Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Cô giáo Nguyễn Lệ Lan (Nghệ An): Tấm gương đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, học môn Lịch sử

Với quan niệm “Phương pháp quan trọng, kỹ năng quan trọng; nhưng cảm hứng còn quan trọng hơn”, cô giáo Nguyễn Lệ Lan, giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh và nghiên cứu khoa học. Sự tận tụy, yêu nghề, mến trò của cô đã truyền cảm hứng học tập cho học sinh, trong đó có những em “cá biệt”. Không chỉ làm tốt vai trò người giáo viên, người hội thẩm nhân dân, cô còn khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, thanh niên hiệu quả.

Lời nói, cử chỉ, giọng điệu nhẹ nhàng, là ấn tượng đầu tiên về cô giáo Nguyễn Lệ Lan (SN 1983, giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành, Nghệ An) với người đối diện. Trước khi gặp, chúng tôi đã được giới thiệu sơ qua, suốt nhiều năm công tác trong ngành giáo dục tại ngôi trường mang tên nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, cô Lan không dạy học theo lối mòn mà luôn chủ động sáng tạo. Những giải thưởng của học sinh giỏi, kết quả cao trong các kì thi, hay sự thay đổi của học sinh “cá biệt” là minh chứng cho những nhận xét đó.

Khơi gợi cảm hứng học sinh với môn Lịch sử
Cách đây 16 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành Lịch sử, cô giáo Nguyễn Lệ Lan được về công tác tại ngôi trường trước đó mình từng học phổ thông. Với cô, đó vừa là vinh dự, tự hào, nhưng cũng không kém phần áp lực. Được sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp là thầy cô giáo cũ trong trường; đã tiếp thêm động lực để cô trau dồi chuyên môn, truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Đảm nhận giảng dạy môn Lịch sử, môn học có vai trò ý nghĩa vô cùng quan trọng đối việc giáo dục thế hệ trẻ, nhưng cô nhận thấy một thực trạng là nhiều học sinh chỉ coi Lịch sử là môn phụ nên học mang tính đối phó, nặng về ghi nhớ máy móc, không hiểu bản chất của sự kiện. Thực trạng trên khiến cô giáo trẻ đau đáu phải thay đổi phương pháp dạy, học môn Lịch sử.
Cô Lan đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, khai thác hiệu quả tranh ảnh, đồ dùng trực quan sinh động, các phim tư liệu vào bài giảng… Bên cạnh đó, trong các tiết học, cô còn tổ chức trò chơi để học sinh cảm thấy hứng thú, thoải mái, từ đó tiếp nhận kiến thức một cách chủ động.
Quá trình giảng dạy, cô Lan còn khéo léo lồng ghép việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và các vấn đề thực tiễn cuộc sống để giúp học sinh kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ sự hướng dẫn tận tụy của cô mà học sinh đã có sự thay đổi rõ ràng trong việc học. Cũng từ đó, giờ học môn Lịch sử đối với cô, trò đều nhẹ nhàng, thoải mái mà chất lượng ngày càng nâng cao.

Thầy Hiệu trưởng trò chuyện cùng cô Lan tại ngôi trường mang tên nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
 
 
Ngoài công tác giảng dạy, cô Lan còn tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của cô được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, cấp tỉnh, được đăng trên các tạp chí khoa học.
Dạy học nâng cao năng lực, phẩm chất, truyền đạt kỹ năng, phương pháp cho học sinh là mục tiêu quan trọng trong công tác dạy học nói chung và bộ môn Lịch sử nói riêng. Cô giáo Nguyễn Lệ Lan luôn đề cao nhiệm vụ ấy của người thầy đối với học sinh. Bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng những “hạt giống” chủ đạo cho nhà trường tại các kỳ thi, cô Lan còn được biết đến là người giáo viên đã “cảm hóa” những học sinh cá biệt bằng sự thấu hiểu và khả năng nắm bắt tâm lý nhạy bén. Cô đã khơi gợi sự hào hứng trong học tập của học sinh yếu, kém bằng nhiều cách làm khác nhau.
Cô lập nhóm zalo rồi sử dụng các phần mềm để tạo những dạng bộ đề theo hình thức trắc nghiệm để học sinh làm. Trong dịp ôn thi tốt nghiệp THPT, cô còn chủ động dạy phụ đạo trực tuyến vào buổi tối cho học sinh. Tận dụng ưu thế nhà ở gần trường, cô Lan còn tập hợp học sinh để phụ đạo thêm ngay tại trường vào các buổi cuối giờ chiều. “Sau khi phân loại học sinh thành nhóm tốt và yếu, tôi sẽ có những dạng câu hỏi phù hợp. Từ đó, cô trò cùng trao đổi, tháo gỡ những vấn đề chưa hiểu trong mỗi câu hỏi giúp các em nhớ lâu hơn”, cô Lan lý giải.
Đối với những em cá biệt, thường bỏ học đi chơi game điện tử, cô có cách dạy riêng. Cô Lan nhớ lại hoàn cảnh của một cậu học trò khá đặc biệt cách đây vài năm. “Bố mẹ ly hôn, em ấy ở với ông bà nội, nhiều lần trốn học đi chơi. Tôi đã gặp riêng để nói chuyện với tư cách cô giáo, người chị. Tôi phân tích cho em ấy hiểu việc đậu tốt nghiệp sẽ có lợi thế nào và nếu không đậu thì ra đời sẽ gặp bất lợi ra sao. Nhất là việc ông bà đã vất vả làm lụng để nuôi em suốt nhiều năm đến trường. Tôi động viên: “Em cứ cố gắng, cô sẽ luôn đồng hành cùng em””. Và sự khích lệ của cô đã góp phần khiến em học sinh đó thay đổi về ý thức.
Sau những buổi tỉ tê nói chuyện, cậu học trò đã đến lớp chăm chỉ hơn rất nhiều, chủ động tham gia vào nhóm học tập, đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong môi trường giáo dục
Bên cạnh công tác chuyên môn tại trường, từ 2016 đến nay cô Nguyễn Lệ Lan còn là hội thẩm nhân dân tại TAND huyện Yên Thành, đến nay đã bước sang nhiệm kì thứ 2. “Quá trình tham gia hội thẩm, tôi buồn khi chứng kiến nhiều bị cáo phạm tội khi đang ở tuổi vị thành niên. Trong đó, có những vi phạm xuất phát từ sự chưa hiểu hết pháp luật. Hình ảnh nhiều em hoảng hốt khi nghe tòa tuyên án khiến tôi cảm thấy trăn trở. Giá như các em hiểu pháp luật thì có lẽ đã không vướng tù tội khi tuổi đời còn quá trẻ”, cô Lan trăn trở.
Từ đó, trên cương vị người hội thẩm nhân dân cô thường đặt ra các câu hỏi để làm rõ tình tiết vụ án, nhằm tuyên truyền pháp luật đến với nguyên đơn, bị đơn, bị cáo. Đặc biệt cô chú ý tuyên truyền đến những bị cáo lứa tuổi vị thành niên để họ hiểu hơn về pháp luật và có những bài học để tránh tái phạm. Trong công tác giảng dạy tại trường, cô thường lồng ghép các nội dung để tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua những câu chuyện cụ thể trong các vụ án. Từ những câu chuyện đó để các em lấy làm bài học cho bản thân.
Ở vai trò nhà giáo hay hội thẩm nhân dân, cô Nguyễn Lệ Lan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An tặng giấy khen. Thầy Nguyễn Văn Ngoạn, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu đánh giá cao chuyên môn và nhiệt huyết của cô giáo Nguyễn Lệ Lan. “Cô Lan là người giỏi chuyên môn, say mê nghề. Cô đã đổi mới cách giảng dạy và học tập, từ đó giúp học sinh yêu bộ môn Lịch sử hơn. Quá trình tham dự các tiết dự giờ của cô, lãnh đạo nhà trường đánh giá cao năng lực của cô. Ngoài ra, là thành viên hội thẩm nhân dân tại tòa án, cô đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật để học sinh thực hiện đúng nội quy trường, lớp và pháp luật của Nhà nước”, thầy Ngoạn chia sẻ.

Niềm vui của cô khi nhận được tin nhắn cảm ơn từ những học trò đã ra trường.

16 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, nhiệt huyết và lòng yêu nghề trong cô giáo Nguyễn Lệ Lan đã thôi thúc cô phấn đấu, hết lòng với công việc giảng dạy. Với cô, sự tiến bộ của học sinh mỗi ngày so với chính các em và sự trưởng thành của các em khi bước vào đời, trở thành những con người có ích cho xã hội; là động lực để bản thân cố gắng phấn đấu và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ cao quý của nhà giáo.

 

Những nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học của cô đã được các cấp, ngành ghi nhận. Nhiều năm liền (từ 2014 - 2021), cô Nguyễn Lệ Lan đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô còn nhận nhiều Bằng khen của Bộ GD-ĐT về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập”; Nhiều Bằng khen của Liên đoàn Lao động Nghệ An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
“Đạt được những thành tích đó, tôi luôn biết ơn lãnh đạo nhà trường đã quan tâm đến chất lượng giáo dục, kịp thời xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện để giáo viên chúng tôi đổi mới phương pháp dạy học. Biết ơn những đồng nghiệp đã luôn đồng hành, giúp đỡ và các em học sinh đã không ngừng cố gắng vươn lên để tự khẳng định sự tiến bộ của bản thân, đó là nguồn động lực lớn để tôi cố gắng làm tốt hơn công việc hiện tại”, cô Lan chia sẻ.