Tuy chưa đặt ra những tiêu chí cụ thể bằng thể lệ hoặc dùng phương pháp chấm điểm, nhưng chương trình đã đưa ra được những tiêu chuẩn chung để bình chọn, đặc biệt tiêu chuẩn phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không có ý kiến nào phản ánh không đồng tình; cá nhân đó đã được địa phương, bộ, ngành khen thưởng, tức là nhân vật đó đã có nhiều việc làm cụ thể trong gương mẫu thực hiện, tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật được ghi nhận và khen thưởng; có đề nghị từ các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể. Tất cả những tiêu chí đó thể hiện tính thận trọng cần thiết của Ban Tổ chức. Do năm đầu chương trình triển khai nên cần có “bộ lọc” này.
Tiếc nuối “gương sáng có nhiều, số lượng bình chọn lại có hạn”
Ông Ngô Sách Thực nói: “Tôi đồng tình và đánh giá cao sáng kiến của Báo PLVN, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc tổ chức bình chọn “Gương sáng Pháp luật” nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, triển khai các biện pháp tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) sau tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X), đẩy mạnh thực thi pháp luật thì việc tổ chức bình chọn “Gương sáng Pháp luật” rất có ý nghĩa”.
“Đặc biệt, tôi hoan nghênh chương trình bình chọn do Bộ Tư pháp chỉ đạo, Báo PLVN chủ trì đã không “đặt nặng” các nhân vật trong ngành Tư pháp, bởi gương mẫu chấp hành pháp luật là quyền, nghĩa vụ của mỗi người dân”.
“Qua theo dõi, thực tiễn cuộc sống có rất nhiều tấm gương có ý thức chấp hành pháp luật. Họ có điểm chung là luôn vì người khác, tôn trọng nguyên tắc, quy định, vì cái chung, vì cộng đồng, vì đất nước. Những tấm gương đó có ở trong các thành phần công nhân, nông dân, trí thức lực lượng vũ trang, doanh nhân, đủ các dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, các giới trong xã hội, trên khắp mọi miền đất nước. “Gương sáng Pháp luật” không chỉ có người giỏi luật, thuộc luật, có nhiều cống hiến cho xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, những nhà lãnh đạo, quản lý, những cán bộ, công chức mà còn nhiều người thật bình dị nhưng họ có nhiều việc tốt, sáng tạo, việc làm mang tính lan tỏa, có uy tín, là tấm gương dẫn dắt gia đình, cộng đồng, nhiều người học làm theo”.
“Trong rất nhiều nhân vật được PLVN đăng tải, bản thân tôi đã gặp trực tiếp một số người, tận mắt chứng kiến người thật, việc thật, được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, bản thân họ cũng đã có nhiều phần thưởng, bình chọn kỳ này thật xứng đáng. Tuy nhiên, thực tiễn gương sáng có nhiều, nhưng số lượng bình chọn lại có hạn nên Ban Tổ chức đưa ra nguyên tắc bình chọn trên cơ sở tiêu biểu, việc làm thực tế, không thành tích chung chung, tính đến yếu tố đại diện, tương đối toàn diện từ thành phần dân tộc, tôn giáo, vùng miền đến doanh nhân, người tham gia xây dựng pháp luật, người thực thi pháp luật, lực lượng tuyến đầu chống dịch... là phù hợp”.
“Nhất định chúng ta phải tìm nhiều cách làm mới để tôn vinh và cổ vũ những “Gương sáng Pháp luật”, những tấm gương rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tôi tin tưởng chương trình sẽ tiếp tục đổi mới, rút ra nhiều kinh nghiệm quý qua tổ chức lần này; lựa chọn những kinh nghiệm trong việc tổ chức bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” trên các lĩnh vực. Cần có thể lệ, rõ tiêu chí bình chọn, có các vòng bình chọn để “Gương sáng Pháp luật” ngày càng có tính lan tỏa. Qua mỗi kỳ bình chọn lại có thêm nhiều “Gương sáng Pháp luật”, nhiều nhân tố mới được cổ vũ, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”.
50 “Gương sáng Pháp luật” thực sự là các đại diện tiêu biểu
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp), Phó Chủ tịch Hội đồng bình chọn đánh giá, sự kiện bình chọn “Gương sáng Pháp luật” rất có ý nghĩa ở khía cạnh chính trị, văn hóa pháp lý và mang đậm tính nhân văn, vì vậy đã được toàn thể xã hội, từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ, công chức làm công tác pháp luật và người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, đón nhận rộng rãi.
“50 “Gương sáng Pháp luật” được lựa chọn để tôn vinh thực sự mang tính tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân, trong đó có người đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó có thể thấy được việc bình chọn “Gương sáng Pháp luật” không chỉ hướng đến các cán bộ, công chức thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật mà ngay cả người dân cũng được bình chọn khi họ được coi là công dân mẫu mực, có đóng góp, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua đó, chương trình muốn truyền tải thông điệp rằng pháp luật không ở đâu xa, pháp luật ở trong chính những hoạt động thường ngày và trong cuộc sống của mỗi người dân. Bất kỳ ai cũng phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật và đều có cơ hội được vinh danh là “Gương sáng Pháp luật”.
Cùng quan điểm, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Hội đồng bình chọn đánh giá: “Tổ chức chương trình “Gương sáng Pháp luật” là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm đề cao những tấm gương, nhân tố truyền cảm hứng trong xã hội để có thể triển khai thực hiện hiệu quả những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, góp phần xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Những gương sáng tiêu biểu đều là những người có kiến thức, kinh nghiệm, đam mê, nhiệt huyết về những công việc họ cống hiến cho xã hội; và hoạt động tôn vinh những gương sáng sẽ là món quà tinh thần to lớn, động viên, khích lệ họ và xã hội; đồng thời cũng sẽ là động lực để nhân rộng nhiều gương sáng ở cấp cơ sở và trong xã hội”.
“Chỉ trong ít tháng triển khai chương trình, PLVN đã có hàng trăm bài báo về các gương sáng, góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật và các giá trị nhân văn tốt đẹp, cao thượng trong xã hội. Với 50 Gương sáng được Hội đồng bình chọn, tôn vinh, chương trình tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời cũng chính là một hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đưa pháp luật đến gần người dân hơn. Với ý nghĩa thiết thực đó, nên triển khai chương trình “Gương sáng Pháp luật” như một sự kiện thường niên hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm”, Luật sư Thịnh nói.
* Ông Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội (nguyên Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp, Bộ Công an), thành viên Hội đồng bình chọn:
“Chương trình mang tính động viên rất lớn trong thời điểm khó khăn vì đại dịch Covid-19”
“Tôi đánh giá cao các chương trình như “Gương sáng Pháp luật”, gây tiếng vang, có uy tín. Các gương sáng công dân được tôn vinh lần này đều rất xứng đáng, đúng theo tiêu chí xây dựng và thực thi pháp luật, mang tính động viên rất lớn trong thời điểm nước ta đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, cần tiếp tục được lan tỏa hơn nữa những dấu ấn, cống hiến, ảnh hưởng, tác động của nhân vật đã được thể hiện trong từng bài phản ánh đề cử.
Tôi đề nghị tới đây chương trình cần có thêm những tiêu chí chấm điểm rõ ràng, phân các nhân vật được tôn vinh thành các nhóm khác nhau như nhóm xây dựng, nhóm thực thi, nhóm chấp hành pháp luật và cân nhắc tiêu chí “phải được đăng tải trên các ẩn phẩm của Báo PLVN” thì có thể sẽ xây dựng được kho tư liệu về các tấm gương được nhiều hơn nữa, để sau khi kết thúc bình chọn vẫn tiếp tục đăng tải các bài viết phản ánh về các tấm gương”.
* Đại tá Nguyễn Tiến Ái, Phó Phòng Thông tấn – Báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, thành viên Hội đồng bình chọn:
“Nhiều tấm gương hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh”
“Đây là hoạt động rất tốt để tôn vinh các gương sáng gương mẫu trên các cương vị khác nhau đã hoàn thành chức trách, gương mẫu chấp hành pháp luật, góp phần giáo dục quần chúng nhân dân học tập và làm theo pháp luật.
Qua theo dõi, tôi nhận thấy các gương sáng được bình chọn lần này xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, thuộc các thành phần xã hội khác nhau, thể hiện tính toàn diện, phong phú, đa dạng về các đối tượng. Nhiều tấm gương được đề cử hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh, nên số lượng chỉ có 50 người chính thức là tương đối hạn chế.
Tôi mong những năm tới, Ban Tổ chức chương trình sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tôn vinh các gương sáng, mở rộng và nhân lên nhiều điển hình thượng tôn pháp luật. Chương trình có thể lựa chọn, đánh giá, đưa ra những tiêu chí cao hơn nữa, toàn vẹn hơn nữa, mở rộng nhiều thành phần hơn nữa nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội, nhất là những người dân ở cơ sở, nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
* Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Hội đồng bình chọn:
“Mong chương trình tìm ra được nhiều gương sáng hơn nữa”
“Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức tìm kiếm bình chọn tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, đây là một cuộc tôn vinh hết sức có ý nghĩa. Không chỉ đơn giản gói trong hai chữ “pháp luật” mà đây còn là những gương sáng về đạo đức, trách nhiệm, tình người.
Những gương sáng này bao gồm những người đến từ nhiều địa phương khác nhau, làm những công việc rất đa dạng, nhưng hơn cả, họ là những mảng sáng tươi đẹp của xã hội, là những tấm gương sáng cho chúng ta ngưỡng mộ và học hỏi tinh thần cống hiến. Tôi chỉ thấy tiếc là có rất nhiều nhân vật được đề cử như vậy mà chúng ta chỉ chọn được ra 50 gương mặt tiêu biểu.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động chưa được thuận lợi. Mong rằng những năm tới, việc tổ chức có nhiều thời gian hơn, truyền thông rộng rãi hơn, tìm ra được nhiều gương sáng hơn nữa ở khắp mọi miền của Tổ quốc, động viên khích lệ tinh thần thượng tôn pháp luật và lan tỏa ý nghĩa sâu sắc của cuộc bình chọn này trong xã hội”.
* Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng bình chọn:
“Chương trình sẽ tiếp thêm động lực để nhân rộng các gương sáng trong toàn xã hội”
“Đây là chương trình hết sức ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ ngày càng quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với thực thi pháp luật. Đối với công nhân lao động, tổ chức công đoàn thì công tác tuyên truyền về các chế độ chính sách cho người lao động là việc rất quan trọng để họ hiểu rõ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong khu vực doanh nghiệp thì việc triển khai, tuân thủ pháp luật lao động vẫn còn chưa được như mong muốn. Vì vậy, thông qua Chương trình, tổ chức công đoàn các cấp mong muốn sẽ nâng cao được ý thức tuân thủ cho người lao động, đặc biệt là người sử dụng lao động, đồng thời xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hạn chế các vi phạm trong triển khai, thi hành pháp luật. Đây chính là nền tảng quan trọng trong việc tuân thủ pháp luật lao động.
Các Gương sáng được lựa chọn, vinh danh lần này đều là những cá nhân có thành tích xuất sắc, có đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật nói chung và trong thực thi pháp luật lao động, công đoàn, an sinh xã hội, bảo hiểm nói riêng. Tôi tin rằng thông qua việc động viên, khích lệ kịp thời những tấm gương sáng, chương trình sẽ tiếp thêm động lực để nhân rộng các gương sáng trong toàn xã hội, đặc biệt là ở cấp cơ sở”.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam