Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Mang tâm tư, tình cảm, tiếng nói người dân đến nghị trường

Luôn đặt trách nhiệm của một đại biểu dân cử lên hàng đầu, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thực hiện đúng phương châm phát biểu thẳng thắn, khách quan; vì mục đích cao nhất là đảm bảo các dự án luật sau khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống, phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân.

Những phát ngôn ấn tượng
Với nhiều phóng viên tham gia đưa tin tại các kỳ họp của Quốc hội (QH) từ khóa XIV đến nay, cái tên Phạm Văn Hòa luôn có sức hút nhất định. Sở dĩ nói như vậy là bởi ông Hòa là người rất tích cực trong các hoạt động ở nghị trường; tham gia phát biểu, thảo luận, phản biện các dự án luật; tham gia thảo luận, phát biểu về tình hình KTXH và các vấn đề quan trọng khác của đất nước; chất vấn các thành viên Chính phủ.
Những phát biểu của ông được đánh giá là rất đúng, trúng đồng thời cực kỳ thẳng thắn. Còn nhớ, tại phiên thảo luận của QH cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV tháng 10/2020, khi nói về việc nâng tuổi nghỉ hưu, ĐBQH Hòa thẳng thắn chỉ ra rằng có những người làm năng suất không cao, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng không muốn nghỉ hưu, chờ cho đến đúng tuổi mới nghỉ.
Cũng tại kỳ họp này, ĐBQH Hòa đã tích cực phản biện với hai dự án luật là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tại phiên thảo luận của QH về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, ĐBQH Hòa phản bác con số được đưa ra trong tờ trình cho rằng nếu dự luật ban hành sẽ giảm được 500.000 người so với thực tế lúc bấy giờ.
Theo đại biểu, đó là con số “không thực tế”. “Tôi nắm số liệu rất chắc và chịu trách nhiệm về số liệu tôi cung cấp”, ĐBQH Hòa nói. Dẫn các thực tế ở Đồng Tháp như Trưởng ban Bảo vệ dân phố mỗi tháng chỉ có 800 nghìn đồng, phó ban 600 nghìn đồng, tổ viên 400 nghìn đồng, ông tiếp tục khẳng định thông tin được đưa ra trong Tờ trình cho rằng sắp xếp thống nhất ba lực lượng bao gồm bảo vệ dân phố; dân phòng; công an xã, thị trấn bán chuyên trách thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ giảm cho ngân sách mỗi tháng 375 tỷ đồng là “không có cơ sở”.
Theo ý kiến của ĐBQH Hòa, các lực lượng trên đang hoạt động ổn định, do đó không nhất thiết phải lập thêm một tổ chức mới. Từ những lý do như vậy, ông đề nghị “không ban hành dự thảo luật này trong thời điểm hiện nay”. QH sau đó đã bác việc lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở.
Với dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đa số các ĐBQH cũng đã thể hiện chính kiến không tán thành việc tách dự án Luật Giao thông Đường bộ thành Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm An toàn trật tự Giao thông đường bộ.
Đại biểu Hòa chia sẻ, xuất thân từ sĩ quan công an nhưng trong hai ngày liên tiếp, ông lại phản biện lại dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, “bản thân cũng cảm thấy nao nao”. “Lúc ra ngoài hội trường, một số đại biểu nói, anh xuất thân từ lực lượng công an, không bảo vệ mà lại phản biện, tôi cũng thấy xót xa”, ông kể lại.
Tuy nhiên, ĐBQH Hòa khẳng định bản thân đã và sẽ vẫn luôn như vậy. “Trách nhiệm của người đại biểu là phải mang tâm tư, tình cảm, tiếng nói của người dân đến với nghị trường, phải lên tiếng để bảo đảm các chính sách pháp luật được QH thông qua thực sự vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Là ĐBQH, không nên và không thể “dễ tính””, ông Hòa nói. Ông khẳng định, với ông, mọi phát biểu, phản biện đều trên cơ sở tiếng nói, mong muốn, yêu cầu của đa số người dân.

Thẳng thắn phản biện để “luật luôn đi vào cuộc sống”
Để đảm bảo tiêu chí này, ĐBQH Hòa cho biết, trước mỗi kỳ họp, với tư cách là một đại biểu chuyên trách, ông thường xuyên nghiên cứu tài liệu, văn bản mà QH gửi cho các ĐBQH, đặc biệt là các dự án luật; ghi lại các vấn đề đồng tình cũng như những vấn đề mà theo quan điểm cá nhân là bất hợp lý, chưa phù hợp tình hình thực tiễn để phát biểu phản biện.
“ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách, phải thường xuyên nghiên cứu các văn bản QH gửi để nghiên cứu, từ đó có phát biểu thảo luận. Mỗi lần chất vấn các thành viên Chính phủ cũng phải nghiên cứu thật kỹ các nội dung để chất vấn cho đúng trọng tâm trọng điểm; chứ không chất vấn qua loa, chất vấn cho gọi là chất vấn. Cùng với đó, cần nghiên cứu thật kỹ để chất vấn những vấn đề có liên quan đến cuộc sống, đời sống sinh hoạt của người dân”, ông khẳng định quan điểm của mình.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy mà các phát biểu phản biện của ĐBQH Phạm Văn Hòa luôn được đánh giá là rất căn cơ, có nội dung đúng và trúng. Lý giải về sự thẳng thắn, quyết liệt trong những phản biện, tranh luận của mình tại nghị trường, ông bộc bạch: “Phát biểu cho đẹp lòng nhau thì dễ. Còn phản biện đương nhiên sẽ dễ đụng chạm và có thể làm mất lòng người bị phản biện. Nhưng là ĐBQH, mình phải phát biểu với trách nhiệm và tâm huyết của người đại biểu của dân. Không nên vì sợ, vì ngại va chạm mà không dám nói”.
Vẫn theo ông Hòa, các dự thảo luật hay vấn đề quan trọng khi được QH đưa ra thảo luận, chất vấn, nếu không có người phản biện, tranh luận quyết liệt, chưa chắc nội dung, vấn đề đó đã hoàn thiện. “Có nhiều tiếng nói phản biện, tranh luận thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và QH càng nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đa chiều hơn để hoàn chỉnh tốt hơn”, ông lý giải.
Ông Hòa cũng khẳng định, ĐBQH phát biểu hay phản biện đều là muốn đóng góp vì lợi ích chung, chứ không phải tư lợi, “không có chuyện quyền anh, quyền tôi”. “Tôi luôn tâm niệm phải phát biểu thẳng thắn, khách quan, vì mục đích cao nhất là đảm bảo cho luật sau khi được ban hành đi vào cuộc sống của người dân; phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân, tránh khả năng luật khi đi vào cuộc sống không thực hiện được hoặc khó thực hiện, không phù hợp với lòng dân”, ông cho biết.
Đó là trên nghị trường. Còn ở ngoài nghị trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa được đánh giá tích cực tham gia các hoạt động tiếp xúc của đại biểu dân cử với cử tri, các hoạt động giám sát của đại biểu QH trên các lĩnh vực.
Khẳng định công tác lập pháp là hoạt động cơ bản, cốt lõi, quan trọng nhất của các ĐBQH, ông Hòa cho rằng, từng ĐBQH và bản thân ông luôn phải chú ý nghiên cứu thật kỹ các văn bản mà cơ quan soạn thảo gửi đến để phát hiện những vấn đề cần phản biện. “Hiện nay, trong hoạt động lập pháp, hoạt động cơ bản, cốt lõi của ĐBQH là phản biện những nội dung ban soạn thảo trình. Với các nội dung đó, vấn đề nào hợp lý, phù hợp, đúng thì ĐBQH bày tỏ ủng hộ còn vấn đề nào chưa hợp lý thì phản biện. Tuy nhiên, việc phản biện phải có cơ sở, có nội dung và thuyết phục. Phản biện không có cơ sở, phản biện kiểu nói theo hay phản biện theo gợi ý của ai đó là không nên, vì có thể dẫn tới hậu quả là dự thảo luật không chắc, không an toàn, khi đi vào cuộc sống sẽ bị phản ứng”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trước khi được bầu làm ĐBQH, ông Phạm Văn Hòa là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bí thư Huyện ủy một huyện. Sau khi trúng cử ĐBQH lần đầu vào năm 2016, ông được phân công làm Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ông đồng thời cũng là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH. Năm 2021, ông trúng cử ĐBQH khóa XV. Nhiệm kỳ này, ông tiếp tục là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH.
Từ khi được bầu làm ĐBQH lần đầu đến nay, ông được đánh giá là đã thể hiện hết tinh thần trách nhiệm của một đại biểu dân cử, được QH và cử tri đánh giá cao. Bản thân ông khẳng định mình đã luôn trung thực, thẳng thắn; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân; thường xuyên tiếp xúc, giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri và nhân dân; đã mang được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân đến nghị trường; truyền đạt những ý kiến, kiến nghị của người dân đến các cơ quan hữu quan để giải quyết kịp thời, đúng lúc...

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng là người rất nhiệt tình với báo chí, luôn nắm được các vấn đề đang nổi lên để có thể trả lời phỏng vấn ngay khi được hỏi: “Là một đại biểu dân cử, tôi cho rằng mình phải nắm những vấn đề cần phải biết, nhất là những vấn đề mà báo chí, dư luận đang quan tâm. Tất nhiên đó cũng là do tôi đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nghiên cứu các tài liệu; chịu khó học hỏi, tìm tòi, suy nghĩ để đảm bảo những ý kiến phát biểu, phản biện của mình có chất lượng cao, ít bị phản ứng lại”.
Cùng với đó, ông còn tích cực tiếp thu, nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin từ những nguồn khác như tiếp xúc cử tri để tập hợp những ý kiến, từ đó thành lập ý kiến của mình để phản biện trong các cuộc thảo luận tại nghị trường.

Minh Ngọc