Tình yêu nghề không tính toán so đo
Một năm sau khi tốt nghiệp ĐH Luật, năm 1990, ông Ngọc về công tác tại Sở Tư pháp Hải Phòng, làm chuyên viên Phòng Tổ chức Đào tạo. Năm 1998, khi Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) với mục đích tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách được hưởng dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí, ông Ngọc là 1 trong 3 cán bộ của Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ mới này.
Có những người bạn, đồng nghiệp, học trò của ông Ngọc, gần 20 năm bẵng đi tin tức, lúc gặp lại, đều thấy bất ngờ khi biết ông vẫn gắn bó với công việc TGPL. Ở một TP phát triển như Hải Phòng, không thiếu cơ hội với những người hành nghề luật, nhất là với người nhiều kinh nghiệm, có bề dày thực tế, phong cách nhã nhặn. Thế nhưng ông Ngọc vẫn yêu mến gắn bó công việc TGPL suốt 23 năm, đủ thấy tình yêu nghề lớn đến thế nào.
Ông Ngọc tâm sự những ngày tháng đầu tiên nhận công việc TGPL vừa vất vả, gian truân, nhưng cũng đầy mới mẻ. Nhiệm vụ đầu tiên sau khi thành lập tổ chức là xây dựng Đề án để từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch mạng lưới Trung tâm. Thời điểm đó nhiều người dân chưa hình dung ra TGPL là gì, ông phải đi xe máy phát tờ rơi tới tận nhà dân, đi tới từng xã để giải thích, trao đổi, phối hợp lãnh đạo địa phương.
Cũng hành nghề luật, cũng làm công việc tương tự như Luật sư; nhưng khác với Luật sư, Công chứng viên… thì Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) không được phép nhận một xu thù lao, nói cách khác có thể gọi TGVPL là “Luật sư công cộng”. Thu nhập không cao, điều kiện làm việc ban đầu còn thiếu thốn, mãi sau này TTTGPLNN mới được giao quản lý sử dụng một chiếc xe ô tô Mekong “tồng tộc đời Tống” làm phương tiện phục vụ các chuyến TGPL lưu động.
Một trong những động lực để cán bộ nhân viên TTTGPLNN Hải Phòng luôn cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, là khát khao hiểu biết pháp luật của người dân. Thời điểm những năm 2005, internet chưa “phủ sóng” nhiều nơi, phương tiện truyền thông chưa phổ biến, tìm đến các văn phòng Luật sư là điều “xa xỉ”… nên nhu cầu được tư vấn, giải thích pháp luật của người dân Hải Phòng, đặc biệt bà con vùng nông thôn, rất lớn. Các cuộc TGPL lưu động của TTTGPLNN Hải Phòng luôn thu hút hàng trăm người tới hỏi đáp pháp luật, đề nghị tư vấn… từ chuyện cãi cọ hàng xóm xử lý ra sao, làm thế nào để được cấp “sổ đỏ”.
Các TGVPL không chỉ đóng vai trò “luật sư”, “hòa giải viên”, thậm chí còn kiêm luôn vai trò “tư vấn tâm lý”. Đó là công việc thực sự hữu ích, đi tới đâu cũng được người dân và chính quyền địa phương nồng nhiệt chào đón. Không khi nào có một xu “thù lao”, nhưng những lời cảm ơn của người dân, những cái bắt tay của cán bộ địa phương, bữa cơm giản dị thân tình “úy lạo” nhóm cán bộ tuyên truyền pháp luật… cũng đủ mọi người xua tan mệt mỏi.
Chủ động tìm đến người dân
Năm 2006, Luật TGPL được Quốc hội thông qua, vai trò của TGVPL càng được ghi nhận; đồng thời đứng trước yêu cầu phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tương ứng và kỹ năng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp như Luật sư. Trong khi đó, số lượng TGVPL được bổ nhiệm tại Trung tâm còn ít, kinh nghiệm tham gia tố tụng chưa nhiều. Đầu 2009, TTTGPLNN Hải Phòng đề xuất với Sở Tư pháp phối hợp Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) mở lớp đào tạo nghiệp vụ tại Hải Phòng, tạo điều kiện để nâng cao trình độ, chất lượng tham gia tố tụng của các TGVPL.
Khi mới thành lập, số biên chế đếm chưa đầy ngón tay trên một bàn tay, trụ sở mượn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng nhờ sự cố gắng của các cán bộ nhân viên chứng minh khả năng năng lực, sự cần thiết của hoạt động TGPL, tới nay TTTGPLNN Hải Phòng đã được đầu tư trụ sở khang trang tại số 112, đường Lê Duẩn, phường Quán Trữ, quận Kiến An, được bổ sung nhân lực với 21 biên chế, có 4 Phòng nghiệp vụ và 3 Chi nhánh ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên.
Với phương châm “TGPL luôn luôn đi cùng dân”, ông Ngọc cùng cán bộ nhân viên Trung tâm đã bàn bạc, đưa ra nhiều sáng kiến, đổi mới hoạt động hướng về cơ sở, đến với mọi đối tượng được TGPL; thông qua việc phối hợp với nhiều cơ quan như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội người khuyết tật, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; các trại giam; các trường học và cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Không chỉ để người dân tự tìm đến, TTTGPLNN Hải Phòng còn luôn chủ động đến với người dân để tư vấn pháp luật, giúp đỡ. 217 xã phường tại Hải Phòng, nơi đâu cũng có in dấu chân của cán bộ TGPL TTTGPLNN Hải Phòng; dù có phải trải qua những chuyến tàu kéo dài 8 tiếng tới huyện đảo Bạch Long Vĩ; hay “tăng bo” nhiều phương tiện, chặng cuối phải ngồi đò mới tới xã Việt Hải ở huyện đảo Cát Hải xa xôi tổ chức các đợt TGPL lưu động.
Ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, bạn bè, học trò
Để tuyên truyền chính sách pháp luật tới người dân một cách hiệu quả, ông Ngọc xác định phải chú trọng công tác truyền thông. Với người dân Hải Phòng, ngoài việc thường xuyên được nhận miễn phí Thư ngỏ, tờ gấp, cẩm nang pháp luật; còn thường xuyên có thể tiếp cận thông tin tuyên truyền pháp luật thông qua TGPL trực tiếp tại trụ sở báo địa phương; Chuyên mục “Bàn tròn pháp luật”, “Nhịp cầu pháp luật” trên Đài Phát thanh –Truyền hình Hải Phòng, Phụ trương Pháp luật của Sở Tư pháp, chuyên mục “TGPL luôn đi cùng dân” trên làn sóng Đài phát thanh các quận, huyện… Vì có phong cách thân thiện, bề dày kiến thức, cách truyền đạt dễ hiểu, nên ông Ngọc thường xuyên được người dẫn chương trình đề cử là người tham gia.
Trong các hoạt động do trung tâm tự tổ chức, không chỉ là người phụ trách đơn vị, ông Ngọc còn là TGVPL “3 trong 1”. Mỗi lần thực hiện phiên tòa mẫu giả định, ông vừa là đạo diễn tình huống, kiêm diễn viên, kiêm người dẫn chương trình.
Ông Ngọc cũng được đánh giá là người có tâm, tận tình với công việc. Câu chuyện hai cháu bé tại xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo là ví dụ. Gần đến tuổi tới trường, nhưng cả hai cháu đều không có giấy khai sinh do bố mẹ không đăng ký kết hôn. Trớ trêu ở chỗ bố các cháu chịu án tù, mẹ bỏ về quê miền Trung, các cháu sống cùng ông bà nội tuổi cao sức yếu. Ông Ngọc đã lặn lội liên lạc với trại giam công an Hải Phòng, nơi người bố đang thụ án để làm thủ tục nhận con, rồi kết nối chính quyền địa phương để hoàn thiện giấy khai sinh cho các cháu. Nỗ lực và tình yêu nghề của người TGVPL đã “đơm hoa, kết trái”. Ông cũng vui không kém khi nhiều vụ việc ông tham gia bào chữa thành công, giúp bị cáo thay đổi tội danh, giảm hình phạt, được hưởng án treo...
TGVPL giỏi còn là người biết uyển chuyển xử lý tình huống. Ông Ngọc còn chứng tỏ năng lực khi từng tham gia một vụ kiện phân chia tài sản thừa kế giữa hai chị em dâu trước đó đã kéo dài nhiều năm. Chia tài sản thừa kế theo luật không khó, nhưng hậu vụ kiện, chị em họ sẽ đối xử với nhau ra sao? Trăn trở ấy đã thôi thúc ông tìm cách hòa giải. Cuối cùng hai đương sự đã đồng ý ngồi lại với nhau thống nhất phương án phân chia. Vụ kiện rắc rối khép lại, quyền lợi của các bên được đảm bảo, hai chị em lại vui vẻ ngồi chung mâm những ngày giỗ chạp. Ông Ngọc nói: “Bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là niềm vui lớn; nhưng việc giúp đương sự hòa giải được với nhau mới là niềm vui nhân lên gấp bội”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề TGPL, một số đồng nghiệp cho hay chưa khi nào thấy ông Ngọc phàn nàn. Ông tâm niệm: “TGPL cho người nghèo, gia đình chính sách, người yếu thế là hoạt động Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tin tưởng giao ngành Tư pháp; thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân; kế thừa truyền thống pháp lý nền Tư pháp cách mạng và đạo lý truyền thống tốt đẹp dân tộc, lấy lợi ích người dân làm trung tâm; nên tôi rất tự hào”.
Nỗ lực không ngừng trong công việc, ông Ngọc từng được nhận Bằng khen của UBND TP Hải Phòng, “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp” của Bộ Tư pháp… “Phần thưởng” quan trọng không kém, là với những đồng nghiệp, học trò từng quen, mỗi khi nghe nhắc tới ông, lại thấy thấp thoáng một nụ cười hồn hậu, nhân ái, luôn hết lòng giúp đỡ mọi người. “Xin cảm ơn ông, chúc ông luôn có sức khỏe để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội”, một học trò của ông nhắn gửi.
Phương Thanh