Nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích
Chỉ 5 năm gần đây, ông Toàn có 5 đề tài được Hội đồng xét duyệt sáng kiến TP Bảo Lộc công nhận, nhân rộng trên địa bàn TP, được Sở Tư pháp giới thiệu rộng rãi toàn tỉnh.
Điển hình như Đề tài “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đăng ký và quản lý hộ tịch tại xã Đamb’ri”, qua thực tiễn áp dụng đã góp phần chấm dứt tình trạng tảo hôn, đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, sai sót trong các giấy tờ hộ tịch, một số trường hợp di dân tự do không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân, không có giấy khai sinh… Người dân được phục vụ kịp thời, chính xác, đúng luật, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý dân cư, ổn định an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội (KTXH), củng cố lòng tin, gắn chặt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
Hay Đề tài Nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở đã giúp cho các Hòa giải viên nâng cao trình độ am hiểu pháp luật, nhận thức về công việc, cách thức tổ chức thực hiện. Qua thực tiễn áp dụng đã trang bị cho các hòa giải viên nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, lắng nghe; kỹ năng khai thác được các thông tin, tài liệu về vụ việc; xem xét xác minh vụ việc, tìm ra cốt lõi mâu thuẫn, xung đột; tra cứu tìm hiểu các văn bản, giải pháp tư vấn… nhằm mang lại kết quả hòa giải cao nhất.
Đề tài Nâng cao hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã Đamb’ri năm 2019 cũng là điều đáng nói. Nội dung chủ yếu của đề tài này là thông qua việc tổ chức hòa giải để giải quyết kịp thời, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai trong nhân dân, giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội.
Gần đây nhất, tháng 1/2021, sáng kiến “Tư vấn pháp luật miễn phí để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Đamb’ri” của ông Toàn đã được công nhận là sáng kiến TP Bảo Lộc, hiện đang được nghiên cứu nhân rộng.
Tuyên truyền kết hợp giải đáp vướng mắc
Từ thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương, ông Toàn nhận thấy nếu chỉ đọc nghị quyết, văn bản, liệt kê điều khoản sẽ rất khô cứng, khó hiểu, dễ gây nhàm chán. “Các hội nghị như thế có rất ít người tham gia, may ra chỉ có cán bộ thôn, xã; chứ người dân nghe năm ba câu đã bỏ về. Lúc đó đứng trên bục nói cảm giác hụt hẫng lắm”, ông Toàn đúc rút từ thực tiễn.
Sau thời gian suy ngẫm, ông Toàn mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy xã, UBND xã cho phép thử nghiệm mô hình mới. Theo đó, mỗi quý, UBND xã sẽ tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân kết hợp tuyên truyền pháp luật.
“Đảng ủy xã, đại diện HĐND xã, MTTQ xã, cán bộ thương binh xã hội, công chức phụ trách đất đai, cán bộ tư pháp, đại diện Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh cùng tham gia. Một nửa thời gian đầu dùng để cập nhật các quy định pháp luật mới, cần thiết. Thời gian còn lại, đại diện các đơn vị chuyên môn sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc, phản ánh của người dân. Nhờ đó các buổi làm việc này thu hút rất đông người dân, bởi họ mong muốn đến dự sẽ được giải đáp các vướng mắc đang gặp phải”.
“Tóm lại để nhiều người đến dự hội nghị phổ biến pháp luật cần có thứ gì đó tạo hấp dẫn, gắn với quyền lợi trực tiếp của người dân”. Mô hình trên được triển khai hiệu quả tại xã Đamb’ri từ 2010 đến nay.
Kinh nghiệm nữa, theo ông Toàn, là dựa vào thực tế địa phương để lựa chọn các chủ đề tuyên truyền phù hợp, đủ sức lôi cuốn người nghe. Chẳng hạn ở địa bàn đang công tác, ông ưu tiên các quy định về đất đai, đăng ký khai sinh, vay vốn ngân hàng, hợp đồng mua bán…
Bên cạnh đó, hơn 10 năm nay, mô hình tuyên truyền tại trường học vào đúng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) đã trở thành hoạt động sôi nổi với các tiểu phẩm, hỏi đáp có thưởng, tạo dấu ấn ở xã Đamb’ri. “Qua các câu hỏi đáp cũng là dịp kiểm tra kiến thức xã hội của các em học sinh, chuyển tải kiến thức pháp luật đơn giản mà dễ hiểu. Đặc biệt từ 2019 đến nay hoạt động này còn có thêm phần tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Phần thưởng tuy không lớn nhưng sẽ kích thích sự tìm hiểu pháp luật, sự vươn lên của các em, đồng thời qua đó làm gương để các bạn khác noi theo”, ông Toàn giải thích.
Làm việc xuất phát từ tâm
Đúc rút lại kinh nghiệm bản thân trong công tác tuyên tuyền phổ biến pháp luật, hoà giải cơ sở, theo ông Toàn, ngoài điều kiện cần là trình độ, chuyên môn, thường xuyên cập nhật các quy định mới; thì hoà giải viên, tuyên truyền viên cần làm việc xuất phát từ tâm, nhiệt huyết. Đặc biệt, không được giữ tư tưởng cứ hoà giải không được thì ra toà mà phải kiên trì. Kinh nghiệm nữa là trước mỗi trường hợp “tác nghiệp” cần tìm hiểu đối tượng để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Một kỷ niệm đáng nhớ cách đây 5 năm. Hồi đó ở xã có đôi vợ chồng sống trong căn nhà được ghép bằng những tấm ván đơn sơ, cứ mỗi lần cãi nhau, người chồng lại đạp bay hết các tấm ván dù cán bộ xã, thôn đã vận động, hoà giải nhiều lần.
Một hôm nhận được tin vợ chồng nọ lại cãi vã, đập phá nhà cửa, ông Toàn nghĩ mãi rồi quyết định cùng vợ mang… búa, đinh đến gia đình này. “Tôi không khuyên can nhiều như trước nữa mà chỉ nói vắn tắt rằng anh chị không thương con của mình nhưng tôi thương chúng, hôm nay tôi đóng lại các tấm ván để cháu có chỗ ngủ rồi mai tính tiếp. Cứ thế vợ tôi một đầu, tôi một đầu, lần lượt ghép lại các mảnh ván”. Có lẽ cảm phục trước hành động của vợ chồng vị cán bộ Tư pháp xã mà hôm sau vợ chồng nọ tự hoà giải làm lành, còn thịt gà làm cơm mời anh Toàn sang để xin lỗi.
Lần khác, có gia đình chồng là doanh nhân, vợ là người có trình độ học vấn cao, cãi vã tranh chấp tài sản ly hôn. Nhận tin báo, anh Toàn tới nhưng lần này “chiến thuật” lại hoàn toàn khác. “Họ có địa vị, trình độ hơn hẳn tôi nên nếu đem điều luật ra nói sẽ thừa thãi. Tôi chỉ khuyên hai vợ chồng nên tự giải quyết, không nên để pháp luật “xông” vào nhà. Thế là hôm sau người vợ rút đơn, hai bên tự thoả thuận. Với những người này, đôi khi chỉ một câu “khích tướng” để họ tự ái lại hiệu quả, chứ nói chuyện kiểu rao giảng sẽ phản tác dụng”, ông Toàn chia sẻ.
Nhờ làm tốt công tác hoà giải cơ sở, tuyên truyền phổ biến pháp luật mà tỷ lệ khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã Đamb’ri giảm đều qua các năm. Riêng năm 2021 đến nay không có đơn thư phản ánh về giải quyết tục hành chính; trong lĩnh vực tranh chấp dân sự, đặc biệt liên quan đến đất đai vốn rất “nóng” nhưng cả xã cũng chỉ tiếp nhận 17 đơn thư, chủ yếu do quy luật, lịch sử để lại.
Bản thân cán bộ Tư pháp - Hộ tịch Lê Văn Toàn từ 2016 đến 2020 liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng xét duyệt sáng kiến TP Bảo Lộc công nhận, hai lần được Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở; được tỉnh chọn để lập hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình tuyên truyền nhiều lớp trong đợt bầu cử
Là xã vùng cao, KTXH còn nhiều khó khăn nhưng trong đợt bầu cử vừa qua, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử ở Đamb’ri đạt con số ấn tượng 100%. Bản thân ông Toàn là thành viên Ủy ban bầu cử xã Đamb’ri, được giao phụ trách công tác tuyên truyền.
Ông Toàn cho biết đã lên kế hoạch cụ thể, chia thành nhiều vòng, nhiều lớp khép kín theo từng giai đoạn. Tất cả tài liệu tuyên truyền đều được số hoá vào những chiếc USB, đĩa CD nhỏ gọn chuyển về 14 thôn và 9 tổ bầu cử. Ở giai đoạn đầu, nội dung tuyên truyền mang tính tổng thể, chủ yếu nói về mục đích, ý nghĩa ngày bầu cử, thời gian bầu cử. Đến giai đoạn tiếp, nội dung tuyên truyền tập trung vào quy trình hiệp thương, nói về các quy định độ tuổi ứng cử, bầu cử, bổ sung danh sách, gạch tên trong danh sách. Và giai đoạn sau cùng, trọng tâm là tiểu sử các ứng viên.
Ông Toàn cũng lập nhóm zalo gồm 14 tuyên truyền viên ở 14 thôn để cập nhật, phổ biến những nội dung mới, cũng như hướng dẫn, tư vấn khi xuất hiện vướng mắc. Còn có xe tuyên truyền lưu động chạy vòng quanh toàn xã, lực lượng đoàn thanh niên tuyên truyền lưu động bằng xe máy với cờ, băng rôn tạo không khí cổ động.