Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Nữ giáo sư hết lòng vì người nông dân mảnh đất Chín Rồng

Năm 23 tuổi, Nguyễn Minh Thuỷ, cô sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Chế biến, trường Đại học Cần Thơ thì được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Sự kiện ấy đã bắt đầu cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhiều thành tựu của nữ giáo sư Nguyễn Minh Thuỷ, người vừa vinh dự nhận giải Kovalevskaia năm 2021.

Thành tựu nghiên cứu bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn

Quê gốc Chợ Mới, An Giang, là người con của miền Tây sông nước, ruộng đồng, mối quan tâm lớn nhất của GS Nguyễn Minh Thuỷ kể từ khi còn là một nữ sinh, đó là làm sao để cải thiện nguồn thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân, làm sao để nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống cộng đồng. Quá trình giảng dạy và nghiên cứu, GS Nguyễn Minh Thuỷ đã nhận ra tầm quan trọng của dinh dưỡng trong đời sống, đồng thời xác định được yếu tố quan trọng liên quan với dinh dưỡng người chính là nguồn thực phẩm.

Chính vì thế, trong suốt 38 năm miệt mài giảng dạy và nghiên cứu, dù là chủ nhân của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lớn, nhiều công trình khoa học trong nước và quốc tế, thì hướng đi chính mà GS Nguyễn Minh Thuỷ lựa chọn vẫn là dinh dưỡng và nông nghiệp, với hai chủ đề cụ thể: “Dinh dưỡng trong mối liên quan với thực phẩm và con người” và “ứng dụng các kỹ thuật bảo quản và chế biến các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch”.

Trong suốt chiều dài của lịch sử thì đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chứng minh phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu và cũng là nơi có nhiều giống cây ăn trái bản địa ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, ngành sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL nhiều năm qua đã gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa mất giá vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều đợt các tổ chức trong nước cũng đã kêu gọi cả nước chung tay “giải cứu nông sản”.

Sản xuất trái cây an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) mặc dù đã hình thành nhưng diện tích trồng đạt theo quy trình này còn rất hạn chế. Hầu hết sản lượng trái cây sản xuất ở ĐBSCL chủ yếu được sử dụng dạng ăn tươi, các công nghệ chế biến còn hạn chế, đây cũng là điểm yếu trong tiếp cận nguồn trái cây xuất khẩu đi các thị trường xa và khó tính. Hơn nữa với khí hậu nóng của quốc gia nhiệt đới, các loại trái cây chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, tỷ lệ hư hỏng cao, trong khi điều kiện chế biến thiếu cùng với hoạt động của công nghệ sau thu hoạch kém, đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhà vườn và các doanh nghiệp. Những mặt hạn chế trên đã làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng cây ăn quả của vùng. Từ đó góp phần dẫn đến tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng, bất ổn xã hội và dòng người di cư lên các thành phố lớn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn vẫn còn tồn tại ở ĐBSCL.

Thực tế ấy đã GS Nguyễn Minh Thủy luôn trăn trở để tìm ra một giải pháp hữu ích nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp. Làm sao để chế phẩm từ nông sản được đa dang, làm sao bảo quản lâu nhất nông sản tươi, tận dụng được nguồn dinh dưỡng sẵn có, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển dinh dưỡng của cả khu vực và đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng? Nếu nền nông nghiệp phát triển bền vững và đúng hướng thì có thể giúp thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giúp họ gắn bó với mảnh đất. Xa hơn nữa việc liên kết thành những tổ chức nông dân sản xuất và tiêu thụ sẽ hình thành vùng nông sản ổn định, bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Các nghiên cứu của GS Nguyễn Minh Thủy trong nhiều năm đã tập trung vào nhóm nông sản địa phương với các hoạt động bảo quản dạng tươi và chế biến đa dạng nhằm tận dụng triệt để nguồn dinh dưỡng sẵn có, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển dinh dưỡng của cả khu vực và có thể tiến dần ra cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thủy cũng đặt ra tầm quan trọng của hoạt động điều tra và xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân. Theo GS Nguyễn Minh Thủy, nếu hoạt động này được thực hiện thấu đáo thì các địa phương phối hợp tích cực trong xây dựng mô hình nông nghiệp và hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất. Trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình, GS Nguyễn Minh Thủy cũng luôn hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội, làm sao để ứng dụng khoa học có thể cải thiện đời sống của nhóm đối tượng này. Theo bà, cần có kế hoạch trong sản xuất và cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng thích hợp cho người dân, đặc biệt các bà mẹ, trẻ em các vùng bị thiên tai bão lũ. Cạnh đó tình trạng dịch bệnh COVID đang kéo dài trong cả nước, GS Nguyễn Minh Thủy cũng mong muốn hướng đến các nghiên cứu tạo ra các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ phòng bệnh, trong giai đoạn điều trị bệnh hoặc cho người bệnh đang trong giai đoạn phục hồi.

Truyền lửa cho hệ thế mai sau

38 năm là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một nhà giáo, GS.TS Nguyễn Minh Thủy đùa rằng, tình yêu nghề của bà... đến muộn. Ban đầu, đến với nghề giáo là một cơ duyên chứ chưa thực sự hiểu rõ nó, nhưng dần dà, khi bắt đầu đứng trên giảng đường, cô giáo Nguyễn Minh Thủy lại bị lôi cuốn bởi nguồn kiến thức mới phải giảng dạy, bởi những ánh mắt yêu thương của sinh viên từ các nơi về học cùng một mái trường.

“Khi ấy, tôi thấy cần phải hỗ trợ các em thật nhiều khi các em vẫn thật ngây thơ, vô tư trước môi trường học tập đại học mới rất khác với trường học các cấp trước đây của các em. Lòng tôi khát khao đem những điều mình đã tìm hiểu, nghiên cứu, đã biết để truyền dạy các em. Niềm vui và hạnh phúc không phải là điều gì quá lớn lao và xa xôi, dần dần lớp học đã là nơi mà cả cô trò chúng tôi đều muốn đến mỗi ngày, là nơi có tình yêu thương, sinh viên được tôn trọng và được là chính mình trong những buổi học tập và thảo luận hăng say. Để rồi, không biết từ lúc nào, lòng yêu khoa học hòa quyện trong tình yêu nghề giáo, trở thành một phần cuộc đời tôi. Và tôi nhận ra rằng dù mình chọn nghề hay nghề chọn mình thì cũng vẫn phải cống hiến nhiệt tâm. Tôi luôn miệt mài lao động, luôn cố gắng để công việc luôn tốt hơn mỗi ngày, kiến thức mới luôn được cập nhật khi tôi có cơ hội nắm bắt từ các bậc đào tạo cao hơn. Với tôi, cho đến bây giờ vẫn một lòng dành hết tâm huyết cho trường, cho sinh viên, tôi đã làm tất cả công việc thật tốt cũng là để cảm ơn nghề đã chọn tôi”, GS Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.

Với GS Nguyễn Minh Thủy, nghiên cứu khoa học và nghề giáo là hai lĩnh vực không tách rời nhau, mà còn mang lại sự bổ trợ tuyệt vời. Những kết quả nghiên cứu đạt được đã được cô giáo Minh Thủy lồng ghép và truyền tải trong các buổi học, giúp sinh viên, học viên có thể tiếp cận các kiến thức mới nhất và áp dụng hiệu quả vào thực tế khi các em ra Trường và hoạt động ở lĩnh vực chuyên môn có liên quan.

Thông qua các sinh viên, học viên, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và dinh dưỡng trong tương lai, GS Nguyễn Minh Thủy đã truyền tải các kiến thức bổ ích cho rộng rãi cộng đồng. Với bà, giảng dạy cũng chính là truyền thông vận động. Từ việc giảng dạy và sự lan tỏa của người học, hiểu biết của người dân về hiểu biết của người dân về dinh dưỡng hợp lý cũng đã được nâng cao.

Trong suốt 38 năm làm công tác giảng dạy, dù là đồng nghiệp, sinh viên, học viên đều quý mến, có một nhận xét chung, GS Nguyễn Minh Thủy là nhà giáo, nhà nghiên cứu hăng say với công việc, luôn cố gắng mang đến kiến thức thực tiễn từ kết quả nghiên cứu khoa học vào bài giảng, chọn phương pháp dạy học tích cực để sinh viên nhanh hiểu bài và yêu thích môn học mình phụ trách...

Mới đây, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam vừa công bố kết quả xét Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong trong hoạt động nghiên cứu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Minh Thủy - Giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ là một trong hai nhà khoa học nữ vinh dự nhận giải thưởng. Ngày 16/5/2022, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Minh Thủy.

Trong niềm xúc động, nhà khoa học nữ, nhà giáo ấy đã chân thành bày tỏ cảm xúc: “Tôi rất vinh dự khi được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2021, đây có thể xem là giải thưởng cao quý nhất trong cuộc đời làm NCKH của tôi. Nhìn lại chặng đường 38 năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy của mình, tôi đã thấy thật có ý nghĩa vì tôi đã đồng hành lâu dài với sự phát triển của nền khoa học Việt Nam và khẳng định vai trò của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu và ứng dụng, góp phần mang lại các giá trị kinh tế cho đất nước. Tôi lại càng nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác nghiên cứu, thấy cần phải hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, góp phần cùng cả nước nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nữ trí thức... đặc biệt là ở vùng đất chín Rồng, nơi mà tôi đã từng gắn bó...”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961, hiện là Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng khoa; Đảng ủy viên Đảng bộ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Chi ủy viên cơ sở; Phụ trách Sau đại học, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ.

Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đã có hơn 150 bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh) được công bố trong các Tạp chí khoa học có phản biện trong nước (có chỉ số ISSN) và Tạp chí quốc tế có uy tín (SCOPUS, Indexed ISI).

Bà có 28 công trình khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế (một số kỷ yếu sau năm 2012 có chỉ số ISBN); đã báo cáo (oral, poster) 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình).

Bà đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 29/09/2017 của Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; 10 Bằng khen của Bộ GDĐT;02 lần đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Giải thưởng “100 Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”...

Ngọc Mai