Thừa Thiên Huế: Tự hào quá khứ, hướng tới tương lai

22/08/2015
Ngày 21/8, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam và 25 năm xây dựng, phát triển ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tỉnh nhà. Đồng chí Dương Quang Tương – Giám đốc Sở Tư pháp đã đến dự và phát biểu diễn văn ôn lại truyền thống của Ngành.

Trong không khí xúc động và trang nghiêm, đồng chí Dương Quang Tương – Giám đốc Sở Tư pháp nhắc lại: ngày 30/6/1982, Sở Tư pháp tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập theo Quyết định số 854/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Trị Thiên, cùng với đó là Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã, Tổ hòa giải ở cơ sở. Ngày 30/6/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách và Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập, từ đó đến nay đã trải qua quá trình 25 năm xây dựng và phát triển với nhiều nỗ lực, vượt khó của cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ. Trước thành quả đạt được, công chức, viên chức của Ngành tự hào vì được là người tham gia trực tiếp đóng góp từng “viên gạch” để “nâng cao vị trí, vai trò công tác tư pháp trong đời sống xã hội, từng bước khẳng định vị thế của Ngành”. Ghi nhận những đóng góp đó, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen và cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho Sở, các phòng đơn vị thuộc Sở.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp trong thời kỳ mới, đồng chí Dương Quang Tương – Giám đốc Sở lưu ý các thế hệ ngành Tư pháp cần khắc ghi và phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đây là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam, là nền tảng để hình thành nên tư tưởng, cốt cách, tác phong của người cán bộ tư pháp cách mạng: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Tư pháp nghĩ cho cùng là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Phải nêu cao gương phụng công, thủ pháp, nêu cao lẽ công bằng, chí công vô tư; phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân là để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.

 Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí thay mặt lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cảm ơn tập thể công chức, viên chức đã và đang dành phần lớn công sức, trí tuệ, tinh thần của mình đóng góp vào sự phát triển của ngành tư pháp tỉnh nhà nói chung và ngành Tư pháp Việt Nam nói riêng.

Lễ Kỷ niệm đã diễn ra trọn vẹn ý nghĩa. Trong không khí trang nghiêm, phấn khởi đó, mỗi người con của ngành Tư pháp đều tự hào khi nhìn lại quá khứ và hướng đến tương lai với khí thế, tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, chính quyền và Nhân dân giao phó, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nguyễn Thị Đào