Địa danh lịch sử cổ vũ tinh thần yêu nước
Từ ngã ba Sơn Dương theo con đường trải nhựa phẳng phiu dẫn vào Khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi gắn với những dấu tích hào hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, có thể nói, mỗi gốc cây, con suối, mỗi tên bản, tên làng nơi đây đều gắn với sự ra đời của một cơ quan Trung ương khi đó. Di tích lịch sử Bộ Tư pháp nằm giáp với Di tích của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch. Nhìn sang phía bên kia là di tích của Bộ Tài chính, rồi di tích của Văn phòng Chính phủ…. Địa danh này đã và mãi là nơi cội nguồn, là biểu tượng của ý chí vượt khó vươn lên, là sự cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến vì đất nước của cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp qua các thời kỳ.
Nhìn lại lịch sử, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều cơ quan khác của Trung ương và Chính phủ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc để cùng cả nước tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chặng đường di chuyển từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, Bộ Tư pháp đã đi qua nhiều địa phương như: Sơn Tây, Việt Trì (Phú Thọ), đến thị xã Tuyên Quang. Tháng 4/1947, Bộ Tư pháp di chuyển vào khu Tân Trào và ở đây trong một thời gian ngắn. Đến đầu năm 1948, Bộ chia làm hai: một bộ phận do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe phụ trách (Cơ quan A), đến ở và làm việc tại chân núi Sáng trong thung lũng Vai Dâu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên; một bộ phận do đồng chí Trần Công Tường phụ trách (cơ quan B) đến ở và làm việc tại Bình Di, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Ngày 6/10/1949, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết về vấn đề củng cố văn phòng của các Bộ. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, hai cơ quan của Bộ hợp thành một và chuyển đến thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Khi đến thôn Mới, cơ quan Bộ có khoảng 30 người, Bộ trưởng là ông Vũ Đình Hòe (bí danh là Khiêm), Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn là ông Trần Công Tường (Bí danh là Tâm). Tại địa điểm này, Cơ quan Bộ Tư pháp đã ở, làm việc từ cuối năm 1949 đến tháng 9/1950. Do diễn biến của cuộc kháng chiến, theo yêu cầu của Chính phủ, tháng 9/1950, Cơ quan Bộ Tư pháp đã rời thôn Mới, xã Minh Thanh ngược dòng sông Lô lên Chiêm Hóa cùng cả nước tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng, phát triển nền Tư pháp non trẻ của nước nhà.
Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại thôn Mới là nơi chứng kiến những dấu ấn quan trọng của Bộ Tư pháp. Từ nơi này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư về giảm tô; đề xuất việc cải cách bộ máy tư pháp, nghiên cứu sửa đổi pháp luật tố tụng và trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85/SL ban hành lệnh cải cách tư pháp trên toàn quốc và ban hành luật tố tụng; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho thẩm phán, luật sư và các cán bộ tư pháp với giảng viên là lãnh đạo các Bộ và các nhà nghiên cứu Mác xít lỗi lạc như: Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Lê Văn Hiến… Đặc biệt, cũng tại địa danh này, Hội nghị ngành Tư pháp đã vinh dự được đón Bác Hồ tới dự. Tại đây, Bác đã căn dặn cán bộ, công chức ngành Tư pháp: “ Suy cho cùng, Tư pháp lúc này là vấn đề ở đời và làm người ”.
Tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Khu Di tích, ngày 12/7/2005, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 24 về việc xếp hạng di tích Quốc gia: Di tích lịch sử địa điểm Bộ Tư pháp (1949-1950) tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích.
Để thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và nhằm bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng của Bộ Tư pháp, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, công chức của Ngành, phục vụ khách tham quan và nghiên cứu lịch sử kháng chiến, lịch sử của ngành, Bộ Tư pháp đã tiến hành lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Khu di tích lịch sử của Bộ gồm một số hạng mục chính như: Nhà bia chính, nhà khách, sân hành lễ, sân vườn, hàng rào, điểm đỗ xe, đập tràn phục vụ nhu cầu đi lại trong mùa lũ của đồng bào địa phương. Báo cáo kinh tế, kỹ thuật đã được các cơ quan trung ương, địa phương nhiệt liệt ủng hộ.
Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành trước dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/2010).
Vân Phong
Theo lộ trình xây dựng Dự án, Bộ Tư pháp sẽ triển khai từng bước theo các gói hạng mục khác nhau, phù hợp với lịch sử và truyền thống của Ngành. Trước mắt, trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp có chủ trương xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng với diện tích 5.049m2, tiến hành xây dựng Nhà bia trung tâm - hạng mục quan trọng nhất với cốt nền 45,15m, một tầng, hai mái. Hai là xây dựng Nhà khách; Sân hành lễ và đường dẫn lên Sân hành lễ. Tiếp theo là hạng mục tường rào, cổng chính và trồng cây xanh, sân vườn theo đúng quy hoạch. Cùng với việc xây dựng khu Di tích, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Đập Tràn qua suối Lê - một công trình phụ trợ, phục vụ sinh hoạt của nhân dân xã Minh Thanh. |
Công trình được giao cho Văn phòng Bộ Tư pháp làm chủ đầu tư và giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Đầu tư xây lắp và thương mại 36 thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, tôn tạo các khu di tích tổ chức thi công để kịp thời chào đón sự kiện 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp; Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ III và các ngày lễ lớn của đất nước. |