Thẩm phán trẻ 27 tuổi
Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn là người con huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Luật, ông về công tác tại TAND TP Vinh.
“Khao khát trở thành Thẩm phán nên từ những ngày đầu mới về làm thư ký tòa, tôi thường đóng cửa rồi một mình trong phòng tập luyện lời nói, cử chỉ, phong thái sao cho giống một Thẩm phán đang xét xử. Hơn nữa, quá trình làm thư ký, tôi có cơ hội trau dồi chuyên môn khi giúp việc cho các Thẩm phán”, ông Sơn nhớ lại.
Năm 1995, ông Trần Ngọc Sơn được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm làm Thẩm phán. 27 tuổi - ông được xem là một trong những Thẩm phán trẻ tuổi nhất cả nước lúc bấy giờ. Với ông, đó là vinh dự, tự hào nhưng cũng áp lực khi tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ. Dù vậy, ông luôn nỗ lực phấn đấu, học hỏi kinh nghiệm, thể hiện bản lĩnh thép, sự uy nghiêm của người Thẩm phán.
Hai năm sau, dấu ấn của vị Thẩm phán trẻ thể hiện qua phiên xét xử vụ đánh bạc lớn lúc bấy giờ tại Nghệ An. Vụ án phức tạp, với chồng hồ sơ cao hơn 1,5m, có 29 bị cáo, với 34 hành vi đánh bạc. Phiên tòa xét xử lưu động năm đó được dư luận đặc biệt quan tâm. Riêng Thẩm phán Trần Ngọc Sơn được đồng nghiệp đánh giá cao.
Thẩm phán Trần Ngọc Sơn thường ngồi “ghế nóng” những vụ án lớn
Với ông, Thẩm phán là nghề nghiệp vinh quang nhưng chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Người Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm. Chính vì vậy, ông luôn lấy phương châm “hết lòng vì dân, vì nước, vì công lý; xét xử phải công minh, chính trực, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng bản chất của tranh chấp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, thực hiện tốt nhất quyền tư pháp do Hiến pháp quy định” làm kim chỉ nam trong suốt quá trình công tác.
Tháng 9/2006, ông chuyển về công tác tại TAND tỉnh Nghệ An, lần lượt kinh qua các vị trí: Chánh văn phòng, Phó Chánh án và Chánh án TAND Nghệ An cho đến nay. Tinh thần trách nhiệm với công việc của ông được đồng nghiệp đánh giá cao. Có những vụ án, ông trực tiếp đi xe máy một mình vào Thừa Thiên Huế để kiểm tra, xác minh làm rõ các chi tiết cần thiết. Nhiều chuyến ông đi tận vào Quảng Bình hoặc ngược Quốc lộ 7 lên rẻo cao huyện Kỳ Sơn… Cứ như thế, vụ án nào còn băn khoăn, chưa sáng tỏ là ông lại lên đường bằng sự tâm huyết, trách nhiệm và nghiêm túc với nghề.
Thẩm phán Trần Ngọc Sơn đã trực tiếp xét xử những vụ án lớn, đặc biệt các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Ông chia sẻ: “Ở những vụ án này ngoài việc các bị cáo có trình độ học vấn cao nên thường khai báo quanh co, thủ đoạn tinh xảo thì tôi còn bị đe dọa. Có đối tượng đã nhắn tin, thậm chí gọi điện uy hiếp tôi và gây áp lực tới người thân trong gia đình”. Nhưng với bề dày kinh nghiệm và kỹ năng tố tụng, Thẩm phán Sơn đã điều hành phiên tòa vừa đảm bảo tranh tụng, vừa xử lý các tình huống tố tụng phát sinh mà khi nghiên cứu hồ sơ không thể dự đoán hết, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi của mình.
Chánh án Trần Ngọc Sơn luôn có nhiều sáng kiến, đi đầu ứng dụng sức mạnh công nghệ vào tòa án
Là địa bàn “nóng” về tội phạm ma túy, Thẩm phán Sơn đã ngồi ghế nóng xét xử những vụ án lớn, trong đó có “ông trùm” Phan Đình Tuấn (tức Tuấn “Lay”). Được biết đến là giang hồ thành Vinh, tháng 7/2014, Tuấn bị bắt vì liên quan đến đường dây mua bán 110 bánh heroin. Khi ông trùm này đang bị giam giữ chờ xét xử thì công an phát hiện Tuấn liên quan đến vụ án ma túy “khủng” lên tới 294 bánh heroin. Với khối lượng ma túy đặc biệt lớn, Phan Đình Tuấn 2 lần bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình.
Đối với những bị cáo ngoan cố, quanh co trong khai báo thì trước khi phiên tòa diễn ra, Thẩm phán Sơn đã phải lên kế hoạch một cách chi tiết và khoa học cho mỗi phần việc. Tại phiên tòa, người chủ tọa phải dùng lý lẽ, kinh nghiệm trong quá trình xét xử và phương pháp xét hỏi để tìm ra sự thật của vụ án. Bên cạnh đó là nghệ thuật thẩm vấn, làm thế nào để bị cáo phải nhận tội một cách khách quan, tâm phục và khẩu phục.
Vững vàng trên cương vị đứng đầu
Trên cương vị là người đứng đầu hệ thống tòa án nhân dân hai cấp Nghệ An, dù áp lực bởi số lượng vụ ngày càng tăng, tính chất còn phức tạp, Chánh án Trần Ngọc Sơn thường xuyên chỉ đạo cán bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành với tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Đối với các vụ việc dân sự, hành chính ông luôn hướng đến công tác hòa giải, đối thoại để hóa giải các mâu thuẫn trong Nhân dân; tăng cường hơn nữa hiệu quả Quản lý Nhà nước theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ Tòa án: “Xử đúng là tốt nhưng không phải xử thì tốt hơn”. Từ đó, ông nhận thấy phải làm tốt công tác dân vận “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học ở dân”.
Trên cương vị người đứng đầu tòa án hai cấp ông thường xuyên chỉ đạo cán bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành
Với vai trò là người đứng đầu, Chánh án Trần Ngọc Sơn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng. Với ông, việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ nhằm đạt 3 mục đích: “Nỗ lực vượt khó, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ; Khi làm việc luôn đề cao phép nước, kỷ cương, phải nhớ lời Bác dặn dò năm xưa “chí công vô tư, tất cả vì dân”; Không bị lung lay, mua chuộc, không sợ bị đe dọa…”.
Bên cạnh đó, ông chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức vì đó là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác. Tổ chức trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm trong việc thụ lý, giải quyết, xét xử các loại án tại các buổi sinh hoạt “ngày pháp luật” hàng tháng…
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng bản án, năm 2022 Chánh án Trần Ngọc Sơn đã chỉ đạo TAND Nghệ An tổ chức thành công cuộc thi kỹ năng viết bản án và biên bản phiên tòa cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký góp phần tác động tinh thần tự học tập, nghiên cứu, cập nhập kịp thời các quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen đột xuất.
Tác giả của nhiều sáng kiến, đi đầu ứng dụng “sức mạnh 4.0”
Không chỉ là người lãnh đạo bản lĩnh, gương mẫu, Chánh án Trần Ngọc Sơn còn biết đến là người có nhiều đề tài, sáng kiến để nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, năm 2018 ông có sáng kiến “Kinh nghiệm, giải pháp khắc phục án tồn đọng, quá hạn luật định”; Năm 2019 là đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết án Dân sự”.
Chánh án Trần Ngọc Sơn tham gia hiến máu tình nguyện
Đặc biệt, năm 2021, áp dụng tối đa tính năng ưu việt của cuộc cách mạng 4.0, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chánh án Trần Ngọc Sơn đã có “Sáng kiến, giải pháp về tổ chức phiên tòa, làm việc trực tuyến tại Nghệ An” được TAND tối cao đánh giá cao.
Ngoài công tác chuyên môn, Chánh án TAND Nghệ An còn biết đến là cây văn nghệ, “kho tàng” thơ ca ví, giặm xứ Nghệ và là người có trái tim nhân ái. Ông đã cùng tập thể đơn vị triển khai, vận động hơn 500 triệu để xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ đồng bào huyện Kỳ Sơn bị lũ quét, tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện…
Chánh án TAND Nghệ An luôn tích cực làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, tham gia hiến máu...
31 năm gắn bó với “nghiệp” Tòa án, trên cương vị cán bộ hay là người “chèo lái”, Chánh án Trần Ngọc Sơn đã góp chung vào thành tích TAND tỉnh Nghệ An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba. Cá nhân Chánh án Trần Ngọc Sơn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân được Chánh án TAND tối cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen. Ông còn được tặng nhiều kỷ niệm chương: Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn, Bảo vệ an ninh tổ quốc, Vì sự nghiệp an ninh biên giới, Vì sự nghiệp tòa án… Ông cho rằng như thế vẫn chưa đủ, bởi bản thân còn phải luôn học tập và làm theo Bác để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Tâm niệm của ông, phải luôn là người cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Đó là điều mà ông không ngừng nỗ lực phấn đấu nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống Tòa án.
31 năm gắn bó với “nghiệp” Tòa án, Chánh án Trần Ngọc Sơn đã góp chung vào thành tích TAND tỉnh Nghệ An