Nỗ lực tạo nền nếp trong xây dựng, ban hành, kiểm tra văn bản
Kể về hành trình gắn bó với ngành Tư pháp đến nay đã tròn 18 năm, có thể tóm tắt ngắn gọn bà Linh đã trải qua hầu hết các bộ phận chuyên môn ở Sở. Tốt nghiệp ĐH Luật TP HCM, bà Linh về công tác ở Sở Tư pháp Lâm Đồng từ 2003, một năm sau là chuyên viên hành chính tư pháp. Bảy năm sau, nữ chuyên viên trẻ được phân công đảm nhận công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản; công việc được đánh giá là khó bậc nhất trong lĩnh vực tư pháp. Nhờ những nỗ lực, kết quả, bà được điều động, bổ nhiệm Trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Tháng 5/2019, bà Linh thi đỗ chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
Một trong những dấu ấn của bà Linh là những nỗ lực tạo nền nếp trong xây dựng, ban hành, kiểm tra văn bản trên địa bàn với tôn chỉ “các sở, ban, ngành xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phải đúng quy trình. Nếu không được Sở Tư pháp thẩm định thì kiên quyết không thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trả lại và HĐND tỉnh không thông qua”.
Để làm được điều đó, theo bà Linh là cả một quá trình thay đổi nhận thức, cách nhìn; và cần có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Minh chứng rõ nhất là năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai yêu cầu các sở, ban, ngành kiện toàn tổ pháp chế; trong đó lãnh đạo các sở, ban ngành là tổ trưởng, không như trước đây tổ trưởng tổ pháp chế thường chỉ là lãnh đạo phòng ban.
Hiện 14 sở, ngành chủ chốt của Lâm Đồng đều có tổ pháp chế. Hàng năm các tổ pháp chế phải ban hành kế hoạch về công tác pháp chế. Nhờ vậy mà công tác pháp chế ở các sở, ngành được quan tâm hơn, sát sao hơn. Lãnh đạo các sở, ngành cũng thay đổi cách nhìn về công tác này.
Kế thừa thành công năm 2021, năm 2022, bà Linh đăng kí sáng kiến cơ sở về đề tài “Đổi mới trong công tác pháp chế xây dựng, kiểm tra, rà soát, củng cố đội ngũ pháp chế trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng” gồm 12 thành viên do bà Linh làm trưởng nhóm.
Nói về công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bà Linh chia sẻ hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp văn bản chỉ đạo của Trung ương. Tính hợp hiến, hợp pháp không chỉ chú trọng từ khâu xây dựng văn bản mà phải xuyên suốt từ khâu tiền kiểm (góp ý, thẩm định) đến hậu kiểm (kiểm tra sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản đến trước thời điểm văn bản có hiệu lực). Và cả khi văn bản có hiệu lực rồi vẫn rà soát; nếu cấp trên có văn bản bổ sung, thay thế thì tiếp tục sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính khả thi cao nhất.
Thứ hai, xây dựng văn bản phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như tính đặc thù của địa phương. Ví dụ, quá trình xây dựng quy định về tách thửa trên địa bàn Lâm Đồng, khi Sở TN&MT gửi dự thảo sang, bà Linh cùng các chuyên viên thẩm định rất kỹ lưỡng, có tới 3 văn bản thẩm định vì một số nội dung không đảm bảo tính khả thi. Chẳng hạn như ở TP Đà Lạt, diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều, do đó nếu quy định diện tích tách thửa đất nông nghiệp ở mức 500m2 áp dụng cho toàn tỉnh sẽ không phù hợp; còn với các huyện thì lại phù hợp. Tỉnh Lâm Đồng sau đó đã không quy định tách thửa với diện tích 500m2 cho toàn tỉnh nữa, mà phải dựa vào điều kiện ở những khu vực khác nhau. Việc tách thửa giữa khu đô thị và khu nông thôn phải có sự tách bạch.
Nguyên tắc không xây dựng văn bản kiểu rập khuôn, cứng nhắc
Bà Linh chia sẻ, một trong những yếu tố đảm bảo sức sống cho các văn bản QPPL khi đi vào thực tiễn đó là phù hợp thực tiễn. Và muốn làm được điều này, đòi hỏi người làm luật phải nắm rõ đặc thù địa phương, chứ không nên xây dựng văn bản theo kiểu rập khuôn, cứng nhắc.
Song song với đó, bà Linh mạnh dạn đổi mới trong công tác thẩm định, rà soát văn bản. Trước đây quy trình là chuyên viên thẩm định xong trình lãnh đạo phòng; phòng trình lãnh đạo Sở rồi trình UBND tỉnh ban hành. Một trong những “lỗ hổng” trong quy trình này là một chuyên viên kiểm tra nhiều lần một văn bản nên rất khó để phát hiện những sai sót của mình trong quá trình thẩm định.
Nhận thấy bất cập, bà Linh đã chủ động đổi mới. Theo đó, chuyên viên đã thẩm định văn bản từ đầu thì không kiểm tra văn bản do chính mình thẩm định, cả lãnh đạo phòng cũng vậy. Công tác kiểm tra văn bản phải có sự đối chéo nhau, nhằm phát hiện ra sai sót để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh trước khi ban hành.
Đặc biệt, từ năm 2021, khi thực hiện công tác thẩm định văn bản QPPL, Sở Tư pháp yêu cầu phải làm phiếu trình, trong đó thể hiện rõ chính kiến của chuyên viên, lãnh đạo phòng rồi mới chuyển lên lãnh đạo Sở. Nội dung nào không phù hợp, định hướng sửa đổi ra sao phải nói cụ thể. Trước đó chuyên viên chỉ báo cáo tổng hợp, chung chung mà không có giải pháp cụ thể.
Và yêu cầu quan trọng nữa, khi đã có sự thống nhất ý kiến chung của những đơn vị tham gia thẩm định, mới chuyển văn bản lên lãnh đạo Sở, sau đó trình UBND tỉnh.
Kinh nghiệm của bà Linh là nếu có khó khăn, vướng mắc, sẽ bàn ngay với các sở, ban, ngành để đảm bảo tính thống nhất khi trình văn bản lên cấp tỉnh; tránh trường hợp khi đưa ra cuộc họp lấy ý kiến các thành viên UBND vẫn còn ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng còn nhiều ý kiến khác nhau, bà Linh chia sẻ luôn phối hợp với tổ pháp chế của các sở, ngành khi xây dựng văn bản. Việc này vừa tránh tình trạng Sở Tư pháp ôm đồm, làm thay việc; vừa phát huy được lợi thế, nguồn lực của các tổ pháp chế. “Chỉ có tổ pháp chế của các sở, ngành mới am hiểu cụ thể lĩnh vực họ phụ trách. Do đó, nếu giữa Sở Tư pháp và các tổ pháp chế của sở, ngành phối hợp tốt sẽ không chỉ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL; mà còn tạo sự thống nhất cao”.
Sau cuộc họp lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh, Sở Tư pháp tiếp tục rà soát lần nữa. Trường hợp có nội dung phát sinh sau dự thảo mà đơn vị xây dựng văn bản bổ sung vào nhưng chưa báo cáo thẩm định thì sẽ báo cáo ngay với UBND tỉnh.
Vinh dự là cầu nối giữa người dân với cơ quan nhà nước
Bà Linh chia sẻ, niềm vinh dự lớn nhất của mỗi cán bộ tư pháp là cầu nối chuyển tải đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. “Xây dựng, ban hành văn bản QPPL cũng như theo dõi thi hành pháp luật, xem văn bản đó tác động ra sao đến thực tiễn, có đảm bảo khả thi hay không thì phải thu thập ý kiến người dân, tổ chức... từ đó tăng cường gắn kết giữa người dân và cơ quan nhà nước. Đặc biệt với công việc phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền tải những văn bản, chỉ đạo, chính sách từ Trung ương đến địa phương. Đây là công việc bắt buộc phải gần dân, thực sự hiểu dân”, bà Linh chia sẻ.
Ví dụ gần nhất như bà Linh đang chủ trì phổ biến chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn theo Nghị quyết 62 được UBND tỉnh ban hành năm 2021, thực hiện từ 2022. Để tuyên truyền đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm, bà Linh cho biết sẽ làm phiếu khảo sát để xem DN đang gặp vướng mắc, khó khăn gì, từ đó tư vấn đúng nhu cầu DN. Cùng với đó, để đa dạng hình thức tuyên truyền, Sở sẽ làm phim trường ảo, chọn vấn đề nổi bật rồi dựng thành câu chuyện, hướng dẫn DN cách xử lý tình huống cụ thể.
Cũng trong năm 2022, Sở Tư pháp sẽ triển khai chương trình Câu lạc bộ nông dân với pháp luật nhằm phổ biến pháp luật đến với nông dân; phối hợp với Sở KH&CN chuyển tải những chính sách hỗ trợ về KHCN của Trung ương, địa phương đến với nông dân. Mới đây, bà Linh đã đứng lớp giảng bài trực tuyến cho hơn 200 hội viên thuộc các Hội Nông dân về kỹ năng cơ bản trong phổ biến, giáo dục pháp luật, sau này những hội viên này sẽ là cầu nối chuyển tải các quy định pháp luật đến với người dân.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, dự án sẽ liên kết với các sở, ngành liên quan như Công Thương, NN&PTNT lồng ghép những nội dung cần thiết đến người dân như nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết đầu ra, bảo hộ nhãn hiệu…
Trước diễn biến của dịch COVID-19 không thể thực hiện trực tiếp công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã chủ động xây dựng bộ câu hỏi giải đáp pháp luật từ hôn nhân và gia đình đến đất đai, dân sự, lao động việc làm rồi sao chép vào các USB gửi cho các cấp Hội Phụ nữ, một số tổ chức đơn vị khác... Để tăng tính hấp dẫn, Sở Tư pháp còn phối hợp với các đơn vị xây dựng kịch ngắn, có luật sư và chuyên gia tư vấn để Hội Phụ nữ trình chiếu trong một số buổi gặp mặt. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, vừa có sức lan tỏa đến nhiều người.
Với những đóng góp của mình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Trần Thị Mỹ Linh vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Mới đây nhất, tháng 1/2022, bà Linh được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.