm trúng thưởng đợt 1, các Phiếu dự thi gửi về Tòa soạn ngày càng nhiều. Thành phần độc giả tham gia Cuộc thi cũng ngày càng đa dạng. Nhiều độc giả là bạn đọc của Báo ở những bản miền núi xa xôi của Lào Cai, Yên Bái… cũng nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi. Dấu bưu điện từ các tỉnh, thành in trên các bì thư gửi về Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam cũng vì thế mà trở nên vô cùng phong phú: Đà Nẵng có, thành phố Hồ Chí Minh có, Thanh Hóa có, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Kiên Giang, Bình Dương… đều có cả. Bên cạnh việc gửi Phiếu dự thi, nhiều bạn đọc đã viết thư, gửi lời nhận xét và lời chúc Cuộc thi thành công tới Ban Tổ chức cuộc thi. Nhiều độc giả là các bác, các cụ đã cao tuổi nhưng vẫn rất tâm huyết tìm hiểu các quy định mới của Hiến pháp.
Sau 4 tuần kể từ lần bốc thăm thứ 2 diễn ra vào ngày 15/10, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1 ngàn phiếu dự thi của 63 tỉnh thành trên cả nước, nâng tổng số Phiếu dự thi lên gần 7.000 phiếu gửi về Tòa soạn. Đã có thêm nhiều bạn đọc ở các vùng sâu xa dự thi như huyện Ba Bể (Bắc Kạn), Mường lát (Thanh Hóa), Trùng khánh (Cao Bằng), Thới Bình (Cà Mau), Trà Ôn (Vĩnh Long), Đăk Glong (Đăk Nông)…. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những đợt trước không có nhiều bạn đọc tham dự nay đã tăng đột biến. Ở đợt bốc thăm lần thứ 3 tổ chức vào ngày 12/11, có thêm 5 bạn đọc ở các vùng, miền khác nhau trên cả nước may mắn trúng thưởng.
Đến ngày 5/12 là ngày kết thúc Cuộc thi, số lượng Phiếu dự thi Tìm hiểu Hiến pháp gửi về Tòa soạn tiếp tục ổn định và phong phú so với các tuần trước của Cuộc thi, chứng tỏ bạn đọc rất hứng khởi với hình thức thi tìm hiểu Hiến pháp qua hình thức trắc nghiệm với những câu hỏi cụ thể và không quá khó trên Báo Pháp luật Việt Nam. Báo Pháp luật Việt Nam xin chúc mừng 5 bạn đọc tiếp theo trúng thưởng tại đợt bốc thăm lần thứ 4 của Cuộc thi diễn ra chiều ngày 8/12 gồm: bạn đọc Nguyễn Văn Tuân, Khoa Quân sự chung, Học viện Lục quân; bạn đọc Nguyễn Hoàng Phú, Đồn Biên phòng Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; bạn đọc Phạm Văn Tín, TAND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; bạn đọc Mai Thế Cường, xóm Ve, xã Đông Bắc, Kim Bôi, Hòa Bình; bạn đọc Hà Thị La, xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Niềm vui của độc giả cũng là niềm vui chung của Báo Pháp luật Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Cuộc thi, TS. Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định: “Thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Tư pháp giao, đồng thời thực hiện sứ mệnh truyền thông của mình, thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó có cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Sau thời gian 3 tháng tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc xa gần, đó là niềm vui, niềm tự hào của các cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vì đã đóng góp một phần nhỏ bé vào việc tuyên truyền các quy định của Hiến pháp 2013. Cuộc thi tuy là việc nhỏ nhưng có sức lan tỏa rất lớn và chúng tôi càng vui hơn vì Hiến pháp 2013 với khát vọng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã được khẳng định qua từng trang viết, từng phiếu dự thi bạn đọc gửi về tòa soạn”. Tổng biên tập Đào Văn Hội cũng trân trọng cảm ơn tình cảm của bạn đọc đối với Hiến pháp cũng như với Báo Pháp luật Việt Nam, cảm ơn nhà tài trợ Agribank đã đồng hành cùng Cuộc thi và hy vọng mỗi bạn đọc tham gia Cuộc thi sẽ là những tuyên truyền viên đắc lực cho việc phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp.
Do bạn đọc tham dự Cuộc thi trải dài khắp các tỉnh, thành của cả nước nên tại Lễ Tổng kết Cuộc thi, Báo Pháp luật Việt Nam chỉ hội ngộ được các tác giả bài viết và những độc giả may mắn trúng thưởng ở gần Hà Nội. Ngay sau khi Cuộc thi kết thúc, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ gửi Giải thưởng và Giấy chứng nhận của Cuộc thi tới các tác giả có bài viết đạt giải và độc giả trúng thưởng ở ngoài khu vực Hà Nội theo đường bưu điện.
Là tác giả đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Sức mạnh của quyền lực Nhà nước là ở nhân dân”, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: “Tôi rất cảm động và vinh dự khi được trao Giải nhất cuộc thi. Tôi đánh giá đây là Cuộc thi rất có ý nghĩa để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013, qua đó giúp bạn đọc hiểu biết các nội dung cơ bản của Hiến pháp, đặc biệt là các quy định mới. Từ việc tìm hiểu các quy định của Hiến pháp giúp bạn đọc có tình cảm đúng đắn với Hiến pháp để từ đó có hành động tuân thủ pháp luật, tuân thủ Hiến pháp”. GS.TS Trần Ngọc Đường cũng mong muốn Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát huy lợi thế của mình để tổ chức nhiều cuộc thi tương tự như thi tìm hiểu về Hiến pháp, nhất là với những đạo luật gắn với cuộc sống của người dân.
Bác Hoàng Thân, ở phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, Phú Thọ thì cho biết: “Tôi rất vinh dự khi được Giải khuyến khích trong cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 trên Báo. Dù năm nay đã 75 tuổi, nghỉ hưu đã được 20 năm và không công tác trong ngành pháp luật song hàng ngày tôi vẫn theo dõi các thông tin trên Báo Pháp luật Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao các thông tin và chính sách pháp luật mới mà Báo chuyển tải kịp thời, sinh động đến bạn đọc cũng như việc phản ánh rất sâu sắc các vụ án lớn được dư luận quan tâm. Tôi hy vọng sau cuộc thi này, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thi pháp luật khác để người dân có cơ hội tham gia, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật”.
Như vậy, Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 trên Báo Pháp luật Việt Nam đã kết thúc và thu được nhiều kết quả rất tích cực, là một hình thức tuyên truyền Hiến pháp hiệu quả thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, góp phần tích cực vào nỗ lực triển khai Hiến pháp 2013 của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp. Ngay sau khi Cuộc thi kết thúc, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ công bố bộ 100 câu hỏi và đáp án các câu hỏi trắc nghiệm Tìm hiểu Hiến pháp 2013 trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử sau để bạn đọc có thể đối chiếu và tìm hiểu thêm về các quy định của Hiến pháp.
Hồng Thúy - Thu Hằng
Chúc mừng 11 tác giả có bài viết đạt giải Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013
Trong thời gian Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam diễn ra từ ngày 5/9 đến 5/12/2014, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được nhiều bài viết tâm huyết của độc giả gửi tới Tòa soạn. Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn 11 bài viết có chất lượng, khách quan đánh giá và thống nhất trao giải cho các tác giả có các bài viết sau:
1. Giải nhất: tác phẩm “Sức mạnh của quyền lực Nhà nước là ở nhân dân”, tác giả: GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
2. Hai giải Nhì:
- Tác phẩm: “Hiến pháp 2013: Đề cao chủ quyền nhân dân”. Tác giả Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh
- Tác phẩm: “Chính sách kinh tế: một điểm mới của Hiến pháp 2013”. Tác giả: Ths Nguyễn Thị Phương, Đại học Luật Hà Nội.
3. Ba giải Ba:
- Tác phẩm: Hiến pháp 2013: nhiều điểm mới về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Tác giả Phí Thị Thanh Tuyền, Đại học Luật Hà Nội
- Tác phẩm: Tự hào, đam mê khi tuyên truyền Hiến pháp. Tác giả Phạm Ngọc Dậu, Chánh văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình.
- Tác phẩm: Hiến pháp mới với lực lượng vũ trang nhân dân. Tác giả Phạm Quang Phú, Đại học An ninh nhân dân
4. Năm giải khuyến khích:
- Tác phẩm: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định bản án phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Tác giả Võ Công Hoàng , Chánh văn phòng Cục THADS tỉnh Bình Định.
- Tác phẩm: Quyền con người trong Hiến pháp 2013: bước tiến mới trong lịch sử lập pháp. Tác giả: Đinh Duy Minh, Phòng Nội chính, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận.
- Tác phẩm: Những điểm mới trong quan điểm của Hiến pháp 2013. Tác giả Hoàng Thân , phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
- Tác phẩm: Hiến pháp của đổi mới. Tác giả: Lê Thị Thu Huyền, Công ty Than Nam Mẫu, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
- Tác phẩm: Hiến pháp 2013 là ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Tác giả: Nguyễn Thị Trí Minh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Báo Pháp Việt Nam xin chúc mừng 11 tác giả đã có bài viết đạt giải, được Ban Giám khảo đánh giá cao. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ gửi Giải thưởng, Giấy chứng nhận tác phẩm đạt giải tới các tác giả ở xa trong thời gian sớm nhất.
5 bạn đọc tiếp theo trúng thưởng tại đợt bốc thăm lần thứ 4 Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
- Bạn đọc Nguyễn Văn Tuân, Khoa Quân sự chung, Học viện Lục quân;
- Bạn đọc Nguyễn Hoàng Phú, Đồn Biên phòng Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
- Bạn đọc Phạm Văn Tín, TAND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
- Bạn đọc Mai Thế Cường, xóm Ve, xã Đông Bắc, Kim Bôi, Hòa Bình
- Bạn đọc Hà Thị La, xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.