Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Thượng tá Nguyễn Trung Thành: Đóng góp cho Luật Biên phòng từ kinh nghiệm thực tế gian khó

Những năm qua, cùng với đồng nghiệp, Thượng tá Thành đã tham gia xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên phòng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, các lực lượng, trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Trưởng thành từ thực tiễn gian khó, thực tế giảng dạy
Nói về công việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Thượng tá Nguyễn Trung Thành (Phòng Pháp chế, Bộ Tư lệnh BĐBP) nói rằng đó là thành tích chung của phòng và những người thuộc thế hệ đi trước.
Thượng tá Thành sinh năm 1977, quê gốc Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được phân công công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, Kiên Giang). Cửa khẩu Giang Thành có cả đường bộ và đường sông, là cửa ngõ của trục giao thông quan trọng giáp với tỉnh Cam-pốt (Campuchia), thuận lợi cho DN vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh lợi thế về kinh tế là những khó khăn trong quản lí trật tự xã hội. Các đối tượng lợi dụng đường biên giới dài, địa hình phức tạp để hoạt động. Vì lợi nhuận do buôn lậu cao nên một số người dân địa phương liều lĩnh tiếp tay, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt vào mùa nước nổi. Khi ấy, các quãng đường biên giữa Việt Nam và Campuchia ngập trong biển nước.
Dân buôn lậu hoạt động cả ngày lẫn đêm, sử dụng vỏ lãi chạy tốc độ cao. Để bắt buôn lậu phải đi xuồng cao tốc. Người đi bộ mang vác hàng hóa sử dụng phương thức cho hàng lậu vào bao rồi buộc các bao với nhau, kéo đi dưới nước. Nếu không có biện pháp nghiệp vụ sẽ tưởng người dân đi bắt ốc, bắt cua trên biên giới.
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn địa bàn, lực lượng biên phòng luôn bám tình hình, cùng với nhân dân xây dựng thế trận biên phòng toàn dân nơi biên ải. Cùng với đồng đội ở Đồn Biên phòng Giang Thành, anh Thành khi ấy mới là Thiếu úy phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền các văn bản pháp luật, giúp đỡ nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực tiễn và kinh nghiệm công tác giúp anh Thành rất nhiều khi được chuyển ra Học viện Biên phòng làm giảng viên về luật. Những tình huống thực tế được anh vận dụng vào các điều khoản luật, phân tích, chỉ ra những bất cập để truyền dạy học viên. Sau 9 năm miệt mài cầm phấn, anh xách ba lô lên cực Tây Tổ quốc: Đồn Biên phòng Leng Su Sìn.
Đồn Biên phòng Leng Su Sìn quản lý 2 xã Leng Su Sìn và Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) và dãy cương thổ đường biên dài hơn 25km, tiếp giáp nước bạn Lào. Hai xã có tổng diện tích tự nhiên rộng (39.000ha), hơn 1.660 hộ với hơn 8.400 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 67,7% dân số 2 xã. Người dân sinh sống ở 22 bản, công tác biên phòng, vận động tuyên truyền; triển khai hoạt động tuần tra đường biên cũng gặp nhiều khó khăn.
Cung đường lên cột mốc số 8, số 9 với những con dốc ngược hàng chục độ, phải trèo, bám vào những dây rừng treo mình lên vách đá, băng qua những con suối lạnh buốt vào mùa Đông. Những người có sức khỏe, hăng hái nhất để lên tới cột mốc cũng phải mất 4 ngày cả đi và về. Trong suốt quãng đường 30km dốc ngược đó, cán bộ, chiến sĩ phải bò, trườn, vịn, níu vào cây, vào khe đá để leo lên. Cỏ tranh mọc um tùm cứa rách chân tay.
Khi xuống còn khó khăn và nguy hiểm gấp nhiều lần. Những ngón chân trong đôi giày bộ đội lúc nào cũng phải bấm, ghì, bám chặt vào bất cứ chỗ nào có thể đặt chân lên được. Đầu gối luôn trong tư thế chùng xuống, mỏi nhừ. Mùa mưa, cỏ rậm um tùm lấp hết lối đi, bộ đội phải phát quang mở đường lên cột mốc.
Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế của 2 xã Leng Su Sìn và Chung Chải còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu trong cuộc sống của người dân vẫn còn tồn tại; tình hình di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật vẫn diễn ra. Một số đối tượng thường lợi dụng sự phức tạp về địa hình, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế để hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Anh Thành đã trưởng thành từ những gian khó đó. Cùng với đồng đội, anh đã tham gia nhiều buổi vận động, tuyên truyền tại các bản, giúp đồng bào hiểu được tác hại của chất ma túy, nhận biết các loại chất ma túy. Đồng thời qua nguồn tin quần chúng nhân dân cung cấp, đơn vị cũng có được những thông tin có giá trị để triệt phá những ổ nhóm có hành vi vi phạm pháp luật ở những khu vực heo hút, biên giới.
Thượng tá Thành cho biết, thông qua việc tuyên truyền, họp dân là thêm một lần BĐBP củng cố phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững thế trận lòng dân ở khu vực biên giới; nâng cao nhận thức, tích lũy thêm kiến thức để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để xây dựng bản làng trở thành những điểm sáng văn hóa ở khu vực biên giới.

Phòng Pháp chế BĐBP họp triển khai nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật BPVN.
 
Nỗ lực đóng góp vào thành tích chung của đơn vị
Từ Leng Su Sìn trở về Phòng Pháp chế, BĐBP, những năm qua, Thượng tá Thành và các đồng nghiệp đã tham gia, góp phần xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), 2 nghị định và 2 thông tư hướng dẫn Luật.
Hơn 40 năm qua, Phòng Pháp chế BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ký, ban hành hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó có 2 dự án luật (Luật Biên giới quốc gia (BGQG) và Luật BPVN; Pháp lệnh BĐBP; 25 nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 77 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu, đối ngoại biên phòng, xử lý vi phạm hành chính và xây dựng lực lượng BĐBP.
Các văn bản quy phạm pháp luật do Phòng Pháp chế BĐBP tham mưu ban hành được đánh giá đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công tác biên phòng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG, làm căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở các KVBG, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Phòng Pháp chế BĐBP luôn tích cực nghiên cứu tham gia, đóng góp hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, xây dựng BĐBP do các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị gửi xin ý kiến. Các ý kiến tham gia, đề xuất của BĐBP có chất lượng được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP vào các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng có liên quan đến xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG, cửa khẩu.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Phòng Pháp chế BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu cho Bộ Tư lệnh, Quân ủy Trung ương, BQP giữ vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP khi tham gia các dự án luật có liên quan trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội như: Luật BPVN; Luật Công an nhân dân; Luật Dân quân tự vệ; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam...
 
41 năm qua, Phòng Pháp chế BĐBP được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp tặng 23 Bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; được Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tham mưu tặng 46 Bằng khen, Giấy khen. Nhiều năm liền, Phòng Pháp chế BĐBP được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Đặc biệt, năm 2020, đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng 5 Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng Luật BPVN và thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; Bộ Tư lệnh BĐBP tặng 15 Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Luật BPVN và xây dựng Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ BGQG. Trong những thành tích đó, có thành tích nhỏ bé của Thượng tá Nguyễn Trung Thành.