Sống cùng dân để gỡ rối “điểm nóng”
Đại tá Thùy Nguyên là Cục phó Cục Tham mưu - Tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Bộ Công an (CA), sinh ra ở miền quê Hải Hậu, Nam Định. Ở ông toát lên sự quyết đoán, mạnh mẽ, rắn rỏi của một cán bộ công an, nhưng thâm trầm sâu sắc, đặc trưng người miền biển mặn mòi.
Năm 1993, chàng trai trở thành sinh viên Đại học Cảnh sát Nhân dân, Khóa D19. Tốt nghiệp, ông Thùy nhận công tác tại Cục Cảnh sát Bảo vệ & Hỗ trợ Tư pháp, Tổng cục Cảnh sát, Bộ CA (nay là Bộ Tư lệnh CSCĐ). Đặc thù là lực lượng chiến đấu cơ động, tham gia những nhiệm vụ đặc biệt, đây là môi trường giúp ông học hỏi nhiều điều, từ rèn luyện bản lĩnh, tinh thần thép, không ngại gian khó đến khéo léo trong lãnh đạo chỉ huy. Tinh thần “đã ra quân là giành thắng lợi” theo ông xuyên suốt chặng đường công tác. Sau mỗi nhiệm vụ ông lại thêm những bài học sâu sắc.
Gắn bó với lực lượng CSCĐ gần 20 năm, chỉ huy, năm 2018, ông được Bộ CA điều động đến nhận công tác giữ chức vụ Phó Giám đốc CA Tuyên Quang. Những ngày đầu đặt chân tới quê hương cách mạng giàu truyền thống anh hùng nhưng còn nhiều khó khăn, trực tiếp sâu sát địa bàn, gần gũi với người dân để hiểu tường tận những vất vả của họ, Đại tá Đỗ Tiến Thùy đã thực sự trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao hiểu biết về pháp luật cho bà con, giúp bà con hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình để không vi phạm pháp luật. Và ông đã thực sự bắt tay vào tháo gỡ những khó khăn ấy.
“Khi tiếp nhận lĩnh vực công tác mới, tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề liên quan đến bộ phận người dân tự nhận là “dân tộc Thủy” tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, mặc dù được chính quyền các cấp quan tâm nhưng không tìm được cách giải quyết triệt để. Qua nghiên cứu, tôi được biết đây là thành phần dân tộc không có tên trong “Danh mục các dân tộc Việt Nam”, không được công nhận theo quy định, bản thân những người tự nhận “dân tộc Thủy” cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục tư pháp và chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi trong tiếp nhận và hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước với người dân tộc thiểu số” ông Thuỳ nói với phóng viên.
Trăn trở với vấn đề nói trên, ông Thùy đã đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang và UBND huyện Lâm Bình phối hợp, cùng ông trực tiếp tới thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang để “sống cùng” người dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cũng như những khó khăn, vướng mắc, qua đó tìm cách giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đặt lợi ích của người dân lên trên hết, thay vì chỉ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật như đã được làm nhiều lần trước đây, ông Thùy đã tổ chức đối thoại, gặp gỡ toàn bộ người dân tự nhận “dân tộc Thủy”. Tại các buổi đối thoại, ông lắng nghe người dân nêu lên những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn trong việc giải quyết vấn đề thành phần dân tộc, đồng thời giải thích rõ cho người dân hiểu về các quy định của pháp luật, những điều kiện, yêu cầu pháp lý để có thể đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Qua việc đối thoại trực tiếp, những vướng mắc của người dân tại thôn Thượng Minh dần được giải đáp, toàn bộ người dân tự nhận là “dân tộc Thủy” đã tự nguyện xin chuyển đổi sang một trong các thành phần dân tộc thuộc Danh mục các dân tộc Việt Nam theo đúng quy định của Nhà nước, qua đó quyền lợi và chế độ chính sách cho người dân thôn Thượng Minh được thực hiện đầy đủ. Không khí vui tươi, phấn khởi đến với người dân nơi đây, dù trước đó những người dân này còn bị hiểu nhầm và mang màu sắc huyền bí do sự tự ti, mặc cảm, khoảng cách với các dân tộc khác vì nằm ngoài Danh mục các dân tộc Việt Nam.
“Quá trình giải quyết vấn đề ban đầu vô cùng khó khăn, khi người dân còn chưa hiểu về các quy định của pháp luật, nhiều người không hợp tác, thậm chí ngăn cản chúng tôi tiếp cận với người thân trong gia đình, quan trọng nhất là họ nghi ngờ và sợ chúng tôi không thực hiện đúng như những gì đã cam kết” - ông Thuỳ đặc biệt nhấn mạnh.
Để có được thành quả như hiện nay, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang là một trong những dấu ấn đáng nhớ trong quá trình công tác của ông Thùy. Giờ đây, những người dân thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang coi ông là một phần trong cộng đồng của họ và chính họ được công nhận, được bảo vệ trong nhân dân, cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, được đảm bảo về pháp luật và hưởng đầy đủ những quyền lợi của công dân Việt Nam.
Theo ông Thuỳ, ông luôn lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả trên từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực công tác nói riêng và của toàn lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Với quan điểm đó, trên các lĩnh vực được phân công phụ trách, nhiều chương trình, kế hoạch công tác do ông trực tiếp chỉ đạo đã đạt được những thành tích nổi bật và được quần chúng nhân dân trên địa bàn ghi nhận, ủng hộ. Điển hình như việc chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả và đạt thành tích cao đối với 02 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, đặc biệt trong đó là “Chiến dịch cấp căn cước công dân” - chiến dịch lịch sử của ngành Công an. Kết thúc chiến dịch, Công an tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích xếp hạng A+ và đứng thứ 03 toàn quốc về kết quả thực hiện 02 dự án, được Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công.
Ông Thuỳ còn chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, công tác dân vận và công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Trong đó, Công tác cải cách hành chính của Công an Tuyên Quang trong những năm qua luôn đạt được thành tích cao và những kết quả quan trọng, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng đơn giản hoá và tăng cường công khai, minh bạch, giảm thời gian thực hiện, nhiều mô hình, sáng kiến hay được áp dụng hiệu quả tạo thuận lợi cho tổ chức và người dân. Những kết quả trên được Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hộ, chỉ số cải cách hành chính của Công an Tuyên Quang trong nhiều năm liên tiếp được Bộ Công an xếp hạng Xuất sắc, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Để duy trì, phát huy những thành tích đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, ông Thùy luôn dành thời gian nghiên cứu các quy định, văn bản mới trong lĩnh vực phụ trách để chỉ đạo triển khai hiệu quả, một trong những vấn đề ông quan tâm hiện nay là làm sao để công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC được hiệu quả. Bên cạnh việc kiểm tra thi hành pháp luật về XLVPHC định kỳ hằng năm, ông cùng các đơn vị Công an toàn tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính theo đúng quy định, chủ động nghiên cứu, sửa chữa, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, những khó khăn, vướng mắc trong công tác XLVPHC. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng xử lý oan, sai hoặc khiếu kiện phức tạp liên quan đến các quyết định XLVPHC.
Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Trên cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh - Chủ tịch hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Công an tỉnh, ông Thuỳ luôn chỉ đạo các đơn vị Công an toàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, thực hiện nghiêm túc công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị.
Công tác này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một trong những mặt công tác quan trọng của lực lượng Công an, do đó, từ khi trực tiếp phụ trách, ông Thùy đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả phù hợp với từng loại địa bàn, loại đối tượng tuyên truyền khác nhau.
Bên cạnh việc chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật đến cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an và Nhân dân toàn tỉnh, ông Thùy đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và “nhóm yếu thế” trong xã hội, họ là những người thường xuyên bị thua thiệt khi giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật, việc bảo vệ quyền lợi của những người này là vấn đề cần được chú trọng.
Để làm được điều này, ngoài các hình thức tuyên truyền quen thuộc, ông đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.
Đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa ông Thùy luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tìm cách truyền tải thông tin gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với bà con. Ông yêu cầu các bài tuyên truyền phải được đơn giản hóa, dễ nhớ, dễ hiểu với nhiều hình ảnh minh họa cụ thể. Các hoạt động tuyên truyền phải được tổ chức khoa học, lồng ghép với nhiều hoạt động thiết thực thu hút người dân tham gia, từ việc tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp kết hợp với phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đến tổ chức các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa gắn với tuyên truyền miệng tập trung, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp khu dân cư, tổ dân phố, thôn bản...
Cá nhân ông Thuỳ nói riêng và Công an Tuyên Quang nói chung luôn nỗ lực để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được đi sâu vào quần chúng nhân dân, để mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân trên địa bàn đều thấm nhuần tư tưởng thượng tôn pháp luật và góp phần phòng ngừa tội phạm đảm bảo giữ vững ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Tuyên Quang.
Có lẽ để viết nhiều về Đại tá Đỗ Tiến Thuỳ và kể lại chặng hành trình hơn 20 năm cống hiến trong ngành công an của ông qua vài trang viết thì thật khó. Người viết xin mượn đoạn trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Công an Trung cấp - Khóa I, năm 1950 để khép lại bài viết. Bởi lời huấn thị đó, trải qua bao nhiêu thời gian, cũng vẫn luôn là kim chỉ nam cho ông Thuỳ , cho những cán bộ công an nhân dân đang miệt mài với công việc ngoài kia. “Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”.