Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Trưởng phòng Tư pháp vùng cao với công tác phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân

Với vai trò, trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), chị Lưu Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã gắn bó với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại mảnh đất này và trở thành "chú ong thợ" ngày ngày “thức khuya, dậy sớm” đem những kiến thức pháp luật đến với từng người dân nơi đây.

Khi được lãnh đạo phụ trách tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu xuống Phòng Tư pháp huyện Sơn Dương gặp chị Hương để trao đổi một số nội dung trong công việc, tôi bắt gặp chị đang cặm cụi bên chiếc máy vi tính in, sửa những bản số liệu. Đúng với những gì lâu nay chúng tôi đã nghe về một vị Trưởng phòng Tư pháp luôn tận tụy và trách nhiệm cao với công việc. Mọi vấn đề được chị sắp xếp một cách hợp lý và giải quyết thỏa đáng, được lãnh đạo cấp trên cũng như nhân dân tin yêu, quý mến.
Với trách nhiệm là một Trưởng phòng Tư pháp ở một huyện vùng cao Tây Bắc, vui thì ít, nhưng lo lắng với công việc được giao thì nhiều, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, do đường xá đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều mặt hạn chế, tiếng nói bất đồng, làm sao pháp luật đến với mọi nhà nhất là vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ dừng lại ở việc phổ biến, giáo dục pháp luật, chị Hương đã làm tốt cả các nhiệm vụ khác như củng cố ban tư pháp, tổ hoà giải cơ sở đi vào hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong những năm tháng công tác, chị Hương luôn trăn trở làm thế nào để luật vào từng nhà, ngấm vào từng người một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất.
Bên cạnh những hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua báo, đài và mạng lưới truyền thanh cơ sở, sinh hoạt câu lạc bộ, thi tìm hiểu pháp luật…, chị đã đề xuất sáng kiến hướng dẫn cho các xã, thôn lồng ghép phổ biến pháp luật tại các buổi họp do các cơ quan tổ chức, trường học chủ trì.
 

Chị Lưu Thị Lan Hương trong buổi tập huấn nghiệp vụ cho công chức Tư pháp -Hộ tịch cấp xã
 
Chị Hương cho biết, hiện nay, huyện đã xây dựng được tủ sách pháp luật với hơn 150 đầu sách và thường xuyên được bổ sung các đầu sách mới để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật của bà con.
"Ở những thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, công tác này gặp không ít khó khăn do đường giao thông cách trở, điện lưới, sóng điện thoại nhiều khu vực còn chưa đầy đủ, nhiều nơi được đầu tư loa phát, đầu thu nhưng hỏng nên việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế". Trong khi, không phải thôn nào cũng tổ chức họp được hàng tháng hay diễn ra liên tục trong năm. Nhiều nơi, số hộ họp thôn đến dự rất lác đác”, thậm chí là người dân nơi đây có nhiều hộ còn không có quan niệm đi họp, nên việc để tiếp cận và chia sẻ thông tin là vô cùng khó khăn
Xác định công tác PBGDPL là khâu quan trọng hàng đầu, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, vì vậy, trong những năm qua, công tác PBGDPL ở huyện Sơn Dương được chú trọng thực hiện.
Cùng đồng nghiệp và các cấp chính quyền cơ sở, chị Lưu Thị Lan Hương luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới các hình thức PBGDPL với những nội dung thiết thực cho từng đối tượng, địa bàn như in ấn tờ rơi, tờ gấp, đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý, tổ chức các hội thi từ cấp cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tất cả đều với mục đích duy nhất là làm sao để tuyên truyền, PBGDPL đến bà con hiệu quả nhất.
 

Chị Lưu Thị Lan Hương tuyên truyền pháp luật lưu động tại thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
 
Trên cương vị người đứng đầu, trong bối cảnh nguồn lực của các cơ quan nhà nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng còn nhiều khó khăn, chị Lưu Thị Lan Hương đã cùng tập thể lãnh đạo Phòng tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh công tác tư pháp về cơ sở, thường xuyên nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp ở cơ sở để từ đó có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ.
Chị Lưu Thị Lan Hương cho biết, cá nhân chị rất tự hào vì ngành Tư pháp đã góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. “Chúng tôi có thuận lợi là luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở Tư pháp và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, kết quả của những thành công của ngành Tư pháp huyện Sơn Dương còn là sự cộng hưởng của một tập thể thực sự đoàn kết, chung sức, chung lòng”.
Hành trình cống hiến từ khi còn là một chuyên viên chập chững vào nghề, đến nay trên cương vị Trưởng phòng Tư pháp của một huyện, điều chưa bao giờ vơi cạn ở chị là sự nhiệt huyết, đam mê với công việc và sự nỗ lực không ngừng.
“Ngành Tư pháp hiện còn nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng trong khó khăn mới thể hiện rõ nhất ý chí vươn lên, biến khó khăn thành động lực”, chị Hương nói và cười hiền khi chia sẻ với chúng tôi.