Từ Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990…
TS Cung nhớ lại, quá trình xây dựng các đạo luật về DN đầu tiên, trước tiên “may mắn” vì là ông không phải là “dân” luật: “Nếu hiểu biết về luật, tôi sẽ không dám phá cách”.
TS Cung cho hay, khi đó ông đặt vấn đề ngược thời gian về thời điểm sau đổi mới 1986, khi Việt Nam bắt đầu manh nha phát triển kinh tế, đã có Luật Đầu tư Nước ngoài (ĐTNN) 1987 ra đời. Nhưng tại sao có luật thu hút ĐTNN, mà lại không có chính sách thu hút tư nhân trong nước?
“Khi được CIEM giao nhiệm vụ, quả thực lúc đó tôi chưa hình dung ra nó là cái gì. Ban đầu nghĩ ban hành Luật về những nguyên tắc cơ bản cho hoạt động kinh doanh, nhưng sau 7 tháng trời viết chung chung, không ra gì. Lúc đó nảy ra ý định tìm hiểu xem các nước quy định như thế nào, nước ta trước đây quy định ra sao?”, TS Cung hồi ức.
Thế rồi ông tìm đọc Bộ luật Thương mại 1972, Luật Thương mại Trung phần, Luật Thương mại Nam phần… “Lúc đó đọc mà chưa hiểu, cố hiểu là tốt rồi”, ông bộc bạch. Rồi ông rút ra được vấn đề cốt lõi nhất là các loại hình kinh doanh, nó như cái xe để người ta lên xe để đi. Cùng với kinh nghiệm khi là chuyên viên giúp việc tham gia xây dựng Luật ĐTNN 1987 (CIEM là thành viên ban soạn thảo Luật ĐTNN 1987), dự thảo Luật Cty 1990 và Luật DN tư nhân 1990 cuối cùng cũng hoàn thành.
“Cuối năm 1990, Quốc hội (QH) thông qua Luật Cty 1990 và Luật DN Tư nhân 1990. Tư tưởng chủ đạo thời đó là nhà nước coi kinh doanh là quyền của nhà nước, nhà nước cho mới được kinh doanh. Do vậy, Luật đặt ra giới hạn nhiều thứ, vốn phải thế này, kinh doanh phải thế kia… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được pháp luật thừa nhận dù Hiến pháp 1980 chỉ công nhận kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể…”, TS Cung nhấn mạnh.
Nói về cảm giác của ông khi Luật được QH thông qua, TS Cung cười: “Coi như xong một việc!”. Ông nói khi đó còn quá trẻ, chỉ là một anh chuyên viên được lãnh đạo tin tưởng giao việc. “Xong là xong!”, ông nhớ lại.
…đến Luật Doanh nghiệp 1999
Câu chuyện chắp bút soạn thảo dự án luật của một anh chuyên viên không học luật tưởng đã xong khi ra nước ngoài học cao học. Nhưng suốt 2 năm rưỡi học ở nước ngoài, được tiếp cận kiến thức về kinh tế thị trường, có ngôn ngữ tiếng Anh, được giao tiếp nhiều chuyên gia nổi tiếng, ông đã “vỡ vạc” rất nhiều. “Đó là một may mắn. May mắn nữa, khi về nước, tôi lại được giao tiếp quản việc sửa Luật Cty 1990 và Luật DN tư nhân 1990”, ông Cung cho biết.
Niềm vui giản dị
TS Cung nói, niềm vui lớn nhất của ông là được nhiều DN biết đến. “Quà cáp thì không bao giờ có. Nhưng được thế này: Thỉnh thoảng, mình đi công tác, ăn sáng xong đứng dậy trả tiền thì chủ quán nói “có người trả rồi”. Những thứ đó gặp rất nhiều, mà không biết ai trả cả…”, ông cười, nụ cười lấp lánh hạnh phúc.
Khi đó, Trưởng ban Phân phối lưu thông ông Bùi Hà, người được giao chủ trì sửa Luật Cty 1990 và Luật DN tư nhân 1990, được điều lên Bộ KH&ĐT. Anh chuyên viên mới đi học Anh quốc về được trám ngay vào chỗ khuyết đó. “Khi tiếp quản dự thảo, tôi thấy không ổn, vẫn tư duy hành chính, xin - cho. Tôi đã làm lại hết, thay đổi cách tiếp cận. Trước là DN chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép, bây giờ tiếp cận theo hướng DN đươc kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, ông nói.
Vì biết tiếng Anh, ông đã đọc rất nhiều tài liệu, Luật DN, Luật Cty của các nước. Đặc biệt, biết được rất nhiều chuyên gia nổi tiếng, mà sau này nhờ dự án của UNDP và GTZ tài trợ, CIEM đã mời được gần như tất cả những chuyên gia đó vào Việt Nam.
Trong câu chuyện, ông nhắc tên của nhiều chuyên gia nổi tiếng của Mỹ, Đức, Canada, New Zealand… với tràn ngập cảm xúc như John Bently, chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp (Cố vấn trưởng pháp luật của STAR Vietnam). Chính ông John Bently đã kết nối nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Luật Cty, Luật DN vào Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi Luật Cty và Luật DN tư nhân 1990 ban đầu được gộp thành 1 luật lấy tên Luật Cty và DN tư nhân. Bàn thảo nhiều lần sau này mới lấy tên là Luật DN. Dự thảo được dịch ra tiếng Anh gửi 6 chuyên gia. “CIEM tổ chức Hội thảo mời họ sang. Họ thảo luận từng điều của dự thảo, tranh cãi hay lắm, mình học hỏi được nhiều kinh khủng. Và mỗi lần thảo luận như thế, dự thảo được nâng cấp về chất lượng rất nhiều”, lời ông Cung.
“Cuộc cách mạng trong tư duy”
Với việc thay đổi cách tiếp cận từ chỗ DN chỉ kinh doanh những gì pháp luật cho phép đến việc DN được kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm, được xem là một cuộc cách mạng trong tư duy thời bấy giờ. Tư tưởng đó nhận được sự đồng thuận cao trong Ban soạn thảo, gồm các chuyên gia tên tuổi như: LS Trần Hữu Huỳnh (VCCI), luật gia Cao Bá Khoát (Bộ KH&ĐT), ông Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Thái Sơn (Văn phòng Chính phủ), bà Phạm Chi Lan (VCCI)…
Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến thì bị phản đổi “nhiều vô kể”. TS Cung nói: “Cũng may, khi đó, ông Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí thư, việc đầu tiên Tổng Bí thư làm là đưa ra một chương trình cải cách về thủ tục hành chính trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục đăng ký doanh. Thời điểm đó xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhà ĐTNN chần chừ không vào, đòi hỏi phải tăng trưởng, cải cách để thu hút đầu tư. Đó là “cái gậy” để Ban soạn thảo bảo vệ dự thảo trước các ý kiến phản biện”.
Nhận mình chỉ là người đứng ở “cánh gà” cùng với các thành viên trong Ban soạn thảo, TS Cung nhấn mạnh vai trò của ông Lê Đăng Doanh (khi đó là Viện trưởng CIEM), ông Trần Xuân Giá (khi đó là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT), ông Nguyễn Văn Phúc (khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH), ông Mai Thúc Lân (khi đó Phó Chủ tịch QH), những người đứng ra bảo vệ Dự án Luật DN trước QH.
“Nếu không có sự khéo léo, quyết liệt của họ, có lẽ Luật DN cũng chưa được thông qua vào thời điểm đó!”, TS Cung nói và chia sẻ thêm:“Tôi ấn tượng hồi đó làm luật ở QH hay ở chỗ, đọc từng câu, từng điều. Ông Giá và ông Lân là người đứng ra bảo vệ trước QH. Ông Mai Thúc Lân hay ở chỗ là người lúc đầu phản đối kịch liệt, người khó qua nhất là ông Lân, nhưng về sau, chính ông Lân là người ủng hộ quyết liệt nhất”.
15h10 thứ Bảy ngày 29/5/1999, QH khóa X, Kỳ họp thứ 5 đã biểu quyết với 377 phiếu thuận, tương đương 84,5% số đại biểu có mặt, thông qua toàn bộ Luật DN 1999.
“Lúc đó cảm thấy nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Lần này nhiệm vụ quá nặng nề!”, “Kiến trúc sư trưởng” Luật DN 1999 bồi hồi.
Sẵn sàng dấn thân, học hỏi
Bằng những quy định cởi mở, thông thoáng, Luật DN 1999 đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong việc giải phóng năng lực sản xuất. Đặc biệt, thành quả ấn tượng nhất của Luật DN 1999 là đã tạo ra bước đột phá về tư duy, từ tư duy chỉ được kinh doanh trong phạm vi Nhà nước cho phép sang tư duy người dân được quyền tự do kinh doanh tất cả những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.
TS Nguyễn Đình Cung tiết lộ, có những thứ ông không nói với ai, có những câu ông “cài” vào Luật và trở thành “đặc sản” của Luật DN cho đến phiên bản hiện nay như quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền yêu cầu người thành lập DN nộp thêm các giấy tờ, hồ sơ khác ngoài hồ sơ quy định tại Luật này”.
Ông cho biết, sau này một số luật cũng đưa tinh thần này vào, nhưng khi quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ chỉ thêm 2 từ “hợp lệ” sau cụm từ “kể từ ngày nhận được hồ sơ” thì tinh thần lại khác. “Khi đó hồ sơ chỉ thiếu 1 dấu phẩy cũng bị trả về vì không hợp lệ. Tinh thần của Luật DN là kể từ ngày cơ quan nhà nước nhận hồ sơ thì hồ sơ coi như đã là hợp lệ”, ông giải thích.
Quy định này tưởng là đơn giản, hiển nhiên, nhưng là cả quá trình lăn lộn thực tế. Ông kể, đã “tá hỏa” khi một câu của mình trong Luật Cty 1990 nhưng khi ra thực tế đã “đẻ” không biết bao nhiêu giấy phép, nào là phải ra phường xác nhận đủ 18 tuổi, đến bệnh viện xác nhận không bị mất trí, ra công an xác nhận không bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Đó chính là lý do Luật DN 1999 có những câu chốt quan trọng để tinh thần cái cách được thực thi trong cuộc sống.
TS Cung đúc kết: “Hiểu được pháp luật, hiểu được thực thi, hiểu được kinh tế, hiểu được quốc tế. Nhưng điều quan trọng nhất là tư duy phải rất đổi mới. Tôi ban đầu không có tý gì về kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế thị trường cũng không. Nhưng tôi là người đổi mới tư duy, sẵn sàng học hỏi, phá cách để thay đổi tư duy theo kinh tế thị trường”.