Người mẹ cưu mang 9 đứa trẻ
Bà K’Hiếu vóc dáng nhỏ gầy, da đen sạm, trông già hơn nhiều so với cái tuổi 63 nhưng lại ẩn chứa sức mạnh, nghị lực phi thường. Người phụ nữ này nhiều năm liền là già làng, cán bộ y tế xã, bí thư chi bộ bản Xoan (nay là tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà), chi hội trưởng phụ nữ của thôn, tổ trưởng tổ hoà giải… Đến nay vì lý do sức khỏe, bà xin rút “để cho bọn trẻ làm”, chỉ đảm nhận vai trò Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xoan.
Bà K’Hiếu mồ côi mẹ khi lên 4 tuổi, sau khi bố đi thêm bước nữa, bà chuyển sang sống cùng chị họ. Lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm, cô bé K’Hiếu nay ở nhà người này, mai ở nhà người khác, lúc thì bế em giúp, lúc cắt cỏ thuê kiếm cơm qua ngày. Mắt ngấn lệ, bà kể từ nhỏ đã nếm đủ gian truân, sống trong cảnh không nhà, không cửa, không cha, không mẹ.
May mắn năm 1975, bà K’Hiếu được xã cho đi học y tế ở xã Thạnh Mỹ (nay là thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương), từ đó có cơ hội mở mang tầm mắt. Sau khi học xong, nữ y tá ngoài công việc ở Trạm Y tế xã Đinh Văn còn tham gia công tác phụ nữ, mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Năm 1979, bà K’Hiếu lấy chồng, sinh được một con trai nhưng nuôi được 3 tháng thì đứa trẻ “về với Giàng” (mất - PV). Liên tiếp sau đó là những cơn bạo bệnh ập xuống gia đình, chồng qua đời, bà K’Hiếu trải qua 2 lần mổ u nang buồng trứng cũng mất khả năng làm mẹ.
Thế nhưng, ngôi nhà nhỏ của bà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười con cháu, bữa ăn nào cũng kín cả chiếu. Đứng giữa sân, người phụ nữ K’Ho chỉ tay về tứ phía giới thiệu đó đều là nhà của các con trai, con gái. Cả thảy bà K’Hiếu có 9 người con nuôi, tất cả đều được bà đem từ bệnh viện về lúc còn đỏ hỏn: “Mình nuôi các con ăn học tới lớp 10, lớp 12 rồi định hướng cho chúng học nghề, mua cho chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh rồi chia đất cho chúng làm nhà”, đó là “công thức” người mẹ K’Ho vạch ra cho các con.
Lòng hy sinh của người mẹ K’Ho với những đứa trẻ bất hạnh là vô bờ bến, thậm chí khi ở tuổi còn xuân, nhiều người khuyên bà K’Hiếu đi bước nữa nhưng phải hơn 5 năm sau bà mới “cưới chồng”: “Lúc đó mình đã nuôi 4 con rồi, mình sợ cưới chồng về lỡ ông ấy không thương các con thì khổ lũ trẻ. Mãi đến khi chồng đồng thuận, hứa sẽ cùng mình nuôi nấng các con thì mình mới nhận lời”, bà K’Hiếu kể.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng “ú ớ” trong căn phòng khép hờ cửa. Trên chiếc võng, cậu thanh niên tật nguyền hớn hở khi thấy người lạ vào, dùng hai tay lết ra phía cửa. Đó là K’Niệm (SN 2000). Cách đây 22 năm, 8h sáng K’Niệm chào đời, bị bỏ lại Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Hà. Nhận được tin, 3h chiều cùng ngày, mẹ K’Hiếu đưa cậu về nuôi. Đứa trẻ bụ bẫm, ai cũng trầm trồ khen bà K’Hiếu chăm con tốt. Nhưng gần 1 năm sau, K’Niệm có những biểu hiện khác thường, hay thẫn thờ, lúc lại leo trèo khắp nơi.
Bà K’Hiếu đưa con út đi khám từ bệnh viện huyện xuống TP Đà Lạt, khám cả thầy lang thì ai cũng nói đứa trẻ bị tâm thần bẩm sinh. Không chịu buông xuôi, mẹ K’Hiếu đưa con xuống TP Hồ Chí Minh chạy chữa. Suốt 7 năm ròng, hai mẹ con K’Hiếu tá túc ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) chờ phép màu sẽ hiện ra. Nhưng “các bác sĩ đều chịu, cuối cùng chỉ biết đem nó về nuôi nấng. Mới tháng 7 năm ngoái nó bị liệt ngồi một chỗ, gần đây nó dùng tay lết đi được”, bà ngậm ngùi.
Nhiều người khuyên bà K’Hiếu gửi con vào trung tâm bảo trợ cho đỡ vất vả. Tuy nhiên, cán bộ ở trung tâm giãi bày thiếu người và đề nghị nuôi cả hai mẹ con, K’Hiếu không thể nhận lời vì còn đàn con ở nhà. Điều người mẹ này đau đáu nhất là lo lắng một ngày bà rời cõi trần, con trai sẽ vất vả.
|
Bà K’Hiếu tại một buổi giao lưu điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|
Dạy dân bản tiết kiệm, làm kinh tế
Thôn Xoan có 120 hộ thì hơn 100 hộ là người đồng bào K’Ho. Người K’Ho thật thà, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ nhưng vì ít học nên muốn tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không thể vội vàng ngày một, ngày hai.
Bà K’Hiếu bật mí, cách dân vận tốt nhất với đồng bào K’Ho là bằng hành động. Ví dụ khi tuyên truyền thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bà K’Hiếu nói rất dễ nghe, dễ nhớ với người dân rằng: “Đi mò cua, bắt ốc bán được 10 ngàn thì bớt lại 1 ngàn giữ tiết kiệm, mỗi lần nấu cơm bớt đi 1 bát gạo, cứ thế 10 lần sẽ có một hũ gạo, dùng gạo này nuôi lợn. Cặp lợn sinh ra bán một nửa lấy tiền tiết kiệm, một nửa trang trải cuộc sống, dần dần có vốn mua thêm trâu, bò”. Với những gia đình không có đàn ông, bà K’Hiếu hướng dẫn chị em đổi công với những gia đình có đàn ông để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. “Mình làm cỏ vườn cho người ta, người ta cày đất cho mình chẳng hạn”, bà nói.
Hay như khi vận động người dân vay vốn chính sách phát triển kinh tế, “bà đỡ” K’Hiếu cũng tiên phong làm mẫu. Công thức thoát nghèo được bà chia sẻ: “Mình có 20 triệu đồng thì vay vốn 30 triệu để đủ 50 triệu mua cặp bò giống. Hàng tháng cố gắng để dành vài trăm ngàn gửi tiết kiệm, tháng nào có thì 400-500 ngàn đồng, tháng nào ít thì 100-200 ngàn. Đến khi tới hạn trả nợ Nhà nước là đã có sẵn một khoản tiền tiết kiệm bù vào, đỡ phải áp lực”.
Những năm gần đây, khi đất đai tăng giá, nhiều người K’Ho đua nhau bán vườn tược mua xe, xây nhà lớn. Nhưng riêng thôn Xoan số người bán đất rất ít, đó cũng nhờ công bà K’Hiếu. Bà vận động dân bản rằng, đất đai của cha ông để lại phải giữ cho con cháu mai sau. Bản thân bà K’Hiếu không những không bán đất mà tích cóp mua thêm đất để chia cho con cháu. Bà cũng lấy những người bán đất xong, tiêu xài phung phí để rồi tiền hết, đất cũng hết ra làm ví dụ. Chỉ vào dãy quán bán nước, rau quả trước nhà mình, bà K’Hiếu kể số đất đó được bà mua dần qua các năm, nay chia lô cho thuê, hàng tháng cho thu nhập cố định, tuy không nhiều nhưng cũng phần nào trang trải cuộc sống, thuốc men cho chồng con.
Tích cực xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh
Trong tâm niệm bà K’Hiếu, nhờ Đảng, nhờ Nhà nước mà bà được đi học, mở mang tầm mắt, số phận tươi sáng nên người phụ nữ này luôn giữ lời thề phải sống tốt với Đảng, với Nhà nước. Đi đâu, làm gì, bà cũng nhắc nhở dân bản thấy ai làm gì hay thì làm theo chứ đừng nghe lời kẻ xấu rồi sa ngã, nghiện ngập.
Bà K’Hiếu dẫn chứng, trước đây, thanh niên trong bản nghe gọi đi bộ đội là sợ, tìm đủ cách né tránh vì kẻ xấu xuyên tạc rằng đi bộ đội là đói ăn, thiếu mặc, làm việc quá sức, có người còn phải bỏ mạng. Để thay đổi suy nghĩ này, bà K’Hiếu chọn những nhà hiểu biết vận động trước, lấy K’Tý (SN 1986) làm mẫu. Bà K’Hiếu kể: “Khi K’Tý hoàn thành nghĩa vụ trở về khỏe mạnh, mình đến tận nhà khuyên bố mẹ nó không được lấy tiền của con ăn tiêu, trả nợ, mà đem mua xe máy làm phương tiện đi nương, đi rẫy, chở hàng hoá ra chợ”. Bà nói thêm, khi K’Tý lấy vợ, bà viết thư cho đơn vị cũ của cậu nhờ giúp đỡ, thế là K’Tý có nhà, từ đó chàng trai siêng năng làm ăn, tích cực tham gia vào tổ an ninh của thôn, tiếng nói rất có trọng lượng. Từ tấm gương K’Tý, giờ đây cứ thanh niên nào trong thôn nhận được giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự đều tự nguyện lên đường; nhiều nhà mãi đến khi mở tiệc tiễn con, già làng K’Hiếu mới biết tin.
Thành công nữa của bà K’Hiếu là vận động bà con dân bản xoá bỏ những hủ tục lạc hậu. Chẳng hạn như tục thách cưới, 10 năm nay ở thôn Xoan gần như bỏ hoàn toàn. “Ngày trước người ta thách cưới nào chum, chóe, trâu bò nhiều lắm. Nhiều nhà vì cưới hỏi mà bán hết rẫy rồi lấy đất đâu trồng khoai, trồng cà phê, thế là đã nghèo lại càng nghèo”, bà K’Hiếu lý giải vòng luẩn quẩn nghèo khó. Từ đó, hễ gia đình nào trong thôn có đám cưới, già làng K’Hiếu lại đến nói chuyện, khuyên rằng nếu bố mẹ có điều kiện thì cho ít vàng, ít tiền để bọn trẻ làm vốn, chứ thách nhau cho lắm, xong lại lo trả nợ, gánh nặng cho bọn trẻ thì khổ cả bố mẹ lẫn con cái, khó sống hạnh phúc. Như mọi khi, bà K’Hiếu luôn “đi trước làng nước” làm gương. Hễ con cháu trong nhà lấy vợ, gả chồng, bà dứt khoát không thách cưới, không nhận bất kỳ lễ vật nào.
Tương tự, tục ma chay của đồng bào K’Ho ở thôn Xoan cũng đơn giản đi nhiều. Nếu như trước đây nhà có đám phải lo ăn uống 3-4 ngày, tốn kém đủ đường thì nay chỉ khi nào chôn cất người quá cố xong, gia chủ mới làm vài mâm cơm cám ơn xóm giềng.
Đặc biệt, nhờ già làng K’Hiếu mà dân bản K’Ho không còn lạm dụng cúng bái như trước, nhất là khi ốm đau. Bà lập luận một cách đơn giản, dễ hiểu nhưng rất thuyết phục: “Khi bị bệnh, bỏ năm, bảy triệu đi bác sĩ còn được khám bằng máy móc, được băng bó vết thương, được cho viên thuốc. Ví dụ mình hư quả thận, bác sĩ dùng máy móc sẽ nhìn thấy, thay cho mình quả thận sẽ khỏe mạnh trở lại. Ngược lại, việc cúng bái rất tốn kém nhưng chẳng được viên thuốc nào, ông thầy phán thế nào chỉ biết nghe thế chứ không có cơ sở nào cả”.
Không ít lần, bà K’Hiếu bị hỏi đến “nghẹn cứng”: “Bà ngăn không cúng, nếu con cháu tôi chết thì làm sao?”. Những lúc đó, bà K’Hiếu chỉ im lặng. Bà tập trung vào những gia đình hiểu biết để vận động đưa con cháu đến trạm y tế, bệnh viện khi ốm đau. Rồi từ một, hai trường hợp khỏi bệnh nhờ bác sĩ, dân làng tin lời già làng K’Hiếu. “Muốn người khác nghe thì bản thân làm cái gì cũng phải trong sáng, đi trước làm gương, biết cái gì thì nói cái đó, đừng nói một đằng làm một nẻo, đã nói là phải làm như lời Bác Hồ dạy. Dù là lãnh đạo vĩ đại nhưng Bác vẫn cần cù, chịu cực, chịu khổ được thì tại sao mình không làm được; mình tự đọc truyện về Bác rồi soi vào bản thân mà học theo”, bà K’Hiếu luôn tự nhủ.
Không chỉ tích cực vận động dân bản xây dựng đời sống mới, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến với người dân, bà K’Hiếu còn hiến hàng nhìn m2 đất để xây nhà văn hoá thôn bản, làm đường giao thông. Với những cống hiến đó, bà K’Hiếu là điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vinh dự 2 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2007-2010 và 2011- 2015. Ngoài ra, bà còn nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương tặng nhiều Bằng khen.
Mai Long - Dương Tùng