Ngày 07/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg công nhận ngày 28/8 là “Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam”. Có thể khẳng định đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ngành Tư pháp Việt Nam. Từ đó, ngày 28/8 hàng năm là ngày quy tụ, đoàn kết các thế hệ cán bộ Tư pháp các cấp nhằm phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” do Đảng ta đã đề ra.
Qua 75 năm hoạt động, cống hiến và trưởng thành, ngày nay Ngành Tư pháp không ngừng lớn mạnh và phát triển. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp với nhiều nhiệm vụ mới thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ. Trên tinh thần đó, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh Cà Mau ban hành
Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 10/4/2015 ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau. Trong đó, ghi nhận thêm thêm nhiều nhiệm vụ mới cho ngành Tư pháp ở địa phương như: Theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, xử lý vi phạm hành chính, hòa giải thương mại, thừa phát lại… Có thể nói, tổ chức, bộ máy, biên chế Ngành Tư pháp không ngừng được củng cố, kiện toàn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trước đây, Sở Tư pháp tỉnh Minh Hải được thành lập ngày 23/9/1982 và sau khi tái lập tỉnh Cà Mau vào ngày 01/01/1997, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau được thành lập. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, giúp cho ngành Tư pháp Cà Mau không ngừng lớn mạnh cả về nguồn lực, nhân lực và tầm vóc, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau hiện nay Sở có 05 phòng nghiệp vụ và 03 đơn vị sự nghiệp, biên chế được giao 83 người, trong đó hành chính 38, sự nghiệp 43 và 04 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (nay là Nghị định số 161/2018/NĐ-CP). Về trình độ, nhìn chung đạt chuẩn, gần 100% tốt nghiệp đại học (Trong đó có: 01 tiến sĩ, 07 thạc sĩ); 03 đồng chí lãnh đạo Sở; lãnh đạo các phòng, trung tâm có 18 đồng chí (có 06 nữ). Ở Phòng Tư pháp huyện, phố có 46 người, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cử nhân luật trở lên 46 người, đạt 100% (trong đó có 02 thạc sĩ luật và cử nhân khác 08 người); 18 đồng chí lãnh đạo phòng, có 06 nữ. Đối với Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã hiện có 200 công chức/101 xã, phường, thị trấn; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là cử nhân luật 169; đại học, trung cấp khác 18 và Trung cấp luật 13.
Có thể khẳng định, cho đến nay, gần 40 năm thành lập, hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ của ngành ở Cà Mau từ tỉnh đến cấp huyện và cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển cả về số lượng và chất lượng từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Những kết quả nổi bật của Ngành Tư pháp Cà Mau là thực hiện tốt công tác xây dựng ngành, không ngừng củng cố tổ chức, kiện toàn và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường và công tác theo dõi thi hành pháp luật, chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1) từng bước được nâng cao; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng đổi mới hình thức, biện pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác trợ giúp pháp lý được mở rộng; lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp không ngừng được đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; công thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo được kịp thời hơn… Với thành tích đó, nhiều năm liền Sở Tư pháp đã được Bộ Tư pháp xếp loại A; UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; Đảng bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn trong nhóm dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính khối các sở, ngành cấp tỉnh.
Trong năm 2020, thực hiện Chương trình công tác tư pháp đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 03/02/2020, với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo một cách toàn diện của cấp ủy, chính quyền và sự linh hoạt của Ban Lãnh đạo Sở Tư pháp đã đạt nhiều thành tích nổi bật mặc dù dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình hoạt động. Đó là triển khai, thực hiện đồng bộ, liên tục các mặt công tác được giao, tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tốt công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách hành chính; tích cực phòng, chống tiêu cực trên các lĩnh vực nhạy cảm của ngành như: công chứng, bán đấu giá, thừa phát lại; triển khai đồng bộ và có hiệu quả trong công tác lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, giao dịch bảo đảm, giám định tư pháp, luật sư; tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2022; công tác đăng ký quả lý hộ tịch không ngừng ứng dụng công nghệ thong tin trong giải quyết, nhất là mô hình “giải quyết thủ tục hành chính 04 tại chỗ”...
Có thể khẳng định, qua chặng đường phát triển không dài so với lịch sử phát triển của dân tộc, nhưng ngành Tư pháp Minh Hải trước đây, Tư pháp Cà Mau hiện nay có nhiều đổi mới phát triển đi lên, luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng thời kỳ do Đảng, Nhà nước giao cho, góp phần tô thắm thêm truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam, đã có những đóng góp nhất định vào việc quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Với kết quả đó, vai trò và vị thế ngành Tư pháp Cà Mau không ngừng được củng cố và tăng cường, xứng đáng ngọn cờ đầu trong ngành Tư pháp và sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh trên mọi phong trào.
Để hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2020), năm 2020 Sở Tư pháp chỉ đạo một số nội dung tổ chức đợt thi đua cao điểm với các nội dung hoạt động, cụ thể như sau:
- Phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, thi đua bứt phá, hiệu quả về đích sớm lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V”.
- Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”.
- Phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Phong trào thi đua “Cả nước chung sức vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
- Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.
- Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.
- Phát động phong trào thi đua theo chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp địa phương năm 2020.
- Phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Cà Mau lần thứ VI và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
- Các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề khác do Bộ Tư pháp, UBND tỉnh phát động…
Với ý nghĩa trên, mong rằng trong thời gian tới công chức, viên chức và người lao động của ngành Tư pháp Cà Mau tiếp tục ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành và “về đích sớm” các nhiệm vụ được giao năm 2020, thiết thực kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam./-
Đức Thắng