Người đưa bộ môn Hóa dược về Đại học Quốc gia TPHCM
Ngày 16/5/2022, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Một trong hai nhà khoa học nữ được trao giải là GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiệu trưởng trường Phổ Thông năng khiếu TPHCM. Ẩn sau gương mặt cô giáo hiền hậu khả ái, là một nhà khoa học say mê với nghề, cực kì bền bỉ, quyết tâm trên con đường đã chọn.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai từng tốt nghiệp ngành hóa học Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), sau đó, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại trường Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản), được công nhận Phó Giáo sư năm 2014 và sau đó là Giáo sư vào năm 2021.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, gồm: 10 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp tỉnh. Với những thành tích nổi bật, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai đã đạt được Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, nữ giáo sư tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước.
Với những nghiên cứu này, GS Mai sở hữu hơn 60 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS Mai đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019.
Từng tốt nghiệp Hóa học, nhưng phát triển sự nghiệp khoa học theo con đường Hóa dược, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chính là một trong những người đặt “viên gạch” đầu tiên cho ngành Hóa dược trong nước.
Ngày ấy, cô giáo Thanh Mai được cử đi học Tiến sĩ về Hóa ở Nhật Bản. Ở Nhật, thầy giáo của cô lại là một chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực hóa dược. Và trong phòng thí nghiệm nghiên cứu cũng toàn nghiên cứu về hóa dược. Cô giáo Thanh Mai lúc ấy đã cảm thấy tò mò và thích thú với ngành học này nên bắt đầu tìm hiểu, theo đuổi. Trở về Việt Nam, cô Thanh Mai nhận thấy thời điểm này Việt Nam chưa quan tâm lắm về lĩnh vực hóa dược nên muốn phát triển ngành học này trong nước.
Đó là chuỗi ngày TS Thanh Mai vừa mang thai con nhỏ, vừa hoàn thành sự nghiệp giảng dạy và dấn thân làm khoa học. Cô liên hệ nhờ thầy ở Nhật hỗ trợ, mua sắm trang bị từ từ bằng sự hỗ trợ một phần của trường Đại học Quốc gia. Sau đó cô gầy dựng được một phòng thí nghiệm nhỏ. Cứ hễ có ý tưởng nghiên cứu nào, cô Thanh Mai lại viết kế hoạch thuyết minh gửi đi các nơi xin tài trợ.
Để rồi, từ con số không, đến nay Khoa Hóa dược của Đại học Quốc gia TPHCM đã có tiếng, nhóm của cô đã trở thành nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia về lĩnh vực Hóa dược.
Mỗi năm, chuyên ngành Hóa dược của Đại học Quốc gia TPHCM có khoảng tầm 30-50 sinh viên đại học, chưa kể thạc sĩ. Cô Thanh Mai đánh giá, trong số đó có không ít người giỏi, nhiều trường hợp du học trở về đã có nhiều thành tựu đối với lĩnh vực Hóa dược trong nước.
Với GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Hóa dược là một ngành học, ngành nghiên cứu tuyệt vời và cần thiết, là lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao trong nước. Về thực trạng, tại Việt Nam hiện nay lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nguồn dược liệu phong phú, có khả năng phát triển những thuốc mới mà trên thế giới chưa có. Chính vì vậy, hiện Chính phủ có rất nhiều chương trình làm sao để phát triển được nguyên liệu hóa dược ở Việt Nam.
Trong giảng dạy, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng luôn đem tình yêu đối với Hóa dược, với khoa học đến sinh viên, học viên của mình. Là một giảng viên, một nhà khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai luôn ở một tâm thế cân bằng để duy trì hai vai trò ấy. Với cô, nhiệm vụ của nhà khoa học là đào tạo những thế hệ giỏi kế cận để phục vụ sự nghiệp khoa học, phục vụ đất nước.
Ngược lại, nhiệm vụ của một giảng viên đại học phải là vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Phải nghiên cứu thì mới có chất liệu thực tế, tính ứng dụng cao. Không chỉ tận tâm truyền dạy kiến thức, kĩ năng, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai còn luôn động viên các em đào sâu về khoa học thực nghiệm. Cô cũng thường đem đến những cơ hội du học giúp sinh viên được đào tạo sâu hơn, phát triển năng lực, cống hiến cho khoa học, cho đất nước.
Thành quả nghiên cứu đến từ chất liệu cuộc sống
Với các sáng chế khoa học của mình, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai luôn nhắc đến từ “tình cờ”. Một lần, vì “cạn” ý tưởng, cô đã tổ chức một chuyến công tác nhóm, đi Tây Nguyên tìm nguồn dược liệu mới.
Tình cờ trong chuyến đi, cô và đồng đội gặp một số người nuôi ong mật và được biết nọc ong có khả năng điều trị viêm khớp. Nghe điều này, ánh mắt cô lấp lánh, lập tức tìm hiểu sâu hơn. Bởi, viêm khớp là bệnh phổ biến và hiện Việt Nam đang nhập rất nhiều thuốc viêm khớp từ nước ngoài.
Trở về, cô cùng nhóm nghiên cứu tự mày mò tìm cách chế ra bộ lấy nọc ong nhưng hiệu quả không cao, rồi đặt mua lần lượt từ nhiều nước để tìm ra bộ chiết nọc ong hiệu quả nhất. Nhóm đã làm đề tài về tác dụng của nọc ong trong điều trị viêm khớp và xin được tài trợ của Sở Khoa học Công nghệ TP, ra được kết quả nghiên cứu rất giá trị trong thời điểm đó trong định hướng thuốc điều trị viêm khớp. Từ nghiên cứu này, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã nhận được Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019.
Một nghiên cứu khác nổi tiếng của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai là ứng dụng trị viêm loét dạ dày từ chiết xuất củ ngải bún, mà với cô, cũng bắt nguồn từ một sự “tình cờ”. Người thầy của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai ở Nhật Bản chuyên nghiên cứu về ung thư tụy.
Khi về về Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai thường tìm những dược liệu của Việt Nam liên quan đến hỗ trợ điều trị ung thư tụy gửi sang Nhật để thầy kiểm tra. Trong quá trình tìm kiếm dược liệu, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cùng nhóm đã phát hiện ra củ ngải bún có tác dụng kháng ung thư tụy mạnh. Sau đó nhóm tiếp tục phát hiện ra trong củ ngải bún 12 hợp chất có cấu trúc mới mà trên thế giới chưa có có hoạt tính kháng ung thư tụy.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói, dường như trong khoa học luôn có sự dẫn đường cho những người đam mê. Từ việc phát hiện thuốc ung thư tụy từ củ ngải bún, cô tiếp tục phát hiện củ ngải bún có một chất có tác dụng bảo vệ viêm loét dạ dày rất tốt.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ An Giang nghiên cứu ra một sản phẩm bột nano từ củ ngải bún để hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa trong đó đặc biệt là ung thư tụy. Đồng thời phối hợp với Sở Khoa học công nghệ thành phố tiếp tục nghiên cứu sâu và cho ra đời một sản phẩm là cao chiết từ củ ngải bún chứa hàm lượng hoạt chất cao, đã thử nghiệm trên động vật cho thấy an toàn và có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày rất tốt.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, hai sản phẩm này đều hoàn toàn từ dược liệu trong nước. Nếu phát triển được sản phẩm thì trên thế giới hoàn toàn chưa có mang những hoạt chất từ cây ngải bún thế này.
Cạnh đó, ngải bún là một loại cây ngắn ngày, nếu phát triển được sản phẩm dược hiệu quả sẽ giúp ích cho nông dân rất nhiều. GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đánh giá, sản phẩm hỗ trợ viêm loét đường tiêu hóa nếu so sánh với một loại thuốc được đánh giá cao trên thị trường tác dụng sẽ tương đương nhau nhưng sản phẩm từ củ ngải bún có nguồn gốc từ thiên nhiên, có giá thành rẻ hơn, giảm các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Dẫu GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai luôn nói về sự “tình cờ”, nhưng nhìn vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học của cô, có thể thấy rằng, “tình cờ” chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Nếu không có sự kiên trì, tìm tòi nghiên cứu, không có sự say mê và dấn thân thì làm sao có cơ hội cho “tình cờ” đến.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai có quan điểm làm khoa học rất nghiêm túc: “Để làm một nhà khoa học thì đầu tiên phải ham học hỏi, phải có đam mê, thường xuyên nâng cấp kiến thức của mình, đọc và học nhiều. Phải có một sự nhạy cảm nhất định của một nhà khoa học. Nhà khoa học cũng rất cần đến sự quyết tâm và kiên trì, dám dấn thân vào những điều mới mẻ.
Đặc biệt hiện nay nghiên cứu khoa học không nên nhìn nhận là một ngành riêng lẻ mà là liên ngành. Như hóa học phải liên kết với y, sinh, môi trường thì mới ra được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện. Chính vì vậy người làm khoa học cần có tinh thần hợp tác, biết kết nối, giao lưu thì mới có những công trình giá trị”.
Giờ đây, sau một số thành tựu nhất định trong nghiên cứu ứng dụng, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai vẫn tiếp tục miệt mài trong sự nghiệp quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cô đang đeo đuổi các các đề tài về đái tháo đường, bệnh alzheimer, dược mỹ phẩm... Cô cũng thường xuyên thực hiện những chuyến đi đến mọi miền đất nước để tìm sự sáng tạo, tìm ra nguồn nguyên liệu mới cho ngành nghiên cứu của mình. Với GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, nhà khoa học là phải dấn thân, phải tiến lên phía trước, liên tục mở rộng “vùng an toàn” của mình ra để tương tác trực tiếp với đời sống. Trải nghiệm và sáng tạo, phát hiện và thành tựu cũng từ đó mà ra đời...