Đã có nhiều chuyển biến tích cực
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, mục đích của công việc rà soát lần này là thống kê đầy đủ và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan đến tương trợ tư pháp nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp. Việc rà soát còn nhằm đánh giá nội dung của quy định cũng như thực tiễn thực hiện các quy định về tương trợ tư pháp, xác định những hạn chế, bất cập, chưa thống nhất hay khoảng trống của các quy định pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp. Qua rà soát đưa ra những kiến nghị về phương hướng hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp của Việt Nam để nâng cao hiệu quả của công tác tương trợ tư pháp, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành đang có hiệu lực tính đến ngày 10/5/2012 có liên quan đến tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp đều thuộc phạm vi rà soát. “Các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện Báo cáo rà soát pháp luật tương trợ tư pháp trước khi trình Chính phủ” – Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Theo kết quả tổng hợp văn bản tính đến ngày 10/5/2012, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là 46 văn bản, trong đó có 18 văn bản luật, bộ luật; 2 pháp lệnh; 11 nghị định; 13 thông tư, thông tư liên tịch; 2 nghị quyết của Quốc hội, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 1 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Tổng số văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới là 16, trong đó số văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung là 9 văn bản (gồm 3 bộ luật, 4 văn bản luật, 1 pháp lệnh, 1 thông tư liên tịch); số văn bản đề nghị ban hành mới là 7 văn bản gồm: 4 thông tư, 3 thông tư liên tịch.
Qua rà soát cho thấy với sự ra đời của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bức tranh tổng thể về các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Các quy định pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp cơ bản đáp ứng được phân lớn yêu cầu của thực tiễn hoạt động xét xử các vụ án, vụ việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài và công tác thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi tới Việt Nam…
Cần tính đến đặc thù riêng của pháp luật chuyên ngành
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng Luật Tương trợ tư pháp là văn bản quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp được áp dụng chung để thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực khác nhau (dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành hình phạt từ). Tuy nhiên mỗi chuyên ngành lại có những đặc thù riêng, việc các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ viện dẫn chung là áp dụng các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp, trong khi đó Luật Tương trợ tư pháp lại chưa có quy định về những nội dung đặc thù cho hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý, gây khó khăn cho thực tế áp dụng giải quyết các vụ việc cụ thể. Một số ý kiến đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp còn nhiều khoảng trống so với yêu cầu thực tế như phạm vi tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự chưa có quy định về liên kết, phối hợp điều tra; về áp dụng biện pháp thu giữ, phong tỏa, kê biên, tịch thu, trả lại tài sản theo các kênh tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự để thực thi các cam kết quốc tế có liên quan…
Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (VKSNDTC) Mai Thế Bày dẫn chứng, pháp luật một số quốc gia quy định việc phải lấy lời khai người làm chứng trực tiếp tại phiên tòa nhằm đảm bảo chứng được chấp nhận và đáp ứng yêu cầu bảo vệ nhân chứng, bị hại. Hiệp định TTTP giữa nước ta và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng quy định nội dung này. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự lại chưa có quy định về việc lấy lời khai qua cầu truyền hình nên không có cơ sở thực hiện. Hay chi phí thực hiện TTTP về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài do nước yêu cầu chi trả được quy định tại Điều 31 Luật TTTP là chưa phù hợp với thông lệ trong các điều ước quốc tế.
Quá trình rà soát cũng cho thấy, bên cạnh những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật, việc tổ chức thực thi pháp luật về tương trợ tư pháp cũng còn có những khó khăn như việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp, việc đăng tải các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp… Nguyên nhân được chỉ ra là do sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, hạn chế về năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp, thiếu hụt về cơ sở kỹ thuật và cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp còn chậm. Sau 3 năm ban hành Luật Tương trợ tư pháp, đến nay mới có 2 văn bản được ban hành trong tổng số 9 văn bản được đưa vào kế hoạch soạn thảo và ban hành.
Cẩm Vân