Kịch bản phim ngắn giới thiệu về Bộ Tư pháp: Bản khắc họa về một nền tư pháp nhân dân, vì con người

20/01/2015
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, cùng với bộ phim tài liệu 30 phút về Ngành, Tổ xây dựng kịch bản Phim của Văn phòng Bộ đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản phim ngắn 10 phút (video clip) cung cấp những thông tin cơ bản nhất về Bộ Tư pháp với một thông điệp sâu sắc về một nền tư pháp nhân văn, vì con người.
 

Sự phát triển tổ chức bộ máy tư pháp qua từng giai đoạn

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thiết lập nên chế độ dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp Việt Nam là một trong 12 Bộ đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập vào ngày 28/8/1945. Trong thời kỳ đầu, Bộ Tư pháp có một Văn phòng và năm Phòng sự vụ, bao gồm: Phòng Sự vụ Nội bộ, Phòng Viên chức và Kế toán, Phòng Giám đốc Hộ vụ, Phòng Giám đốc Hình vụ, Phòng Giám đốc Quản trị các trại giam và Giáo dục tù nhân. Tại địa phương có các Sở Tư pháp: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và các Ban Tư pháp xã.

Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại, gồm có các Vụ xây dựng pháp luật, Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Vụ Quản lý Tòa án, Vụ Quản lý các tổ chức tư pháp khác, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đào tạo, Văn phòng và Trường đại học Pháp lý. Các tổ chức tư pháp địa phương gồm Sở Tư pháp, Ban Tư pháp cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, các tổ chức pháp chế đã được thành lập trong thời kỳ này và là một bộ phận của hệ thống tư pháp với nhiệm vụ tư vấn, cố vấn cho lãnh đạo về các vấn đề pháp lý trong hoạt động của ngành, đơn vị.

“Lương duyên” giữa công tác tư pháp với công tác tòa án

Vai trò của Bộ Tư pháp với công tác tòa án đã được quy định ngay từ Nghị định số 37 ngày 1-12-1945, theo đó Bộ Tư pháp thực hiện “việc quản trị các tòa án dân sự và thương sự”. Đầu năm 1946, 40 thẩm phán đầu tiên của chế độ mới được tuyển lựa với sự chỉ đạo khẩn trương, tích cực của Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh và sau đó là Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Năm 1950, tên gọi “Tòa án nhân dân” đã ra đời trong cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất theo đề xuất của Bộ Tư pháp (Tờ trình ngày 10 tháng 5 năm 1950). Sau khi được tái lập năm 1981, Bộ Tư pháp được giao quản lý về mặt tổ chức (cơ cấu, biên chế, nhân sự) và ngân sách các tòa án địa phương.

Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới, Bộ Tư pháp là thành viên của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia (Điều 70); Bộ trưởng Bộ Tư pháp là thành phần bắt buộc trong phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thảo luận, thông qua nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật (Điều 22).

Khắc họa một nền tư pháp nhân văn, vì con người

Cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp sẽ được giới thiệu đầy đủ thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Theo đồng chí Hồ Hoàng Hà, thành viên của Tổ, điểm căn cốt nhất của nền tư pháp Việt Nam chính là tính nhân văn, vì con người. Các nhiệm vụ cơ bản của công tác tư pháp như hộ tịch, hòa giải, hương ước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính… là những minh chứng rõ nét nhất cho nhận định đó. 

Sau khi được hoàn thành, Phim sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Pháp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Bộ Tư pháp đến nhân dân và bạn bè quốc tế.

 

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp