70 năm ngày thành lập nước, 46 năm thấm nhuần Di chúc của Bác về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

03/02/2015
Đất nước vào Xuân với khí thế tưng bừng chào đón Ngày hội non sông – 70 năm Quốc khánh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay (2/9/1945-2/9/2015).
 

Ngay sau khi ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua được. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân non trẻ đã lãnh đạo nhân dân kiên quyết chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Toàn dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên đánh giặc, cứu nước, đi đến chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Hiệp nghị Giơnevơ 1954, mở đường đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, nhân dân ta tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sự nghiệp đổi mới trong gần 30 năm qua, tuy vẫn còn những mặt yếu kém và khuyết điểm, song đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân do Đảng lãnh đạo được củng cố và tăng cường; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

 Ôn lại chặng đường 70 năm phát triển của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, chúng ta vô cùng tự hào về những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, về sự phát triển của Nhà nước dân chủ nhân dân.

Chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh luôn vững vàng trước mọi thách thức hiểm nghèo, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên. Chúng ta tự hào về dân tộc ta, nhân dân ta anh hùng, là cội nguồn của quyền lực Nhà nước, luôn tin tưởng, chung tay, góp sức xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh. Càng tự hào về dân tộc và nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, chúng ta càng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người khai sinh, sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta, Nhà nước ta một sự nghiệp vẻ vang, một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, và một tấm gương trong sáng, mẫu mực, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, thể hiện tập trung trong Bản Di chúc lịch sử.

Trong Bản Di chúc, Bác đặt sự quan tâm đầu tiên của mình và cũng là của toàn Đảng, của Nhà nước ta về Con Người, về  Nhân dân. Sức sống lớn lao và ánh sáng kỳ diệu tỏa ra từ toàn bộ Bản Di chúc đó là những giá trị nhân văn ngời sáng, là tình yêu thương sâu sắc đối với Con người, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trước Nhân dân.

Bác đặc biệt lưu ý Đảng, Nhà nước phải có chính sách cụ thể và thật tốt, đúng đắn và kịp thời để chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Không chỉ lo cho dân sau khi kháng chiến thắng lợi, lo cho cái trước mắt, Bác còn dặn phải lo cho mai sau.

Là người luôn nhìn thấy sức mạnh vĩ đại của Nhân dân, trong Bản Di chúc, Bác còn dặn phương cách để thực hiện “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn”, là “công việc rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang”. Đó là phải tin tưởng tuyệt đối ở Nhân dân, phải dựa vào Nhân dân: “Để giành lấy thắng lợi trong công cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.            

Trong Hiến pháp năm 2013, Hiến pháp khảng định chủ quyền nhân dân, Hiến pháp vì Con người, chữ Nhân Dân được viết hoa 41 lần. Điều đó thể hiện tinh thần vì Nhân dân của Hiến pháp, là lời cam kết có tính chất chính trị, pháp lý, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước ta đối với Nhân dân.

Từ Bản Di chúc, từ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật cho thấy, trong điều kiện xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, tính dân chủ, tính nhân dân của Nhà nước, pháp luật luôn được Người đề cao.

Nói đến dân chủ là phải nói đến Nhà nước, pháp luật. Không có một nền dân chủ nào tồn tại bên ngoài Nhà nước. Vì vậy, nói đến dân chủ, trước hết chính là nói đến nhân dân nắm chính quyền. Thái độ của nhân dân đối với chính quyền, mức độ nhân dân quan tâm, chăm lo xây dựng, kiện toàn, củng cố chính quyền, tích cực tham gia công việc của Nhà nước là biểu hiện trực tiếp nhất, cao nhất của sự giác ngộ về dân chủ.

Trong điều kiện hiện nay, để phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, để người dân thực hiện đầy đủ sứ mệnh dân là chủ và dân làm chủ của một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, tổ chức bộ máy Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật cần thể hiện một cách trọn vẹn nguyên tắc: quyền lực thuộc về Nhân dân, quyền lực nhà nước bắt nguồn từ Nhân dân và có cơ chế thật tốt để thực hiện đầy đủ quyền này của Nhân dân. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật vì Nhân dân, bảo đảm cho dân chủ được thực hiện ngày càng đầy đủ trong thực tế cuộc sống. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo cho những lợi ích thiết thân của con người trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tạo môi trường cho sự phát triển tự do của mỗi người.

Trong nội dung quyền dân chủ, quan trọng nhất là dân chủ về kinh tế. Chính vì vậy, tạo môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách để giải phóng sức dân, giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Đồng thời cần phân định chức năng của Nhà nước và xã hội nhằm từng bước xã hội hóa các hoạt động mà các lực lượng xã hội có thể đảm đương. Có như vậy nhân dân càng  coi Nhà nước, coi pháp luật là của mình, tham gia ngày càng đông đảo, tích cực vào việc quản lý công việc Nhà nước, tham gia quản lý xã hội. Trong tinh thần đó, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014”. Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toàn ngân sách nhà nước năm 2015 cũng xác định nhiệm vụ: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. …Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp”. Đối với Ngành Tư pháp, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015 liên quan đến tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế được xác định là: „Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói chung, nhất là các thông tư, trong đó chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, thiết lập được môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp“.

Xuân Ất Mùi 2015 đang đến. Chúng ta bồi hồi nhớ về Xuân Đinh Mùi 1967 cách đây tròn 4 giáp 48 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, 2 năm trước lúc đi xa, Bác đã gửi Thư chúc Tết đồng bào cả nước:

            “Xuân về xin có một bài ca,

            Gửi chúc đồng bào cả nước ta:

            Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,

            Tin mừng thắng trận nở như hoa!”

Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng Đất nước, nhớ Bác trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, tin rằng Năm 2015 là “một bài ca” với những niềm vui “nở như hoa”.

                                                                                Đức Giao