Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Vị Tiến sĩ 'hồi sinh' đặc sản nông nghiệp nổi tiếng Hải Phòng

Hải Phòng nổi tiếng là thành phố cảng, thành phố công nghiệp, nhưng ít người biết ở Hải Phòng cũng có những vùng hoa Tulip, vùng lúa nếp có tiếng. Tiến sĩ Trần Nam Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học & chuyển giao công nghệ, Đại học Hải Phòng là người có công góp phần tạo nên niềm tự hào ấy.

Phát triển giống lúa nếp đặc biệt theo chuẩn VietGAP
TS Trung SN 1977 tại vùng quê lúa xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 2000, anh trở về với mong muốn đóng góp công sức cho quê hương. Năm 2001, anh được nhận làm giảng viên Khoa Nông nghiệp, Đại học Hải Phòng. Được học và làm đúng công việc yêu thích, hơn 20 năm trong nghề dạy học và nghiên cứu khoa học, TS Trung đã “truyền lửa” cho nhiều thế hệ sinh viên với những kiến thức nông nghiệp và có nhiều đề tài khoa học gắn liền cuộc sống.
Có thể kể đến dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy” TS Trung thực hiện chuyển giao công nghệ thành công tại xã Tân Trào.
Giống lúa nếp xoắn được trồng tại xã Tân Trào từ những năm 1980, có nguồn gốc từ giống lúa nếp Thái Bình. Cây nếp xoắn trên đất Tân Trào có khả năng thích nghi tốt với chân đất phèn mặn. Bông lúa to, số hạt trên một bông nhiều và có độ đồng đều cao.
Đặc biệt, nếp xoắn Tân Trào có hương thơm đặc trưng, vị đậm, cơm dẻo hơn nếp ở nhiều nơi khác. Cơm nếp nấu để nguội hạt cơm lâu khô, lâu lại gạo hơn so với các giống nếp thông thường. Gạo nếp xoắn Tân Trào đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân Kiến Thụy trong dịp lễ, Tết. Ngoài ra, sản phẩm rơm của lúa nếp xoắn được người dân tận dụng để phơi khô, làm chổi bán.
Tiếc là trước đây, quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp được nông dân áp dụng theo kinh nghiệm, tự phát, tập quán canh tác lúa vẫn còn nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa đồng bộ; chưa có các biện pháp quản lý tổng hợp, chưa có hệ thống quản lý đầu vào và đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, môi trường sản xuất bị ô nhiễm, đất bị thoái hoá, giảm tiềm năng năng suất, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, có thể ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
 

Tiến sĩ Trần Nam Trung trên những cánh đồng nếp xoắn Tân Trào, nếp cái hoa vàng Đại Thắng…
 
Còn có thực tế nữa là gạo và các sản phẩm khác được chế biến từ nếp xoắn Tân Trào có chất lượng cao, nhưng chưa có chứng nhận VietGAP; nên việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn; chưa thiết lập được chuỗi liên kết kinh doanh từ các nhà cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, nông dân, nhà chế biến và hệ thống thị trường buôn bán, tiêu thụ để sản phẩm được sản xuất ra có sự đảm bảo, ổn định chất lượng và mức tiêu thụ chủ động.
Từ đó, TS Trung cùng các đồng nghiệp nghiên cứu các biện pháp canh tác sản xuất theo hướng công nghệ cao, an toàn và sinh thái trong sản xuất nông nghiệp. Dự án được triển khai với quy mô 74 hộ nông dân, diện tích 50 nghìn m2 từ tháng 10/2018 - 12/2019 cho sản lượng đạt 28,3 tấn thóc. Năng suất thực cao hơn 28,6%, lợi nhuận cao hơn 500 đ/kg, giảm giá thành sản xuất 4,4%. Mô hình được cấp chứng nhận VietGAP. Dự án góp phần mở rộng diện tích lúa nếp xoắn Tân Trào, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hải Phòng theo hướng an toàn, công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ mới, lúa nếp xoắn Tân Trào có thời gian sinh trưởng 155 - 160 ngày trong vụ mùa, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng ngọn tốt, hạt gạo tròn, đục, chín có thơm mùi đặc trưng của giống. Hiện toàn Tân Trào có hơn 2.000 hộ trồng, với diện tích 390ha, đạt năng suất 2.000 tấn/vụ, tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Sản phẩm gạo nếp xoắn Tân Trào chủ yếu tiêu thụ sản phẩm tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, một phần chế biến nấu rượu nếp.
 

Tiến sĩ Trần Nam Trung (thứ 3 từ phải sang) được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2022.
 
Trồng hoa Tulip tại Hải Phòng
Còn có thể kể đến đề tài “Thực nghiệm trồng hoa Tulip trong nhà lưới vụ đông”, TS Trung đã ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất thực tế, mở rộng diện tích trồng hoa Tulip tại huyện An Dương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Mô hình là sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, người sản xuất. Đây là động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn An Dương. Theo thông tin từ UBND xã Đồng Thái (huyện An Dương), dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa Tulip chất lượng cao tại xã Đồng Thái” được áp dụng nhân rộng tại nhiều hộ gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế hơn 200 triệu đồng/hộ cho một số hộ gia đình.
TS Trung cho biết, hoa Tulip có nguồn gốc ôn đới, nên khó phù hợp thời tiết miền Bắc, khó trồng và điều khiển ra hoa theo mong muốn. Hơn nữa, việc đầu tư cũng khá cao, trung bình khoảng 1,47 tỉ đồng/ha, gấp 9 - 10 lần so với sản xuất các loại hoa, cây cảnh khác tại địa phương. Thế nhưng, hoa lại có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao nếu nở đúng dịp lễ, Tết. Việc TS Trung lần đầu tiên ứng dụng được công nghệ cao để điều khiển được sự ra hoa của hoa Tulip và xây dựng được quy trình sản xuất hoa Tulip trong nhà lưới tại Hải Phòng có thể gọi là một kỳ tích.
Xã Đồng Thái có diện tích trồng hoa, cây cảnh lớn của huyện An Dương, năm 2017 đạt hơn 50ha, trong đó chủ yếu là quất cảnh, đào cảnh. Vụ Tết những năm gần đây, thu nhập từ hoa, cây cảnh toàn xã đạt hàng chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân/ha đất canh tác là 150 - 200 triệu đồng/ha. Nhưng nhiều hộ trồng hoa có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng, năm sau có thu nhập cao hơn năm trước... Đó là minh chứng cho thấy hiệu quả đề tài nghiên cứu của TS Trung.
TS Trung cho biết, cùng với sự phát triển đô thị, hiện đất nông nghiệp đang bị thu hẹp lại. Tại các vùng lúa đặc sản, nhiều hộ nông dân không trồng lúa. Bởi vậy, TS Trung mong muốn, Hải Phòng trên đà phát triển, những vùng lúa, vùng hoa cần được giữ gìn và quy hoạch để phát triển nông sản, thương phẩm, trở thành một thế mạnh khác của TP Cảng.
TS Trung cho biết đang nghiên cứu một số giống lúa đặc sản mới như lúa thuốc. Người dân đất Cảng sẽ có nhiều giống cây mới, được hoàn thiện quy trình kĩ thuật trồng và thâm canh góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hải Phòng theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.
 
Những nghiên cứu, tâm huyết của TS Nông nghiệp Trần Nam Trung đã được ghi nhận với nhiều Bằng khen, giải thưởng các cấp như: Giải thưởng về Khoa học & Công nghệ năm 2021 của TP Hải Phòng; Bằng lao động sáng tạo năm 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nhà khoa học của nhà nông năm 2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2022 của TP Hải Phòng…
TS Trung cũng cùng đồng nghiệp thực hiện một số mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng) và xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo)…
Nếp cái hoa vàng Hải Phòng là giống bản địa, thuần Việt, hiện nằm trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn của nước ta. Giống này hiện tập trung nhiều ở 3 xã liền kề thuộc huyện Tiên Lãng: Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường. Trong đó, Tiên Cường và Tự Cường chỉ có khoảng 100 hộ trồng.
Người dân cho rằng, nếp cái hoa vàng ngon nhất và được trồng nhiều nhất tại xã Đại Thắng. Nơi đây có đồng ruộng bao la, bằng phẳng, được phù sa sông Văn Úc và sông Mía bồi đắp nên có thổ nhưỡng riêng, rất phù hợp cho giống nếp cái hoa vàng. Giống lúa này hạt mẩy, tròn, gạo dẻo và thơm. Vào vụ mùa, nhà nào ở Đại Thắng cũng cấy nếp cái hoa vàng…
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp tạo ra nhiều giống lúa nếp mới với năng suất, chất lượng cao nhưng khó có giống nào vượt nếp cái hoa vàng về chất lượng. Giống nếp đặc biệt này thơm ngon nổi tiếng khắp vùng, người dân địa phương thường dùng đồ xôi, nấu rượu, làm tương, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp, nhất là bánh chưng… Bánh chưng gói bằng nếp cái hoa vàng dẻo thơm và có thể để được 3 tuần trong mùa lạnh mà không bị lại gạo. Ngoài ra, rượu nếp cái hoa vàng cũng là một sản phẩm đặc biệt của địa phương…