Tỉnh ủy Khánh Hòa: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trong thời gian tới

10/01/2015
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có Công văn số 1179 – CV/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công tác tuyên truyền cần tập trung vào việc tuyên truyền chủ trương, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn kiện liên quan của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp như: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ con người, quyền công dân; các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động tư pháp; các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, các luật về tố tụng tư pháp và pháp luật có liên quan được Quốc hội thông qua theo tinh thần cải cách tư pháp.  

Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh; đổi mới mô hình tố tụng theo hướng kết hợp giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; việc hoàn thiện cơ chế, nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, đổi mới và tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp và xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của tòa án nhân dân và ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng đăng tải các văn bản của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, các bài viết về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên báo, bản tin, chương trình thời sự; đưa tin các phiên tòa xét xử công khai, nhất là phiên tòa xét xử lưu động. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần nghiên cứu hình thức hợp lý để tiếp nhận, phản hồi ý kiến của các tổ chức và nhân dân đối với các vấn đề liên quan đến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp…

                                                                               Phú Hiếu