Phương châm “mưa dầm thấm lâu”
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, gần 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đời sống còn nhiều khó khăn; trong khi đó, nhận thức pháp luật của nhân dân vẫn còn hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật hạn hẹp.
Là Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Sở Tư pháp tỉnh, bà Việt tâm sự luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để người dân hiểu biết pháp luật nhiều hơn, qua đó chấp hành tốt hơn các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương. “Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 dân tộc với những phong tục, tập quán và văn hóa khác nhau nên công tác PBGDPL cho đồng bào ở địa phương còn nhiều khó khăn. Nhưng càng khó thì chúng tôi càng xem đó là những thử thách mình cần phải nỗ lực hết sức để vượt qua”, bà Việt chia sẻ.
Trong câu chuyện với phóng viên, bà Việt nhiều lần nhắc tới mục tiêu cao nhất là nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Bà Việt lý giải, với công tác PBGDPL, làm cái gì, làm như thế nào, ai làm… thì mục tiêu cuối cùng hướng đến vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật trong đồng bào, nhất là ĐBDTTS trong chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình.
Theo bà Việt, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân là việc không phải ngày một, ngày hai có thể hoàn thành được mà phải xác định là nhiệm vụ dài hạn, thường xuyên liên tục trong thời gian dài mới có hiệu quả. Nhiệm vụ này cũng không thể hoàn thành nếu chỉ một vài người thực hiện, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, sáng tạo giữa các cấp, đặc biệt là những người trực tiếp đưa pháp luật đến với người dân.
Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, bà Phạm Thị Việt đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp, giai đoạn 2015-2020. Bà còn nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; nhiều lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Năm 2020, bà Việt được Thủ tướng tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2015 – 2019.
Dù nhận được nhiều phần thưởng cao quý, nhưng bà Việt luôn cho rằng, các thành tích có được như ngày nay là công sức đóng góp của một tập thể biết đoàn kết, sáng tạo, biết hy sinh những lợi ích cá nhân để đem ánh sáng pháp luật đến với đồng bào nơi biên cương của Tổ quốc.
Trên tinh thần ấy, bà Việt đã tích cực phối hợp trong tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ban hành nhiều đề án tuyên truyền, PBGDLP có chất lượng, đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Đó là các Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021”; “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”; “Xã hội hóa công tác PBGDPL và Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong Nhà trường giai đoạn 2017-2021”; “Tăng cường PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật”...
Từ những Đề án đó, nhiều cách làm của cơ sở đã được vận dụng sáng tạo để nhân dân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật từ các phương tiện khác nhau với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các hình thức tuyên truyền miệng thông qua hội nghị không thể thực hiện được vì phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, bảo đảm sức khỏe người dân; nhiều địa phương ở tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền pháp luật thông qua loa kéo có thể đến tận nương rẫy, thôn, bản... xa xôi trên lưng núi, đỉnh đồi. Phương pháp này đã đem lại hiệu quả, được nhân rộng ra nhiều địa bàn.
“Chúng tôi đã sử dụng loa kéo tay có gắn USB, với nội dung tuyên truyền pháp luật bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Mông để thường xuyên tới từng nhà, từng ngõ, thậm chí lên từng nương ngô, ruộng lúa nơi bà con đang sản xuất. Loa kéo tay luôn gây được sự chú ý. Dù người dân đang làm việc gì, nhưng khi thấy có xe loa đến, họ đều dừng tay tập trung lắng nghe, từ đó nắm rõ thông tin tuyên truyền”, bà Việt kể.
Hà Giang cũng có những cách làm mới, có nhiều tín hiệu tích cực góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền PBGDPL như mô hình tuyên truyền PBGDPL thông qua “Hội nghệ nhân dân gian”. Hiện các xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập các Hội nghệ nhân dân gian, thông qua các tài liệu tuyên truyền pháp luật được triển khai, cán bộ các ngành, đoàn thể xã phối hợp cùng các nghệ nhân dân gian tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại các thôn bản.
Thực hiện nhiệm vụ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đến nay Hà Giang đã xây dựng duy trì 309 trang thông tin điện tử, Fanpage, Facebook; youtube; 36 đường link truy cập PBGDPL, đăng tải trên 20.000 tin, bài trên chuyên trang, chuyên mục PBGDPL; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
Chú trọng công tác PBGDPL khu vực biên giới
Để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân, đặc biệt là đồng bào sinh sống nơi tuyến biên giới, những năm qua, nội dung hợp tác về lĩnh vực tư pháp trong thực hiện Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang với chính quyền người dân Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam- Trung Quốc rất được chú trọng.
Trong quá trình triển khai hợp tác, bà Việt đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp trình UBND tỉnh Đề án tổ chức hai đoàn ra và đón hai đoàn vào để hội đàm về công tác phổ biến pháp luật khu vực biên giới. Đây được xem như cách làm hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh để những người dân sinh sống quanh khu vực biên giới hiểu rõ và chấp hành tốt luật pháp của hai bên, tránh những hành vi vi phạm pháp luật.
Hai bên cũng đã phối hợp tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền pháp luật chung; trao đổi tài liệu tuyên truyền. Phòng PBGDPL đã biên soạn 10 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật để dịch song ngữ Việt - Trung làm tài liệu tuyên truyền chung; cấp phát trên 10.000 tờ gấp pháp luật song ngữ Việt - Trung cho nhân dân khu vực biên giới hai nước và các xã giáp biên của huyện Yên Minh, Xín Mần, Mèo Vạc.
Bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn chính, bà Việt cũng không ngừng nghiên cứu tài liệu thực hiện tốt vai trò Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Bà Việt đã trực tiếp tham gia làm báo cáo viên tại 20 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở do một số cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức; tham gia các Đoàn công tác của Sở Tư pháp về cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn công tác chuyên môn, công tác phụ trách xã.
Gắn bó nhiều năm với công tác tuyên truyền, PBGDPL, bà Việt cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác này, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành; chú trọng kiện toàn và phát huy đầy đủ vai trò tư vấn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, định hướng công tác PBGDPL. Bởi chính sách đưa ra đúng thì thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao; khi có sự phối hợp sẽ đảm bảo sự thông suốt và đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, cần phải rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ làm công tác PBGDPL; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín các đoàn thể thôn, bản và sự tích cực hưởng ứng của đồng bào tại các thôn, bản trên địa bàn. Phải lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và các Đề án liên quan, đến nay, tỉ lệ vi phạm pháp luật của nhân dân khu vực biên giới tỉnh Hà Giang giảm 11,7% số vụ và 29,8% đối tượng (so với giai đoạn 2013-2016). Theo một số liệu, 60 - 70% người dân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khác nhau; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình…
Triệu Oanh