Tuyên truyền các nhiệm vụ về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp:“Cầu nối” để Chiến lược cải cách tư pháp đi vào cuộc sống

22/01/2015
“Từ khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp (CCTP) đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện các nhiệm vụ CCTP thời gian qua. Tuy nhiên CCTP là lĩnh vực chuyên môn sâu nên còn nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền” – đánh giá được đưa ra tại Hội thảo “đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP và hoạt động tư pháp” do Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCTP TƯ và Ban Tuyên giáo TƯ phối hợp tổ chức sáng qua (29/12).

Theo bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng BCĐ CCTP TƯ, vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, kết quả cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đến với đời sống xã hội là rất quan trọng. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ cũng nhận xét, trong tuyên tuyên truyền CCTP và hoạt động tư pháp, các cơ quan báo chí báo chí, xuất bản đóng vai trò là lực lượng nòng cốt.

Nhưng qua đánh giá kết quả thực hiện CCTP, do nhiều nguyên nhân nên công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và các chủ trương CCTP chưa được thực hiện thường xuyên, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu linh hoạt, hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế… Nhận thức của cán bộ, đảng viên trong một số cơ quan, tổ chức về mục đích, yêu cầu và trách nhiệm triển khai thực hiện chiến lược CCTP chưa thực sự đầy đủ, nhất quán. Nhiều người dân chưa hiểu rõ được kết quả CCTP đã mang lợi ích gì cho họ và cho xã hội.

Vì vậy, đại diện các cơ quan tuyên giáo, thông tấn, báo chí TƯ và địa phương tham dự Hội thảo đều mong muốn, BCĐ cần có định hướng về công tác tuyên truyền, phân loại nội dung cho phù hợp với đối tượng bạn đọc của các ấn phẩm. Có sự “phân vai” giữa các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền về CCTP và hoạt động tư pháp để có một số cơ quan thông tấn, báo chí nắm vai trò “chủ đạo”. Đồng thời, các cơ quan thông tấn, báo chí cần quan tâm đến chất lượng, trình độ của nhà báo, biên tập viên xử lý thông tin về CCTP và hoạt động tư pháp để đảm bảo đưa đến bạn đọc những tính chính xác, hấp dẫn, khách quan của các thông tin về CCTP và hoạt động tư pháp.

“Bản thân các cơ quan báo chí, cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của chiến lược cải cách tư pháp, tìm tòi hình thức tuyên truyền sinh động, hiệu quả, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của ấn phẩm và đối tượng bạn đọc để đưa các thông tin về cải cách tư pháp đến được gần gũi hơn với người dân, tổ chức, góp phần thúc đẩy hiệu quả, nâng cao và thống nhất nhận thức về cải cách tư pháp trong toàn hệ thống chính trị và xã hội” - ông Đặng Ngọc Luyến – Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp luật Việt Nam đề nghị.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, theo đại diện của Bộ Tư pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp và CCTP, cần nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của BCĐ CCTP TƯ, các Ban cán sự Đảng đối với công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp và CCTP. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng Chương trình, kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp và CCTP gắn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng cụ thể, tập trung hướng mạnh tuyên truyền pháp luật về cơ sở; nắm vững đặc điểm, tình hình cơ sở để luôn đổi mới cách thức, phương pháp cho phù hợp với đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng kế hoạch nhân rộng các hình thức thông tin hiệu quả. Đa dạng hóa các thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp và CCTP thông qua hoạt động thực tiễn của các cơ quan tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tư pháp và CCTP, đào tạo, bồi  dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong trường học, phóng viên, biên tập viên pháp luật…

H.Giang