Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Thầy Nguyễn Quang Hà và niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học

Là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng với PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Hà, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê đặc biệt của bản thân ông. Niềm đam mê ấy được nuôi dưỡng từng ngày trên giảng đường đại học để tiếp tục truyền lửa và cảm hứng đến cho nhiều thế hệ sinh viên nhà trường, giúp các em phát triển tư duy, phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp, tự tin hội nhập thời kỳ công nghiệp 4.0.

Năm 1984, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Hà tốt nghiệp trường Đại học Lâm Nghiệp. Sau nhiều năm miệt mài, cố gắng khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Quang Hà đã hái được quả ngọt đầu đời dành cho mình. Với kết quả học tập và phẩm chất đạo đức tốt, Nguyễn Quang Hà đã được chọn giữ lại làm giảng viên công tác tại trường, bắt đầu hành trình giảng dạy tại trường đại học.

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, năng động sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Quang Hà luôn cố gắng, nỗ lực hết mình, không ngừng phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Thầy Hà đã theo học thạc sỹ, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Úc. Trải qua nhiều năm công tác, kinh qua nhiều vị trí như Phó trưởng phòng rồi đến Phó hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp.

Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, phát huy năng lực và phẩm chất của nhà giáo, năm 2013, thầy Nguyễn Quang Hà được điều động, phân công về công tác tại trường Đại học Nông Lâm, Bắc Giang với cương vị là hiệu trưởng nhà trường.

Trên cương vị công tác của mình, thầy Nguyễn Quang Hà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với tập thể Nhà trường, thầy đã đưa Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang bước những bước tiến vững chắc.

Tổ chức bộ máy quản lý của Nhà trường được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cơ chế, phương thức vận hành, phối hợp giữa các bộ phận được quy định rõ ràng. Biên chế quản lý, phục vụ tinh gọn, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, quy định trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng cho từng bộ phận, cá nhân.

Đội ngũ cán bộ, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có những tiến bộ đáng kể về năng lực chuyên môn, quản lý.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, thầy Hà chia sẻ, đối với thầy, Nghiên cứu khoa học ngoài niềm vui, lợi ích của hoàn thành nhiệm vụ (giải quyết được vấn đề đặt ra; đóng góp được cho ngành, địa phương, được trả thù lao), thì đây còn là con đường chính để tích lũy hiểu biết của bản thân, không chỉ là kiến thức thực tiễn.

“Điều quan trọng nhất đối với cá nhân, tập thể khi triển khai NCKH, ngoài năng lực tối thiểu cần thiết, là yêu cầu về tính trung thực và dũng cảm: Trung thực với kết quả, kể cả kết quả đó là trái với mong đợi (cả về khoa học và chính trị), và dũng cảm chấp nhận rủi ro, vốn gắn liền với hoạt động nghiên cứu ở tất cả các khâu, nhất là kết quả, hiệu quả mang lại nếu được tính toán một cách thông thường” thầy Hà nói.

Nghiên cứu khoa học chính là một trong những hoạt động quan trọng trong trường đại học; xác định rõ điều này, thầy Nguyễn Quang Hà luôn quan tâm, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn, bám sát thực tiễn với mong muốn thắp sáng lên ngọn lửa nhiệt huyết cho toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

Hầu hết các công trình do thầy Nguyễn Quang Hà thực hiện đều được các hội đồng khoa học đánh giá cao. Đến nay, thầy Hà đã có gần 30 bài báo trong nước và quốc tế, Chủ trì soạn thảo 1 giáo trình giảng dạy, Chủ trì 7 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và hướng dẫn 5 học viên Cao học, 1 nghiên cứu sinh.

Đối với các sinh viên theo học tại trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, thầy Phạm Quang Hà là người rất thân thiện, hòa đồng và có chuyên môn cao, tâm huyết trong giảng dạy, không chỉ truyền tải những kiến thức cơ bản trong sách vở mà thầy còn hướng dẫn các kỹ năng ngoài thực tiễn cuộc sống giúp các em sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm để làm nghề tốt hơn sau khi ra trường.

Với những đóng góp tích cực và quý giá cho sự phát triển của trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, năm 2017, thầy Hà được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Chưa dừng tại đó, năm 2018 thầy được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư. Năm 2019, thầy vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Gần đây, thầy Nguyễn Quang Hà là tác giả chính bằng bảo hộ giống cây Nho Hạ đen năm 2020, hiện đã được chuyển giao thành công tại nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.

Đánh giá cao những nghiên cứu và ứng dụng của các nhà khoa học trường đại học Nông Lâm Bắc Giang trong thời gian qua, đặc biệt là ứng dụng vào hoạt động sản xuất và nghiên cứu giống Nho Hạ đen trên các tỉnh miền Bắc, bà Trần Thị Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng chia sẻ tại một sự kiện: Kết quả của giống Nho Hạ đen là công sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các thầy cô của trường đại học Nông Lâm Bắc Giang. Ban lãnh đạo nhà trường đã đánh giá được tầm quan trọng của công sức, tâm sức của các thầy cô với các sản phẩm nông lâm nghiệp khi đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ.

Đáng chú ý, ngày 21/12/2021, PGS.TS Nguyễn Quang Hà được vinh danh là một trong 27 trí thức được tôn vinh danh hiệu “Trí thức Bắc Giang tiêu biểu” .

Với những kết quả đã đạt được trong gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học, gần 1 thập kỷ hoạt động trong công tác quản lý đã minh chứng cho những nỗ lực miệt mài, không ngừng nghỉ, cống hiến hết mình của người thầy giáo quê Hà Tĩnh trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo dưới mái trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Với PGS.TS Nguyễn Quang Hà nghiên cứu khoa học là niềm vui, là sự tìm tòi, sáng tạo và mong muốn của thầy là tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn học sinh, sinh viên nhà trường.

“Với sinh viên (và đúng với số đông các bạn trẻ, không chỉ là sinh viên), học tập là học những điều đã được viết ra trong sách, để bằng với người khác ở trình độ tương ứng, cần cù, chăm chỉ là yêu cầu chính. Còn NCKH, dù chỉ là một vấn đề nhỏ, thì yêu cầu chính là sự dũng cảm trong tư duy, đặt câu hỏi và lựa chọn các câu hỏi để trả một cách đa chiều, trong đó có các chiều/ cách tiếp cận không thông thường được viết trong sách, hầu hết có thể chưa đúng/ không khả thi, nhưng nếu “đúng” thì tạo ra sự khác biệt, nếu không “đúng” thì vẫn là rất có ích, ít nhất là theo nghĩa cũng là một cách học, không thông thường, nhưng cũng không kém hiệu quả so với đọc sách và nghe giảng bài”, thầy Hà chia sẻ.

Trang Dương