Những chuyển biến trong công tác cải cách tư pháp của Sở tư pháp tỉnh Thái Nguyên những năm qua (2011-2015)

23/06/2015
Cải cách tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, được Đảng ta đề ra tại các văn kiện Đại hội từ năm 1991 đến nay, đặc biệt là tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Sau khi Nghị quyết số 49-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của các cơ quan tư pháp của tỉnh.

Trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên với vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, trong những năm qua đã tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, giúp UBND tỉnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bổ trợ tư pháp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung và hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự:

Xác định việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó có hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác cải cách tư pháp. Chính vì vậy Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của tỉnh. Với 256 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được Sở Tư pháp thẩm định và được HĐND, UBND tỉnh ban hành; 3138 văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc các lĩnh vực đã được kiểm tra, rà soát và kiểm tra theo thẩm quyền từ năm 2011 đến nay đã cho thấy khối lượng rất lớn công việc soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL mà Sở Tư pháp đã thực hiện. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã đóng vai trò tích cực trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban chỉ đạo của tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và triển khai thi hành Hiến pháp sau khi được Quốc hội chính thức thông qua, kịp thời phổ biến, quán triệt các nội dung cũng như tinh thần của Hiến pháp 2013 trên địa bàn tỉnh

Cùng với việc thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của tỉnh, Sở đã tích cực tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, phục vụ tích cực cho công tác cải cách tư pháp: Năm 2013, Sở Tư pháp đã tham mưu Cho UBND tỉnh tổng kết Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm chuẩn bị cho công tác sửa đổi, bổ sung Bộ luật. Năm 2014, sau khi dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được xây dựng, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Phối hợp cùng các ngành có liên quan tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đảm bảo tiến độ và nội dung yêu cầu.

Về hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp theo  chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW:

Một nội dung quan trọng mà Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra đó là hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp. Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác  quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp; hoạt động quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, công chứng đã được triển khai một cách toàn diện, quán triệt đầy đủ yêu cầu của cải cách tư pháp.

- Việc triển khai thực hiện hiệu quả Luật Luật sư, Đề án phát triển đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020, Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 15/10/2013 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên... đã góp phần phát triển mạnh mẽ đội ngũ Luật sư, tạo cơ chế thống nhất trong phối kết hợp công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư trong tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, đồng thời tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong việc thực hiện Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh. Năm 2010 đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh có 15 Văn phòng Luật sư với 24 Luật sư thì đến nay đã có 16 Văn phòng Luật sư với 33 Luật sư (số Luật sư tăng 33%), hoạt động của đội ngũ Luật sư đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp, trước hết là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của toà án. Từ năm 2011 đến nay đã các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thực hiện 1423 vụ việc, gồm các hoạt động như tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý miễn phí và dịch vụ pháp lý khác.

- Công tác giám định trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những đổi thay rõ rệt, các tổ chức giám định như Trung tâm Pháp y tỉnh, Phòng Giám định Pháp y tâm thần (Bệnh viện tâm thần tỉnh), Phòng khoa học kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) từng bước được kiện toàn, là cơ sở để công tác giám định trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu đáp ứng ngày càng tốt cho hoạt động tố tụng và các nhu cầu giám định khác; Đội ngũ Giám định viên tăng cả số lượng và chất lượng, năm 2011 toàn tỉnh có 37 Giám định viên, đến năm 2015 toàn tỉnh đã có 58 Giám định viên; Đội ngũ Giám định viên đều có trình đội đại học trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Từ năm 2011 đến nay hoạt động giám định tư pháp thuộc các lĩnh vực đã thực hiện được 5274 việc (Trong đó lĩnh vực giám định pháp y đã thực hiện được 2068 việc; lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự đã thực hiện được 3108 việc; giám định theo yêu cầu tổ chức, cá nhân khác được 98 việc).

- Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này là mục tiêu Nghị quyết 49-NQ/TW hướng tới. Quán triệt nhiệm vụ đó, năm 2011 Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, từ đó công tác xã hội hóa hoạt động công chứng được thực hiện mạnh mẽ (đến nay toàn tỉnh có 7 tổ chức hành nghề công chứng và 15 Công chứng viên), hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bảo đảm cơ sở, an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp. Từ năm 2011 đến nay các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện được 53.894 việc tổng số tiền nộp ngân sách đạt 4.510.110.100đồng.

Về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp các cấp:

Những năm qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tin tưởng giao thêm cho tư pháp địa phương nhiều nhiệm vụ quan trọng như công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác thi hành pháp luật, xây dựng xã phường chuẩn tiếp cận pháp luật... vì vậy việc kiện toàn tổ chức, bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm; Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp thường xuyên được rà soát, bổ sung, kiện toàn kịp thời.

Đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp cũng được quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng bộ máy cơ quan tư pháp từ tỉnh tới cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác của cán bộ tư pháp các cấp đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới (Sở Tư pháp hiện có 70 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó  trình độ đại học và trên đại học chiếm 92,9%; Phòng Tư pháp cấp huyện có 32 biên chế chính thức, trong đó trình độ đại học chiếm 95%; Cấp xã có 215 công chức tư pháp, hộ tịch, trong đó trình đào tạo từ Trung cấp Luật và Đại học Luật chiếm 72%)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách tư pháp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc nhất định như công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế còn nhiều bất cập; Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của một số hoạt động bổ trợ tư pháp còn chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai công tác quản lý nhà nước còn vướng mắc; Kinh phí bố trí cho hoạt động tư pháp ở các cấp còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; Việc xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ngành còn gặp rất nhiều khó khăn; Đặc biệt biên chế của cơ quan tư pháp các cấp đều thiếu trong điều kiện ngành đã và đang được bổ sung rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn, chính vì vậy hoạt động chuyên môn ở một số địa phương triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, hiệu quả, chất lượng chưa cao...

Với những nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp trong những năm qua, có thể thấy kết quả, hiệu quả công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành đã đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Kết quả đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng nói chung và sự nghiệp cải cách tư pháp chung của toàn tỉnh trong những năm qua, là cơ sở vững chắc để ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh./.

Đàm Huân

                                 Văn phòng Sở