Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Kỳ Sơn (Nghệ An): Bí quyết để nhiều năm không phải cưỡng chế trong thi hành án

“Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, không thể ra quyết định thi hành án rồi đến nhà đọc, cưỡng chế tài sản được, mà chúng tôi phải bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở với bà con để vận động. Tôi và anh em còn tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con, học cả tiếng của đồng bào để sống và giao tiếp cùng dân”, ông Sơn chia sẻ.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã khéo léo đưa công tác dân vận vào việc thi hành án (THA). Nhờ đó, nhiều năm liền đơn vị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là Chi cục duy nhất của Nghệ An không phải thực hiện biện pháp cưỡng chế trong THA.

Gần dân, sát cơ sở
Kỳ Sơn là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Huyện có diện tích rộng thứ hai toàn tỉnh, có 203,409km đường biên giới giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước CHDCND Lào và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Khơ Mú, Thái, Hoa…
Địa bàn rộng cùng nhận thức pháp luật của bà con còn hạn chế khiến công tác THADS gặp không ít khó khăn. Dù vậy, gần chục năm qua, Chi cục THADS huyện Kỳ Sơn là đơn vị duy nhất của Nghệ An không phải thực hiện cưỡng chế trong THA.
Có được điều đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn, là nhờ đơn vị đã làm tốt công tác dân vận, bám cơ sở “ba cùng” với nhân dân. Khéo léo áp dụng công tác dân vận vào THADS với ông Sơn là kinh nghiệm mà bản thân đã đúc rút qua thời gian công tác ở nhiều cương vị khác nhau.

Năm 1994, ông là một trong ít thanh niên ở huyện miền núi giáp Lào theo học ĐH ngành luật. Sau khi tốt nghiệp, ông làm Bí thư đoàn thị trấn Mường Xén của huyện, 7 năm sau làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén. Năm 2010, ông Sơn được điều động sang Chi cục THADS Kỳ Sơn, đến 2013 thì được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng. 
Với chuyên môn vững cùng sự khéo léo, ông đã bắt nhịp công việc mới và là người đứng đầu “chèo lái” đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Ông Sơn chia sẻ: “Làm công tác dân vận đã khó, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn có những cái khó riêng. Ngoài việc cùng ăn, cùng ở, cùng sống với bà con, tôi phải tìm hiểu thêm phong tục tập quán và học tiếng của đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái… Rồi phải khéo léo vận động già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín giúp đỡ”.
Với mỗi đồng bào dân tộc sẽ có những tập tục riêng. Ví dụ như theo phong tục của người Mông, trong cuộc sống vợ chồng, nếu một trong hai người vi phạm đạo đức lối sống thì mặc nhiên người đó sẽ phải ra đi tay trắng. Dù sau đó, tòa án đã có phán quyết phân chia tài sản nhưng họ vẫn không thực hiện. 
“Trong trường hợp này mình vừa vận động, tuyên truyền để họ hiểu những quy định của pháp luật, vừa tranh thủ người có uy tín, trưởng dòng họ thuyết phục”, ông Sơn vẫn nhớ rõ vụ việc một ông chồng lấy hai bà vợ. Người vợ đầu cho rằng chồng mình đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình nên giữ toàn bộ khối tài sản chung (gần 1 tỷ đồng) mà cả hai đã tạo dựng trong quá trình chung sống. Ngay cả khi tòa đã đưa ra bản án, người vợ cũng không đồng ý chia tài sản cho chồng. Tuy vậy, nhờ làm tốt công tác dân vận khéo, kết hợp với người trưởng dòng họ giúp đỡ, mà số tiền hơn 1 tỷ đã được người vợ đồng ý chia đôi cho chồng.


Chi cục trưởng Chi cục THADS Kỳ Sơn trong một lần đi công tác cơ sở.

Gần chục năm làm người đứng đầu Chi cục, ông Sơn nắm rõ những khó khăn, phức tạp của địa bàn. Ông chia sẻ, nhiều năm qua, Kỳ Sơn là địa bàn “có tiếng” với các án ma túy. Một phần do cuộc sống của người dân khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế, bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Quá trình truy thu tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án liên quan đến tội về ma túy gặp rất nhiều khó khăn vì không có tài sản. Dù vậy, đơn vị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. 

Làm sao để THA không phải cưỡng chế?
Để công tác THADS không phải cưỡng chế vốn đã khó, với khu vực miền núi như Kỳ Sơn lại càng khó khăn hơn. “Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, không thể ra quyết định THA rồi đến nhà đọc, cưỡng chế tài sản được, mà chúng tôi phải bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở với bà con để vận động. Tôi và anh em còn tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con, học cả tiếng của đồng bào để sống và giao tiếp cùng dân”, ông Sơn chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện công tác THADS, ông Sơn cho biết đã không ít lần bị các đương sự chống đối bằng nhiều hình thức. “Có người trốn tránh bằng cách đi rẫy nhiều ngày không về; có người lại cố tình kéo dài việc “giải hạn”, làm “ma nhà”… mà theo phong tục của họ trong những ngày đó người lạ không được vào nhà. Với những trường hợp như vậy, tôi vừa tìm hiểu thông tin từ quần chúng, vừa kết hợp cùng chính quyền địa phương để vận động người dân chấp hành pháp luật”, lời ông Sơn.


Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi cục THADS Kỳ Sơn luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu về công việc.

Dù là cán bộ theo quy định làm việc theo giờ hành chính, nhưng với địa bàn đặc thù, có những vụ việc, cán bộ THADS buộc phải tranh thủ lúc đương sự đi rẫy về để đến làm việc. Chuyện vào nhà dân lúc nhá nhem và ra về lúc 1- 2h sáng là điều thường xuyên xảy ra. 
Hay có những vụ việc ly hôn, chia tài sản là những con bò thì cán bộ THA phải đi bộ vào tận rừng sâu để làm việc với các đương sự và dắt bò về. Vì thế, trong hành trang đi cơ sở của ông ngoài bản án, quyết định còn có lương khô, phụ tùng sửa xe máy và mấy bộ quần áo. Ông nhớ lại kỷ niệm khó quên: “Có lần anh em lội suối, cuốc bộ vào rừng mấy tiếng đồng hồ để gặp đương sự, khi trở ra thì trời đổ mưa to, nước suối dâng cao. Tình thế đó buộc chúng tôi phải ở lại lán của người dân trong rừng, đợi khi nước rút mới tiếp tục hành trình”.
Công tác ở địa bàn địa hình khó khăn, đồi núi hiểm trở, do vậy không ít cán bộ của Chi cục gặp nạn trên đường làm nhiệm vụ. Năm 2018, một cán bộ trên đường đi làm việc do đường dốc, mưa trơn đã bị lao cả người và xe xuống vực, gãy xương sườn. Mới đây khoảng ít tuần, một cán bộ của đơn vị cũng gặp nạn bị gãy xương vai, xương sườn trong khi đi làm nhiệm vụ, phải đưa ra điều trị tại Hà Nội.


Ngoài làm tốt chuyên môn, Chi cục THADS Kỳ Sơn còn có các hoạt động quan tâm, giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số.

Ngoài làm tốt chuyên môn, Chi cục THADS Kỳ Sơn còn có các hoạt động quan tâm, giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Chi cục THADS Kỳ Sơn luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu về công việc. Đơn vị cũng là nơi duy nhất ở Nghệ An gần 10 năm qua không phải thực hiện việc cưỡng chế. Trong 2 năm 2019, 2021 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Bản thân ông Sơn cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp. 
Có được điều đó, một phần nhờ sự lãnh đạo của người đứng đầu chi cục. Tuy nhiên, khi được hỏi về vai trò của bản thân, ông khiêm tốn cho hay “đó là nhiệm vụ phải thực hiện”.

Nhiều năm gắn bó với ngành, ông Sơn hiểu rõ những khó khăn mà bản thân cùng đồng nghiệp phải trải qua. Ở một số vùng sâu, vùng xa mới có điện lưới cách đây 3 năm (trước đó người dân chủ yếu sử dụng máy phát điện gia đình – PV), nên cán bộ THA đi cơ sở thường viết biên bản bằng tay thay vì đánh máy như các đơn vị khác. Cũng bởi đặc thù địa hình rừng núi hiểm trở nên ông và đồng nghiệp thường đi cơ sở theo hình thức “cuốn chiếu”. “Mỗi chuyến đi của chúng tôi thường kéo dài 3 - 4 ngày, cả đi xe lẫn cuốc bộ, đêm tối gặp đâu thì nghỉ đó. Hầu hết chúng tôi đều xin ở lại nhà dân. Trong những lần ở cùng bà con dân bản, chúng tôi nói chuyện với họ và lồng ghép việc tuyên truyền các luật liên quan đến mua bán người, ma túy…”, ông chia sẻ làm việc.