Từ khi chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH) từ ngày 10/4/2013, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ thiết chế đa phương này, cụ thể là:
1. Thực hiện vai trò cơ quan quốc gia trong HccH
Ngay sau khi gia nhập, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng ký với Hội nghị La Hay về cơ quan quốc gia của Việt Nam trong HccH và cơ quan đầu mối liên lạc với Cơ quan thường trực của HccH.
Để thực hiện vai trờ của cơ quan quốc gia, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ tổ chức này (Quyết định 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013). Kế hoạch xác định rõ các quyền lợi cũng như nhiệm vụ, trách nhiệm, các nội dung hoạt động và giải pháp cụ thể của Việt Nam nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên HccH.
Triển khai nhiệm vụ đầu mối liên lạc với Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay và các quốc gia thành viên, Bộ Tư pháp thực hiện hai phương thức liên lạc chủ yếu hiện nay: (i) Qua kênh ngoại giao, thông tin chính thức nhận được từ HccH qua Công điện do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan thông báo, sau đó Bộ Tư pháp trao đổi với các đơn vị có liên quan, tổng hợp và trả lời bằng Công hàm. (ii) Qua hệ thống thông tin điện tử, từ ngày 18/4/2014, Bộ Tư pháp chính thức vận hành địa chỉ thư điện tử để liên lạc với Hội nghị La Hay: haguevietnam@moj.gov.vn. Bộ Tư pháp đã có Công hàm số 284/CH-BTP cùng ngày để thông báo cho Hội nghị về địa chỉ thư điện tử nêu trên.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành cũng như giữa các đơn vị của Bộ Tư pháp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên HccH
- Về việc đề xuất tham gia các công ước của Hội nghị La Hay, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch rà soát một số Công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nhằm thực hiện Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ (kèm theo Quyết định số 1167/QĐ-BTP ngày 27/5/2014). Các hoạt động rà soát đang được tích cực thực hiện. Dự kiến sau khi rà soát, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất khả năng gia nhập một số Công ước của Hội nghị và phối hợp với các Bộ ngành liên quan để thực hiện tiến trình gia nhập các Công ước đó.
- Về việc tham gia xây dựng, sửa đổi các công ước của Hội nghị La Hay: Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều bảng hỏi của Hội nghị đề nghị cung cấp thông tin về các lĩnh vực tư pháp quốc tế, nuôi con nuôi, hôn nhân và gia đình … nhằm hoàn thiện hoặc xây dựng mới các điều ước trong khuôn khổ Hội nghị. Đồng thời, Hội nghị cũng đề nghị Việt Nam góp ý vào một số dự thảo văn kiện trong khuôn khổ Hội nghị như dự thảo Các quy tắc La hay về lựa chọn pháp luật trong hợp đồng thương mại quốc tế và dự thảo Bình luận các quy tắc này. Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu để chuyển cho các cơ quan liên quan chủ trì hoặc phối hợp trả lời.
Thêm vào đó, Hội nghị cũng đề nghị Bộ Tư pháp thông báo để các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học tham gia cung cấp thông tin cho Hội nghị thông qua trả lời phiếu khảo sát như Phiếu khảo sát về các lệnh bảo vệ (phiếu được thiết kế bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha). Phiếu khảo sát bao gồm các câu hỏi được trả lời trực tuyến để thu thập dữ liệu thông tin phục vụ việc đánh giá nhu cầu và tính khả thi trong xây dựng một văn kiện quốc tế của Hội nghị về công nhận và cho thi hành lệnh bảo vệ nước ngoài. Các lệnh bảo vệ này có thể bao gồm, các lệnh không được liên lạc và tiếp cận nơi ở khi có bạo lực gia đình, các lệnh buộc tránh xa khi gây phiền nhiễu, và các lệnh khác để bảo vệ nạn nhân hoặc nạn nhân tiềm tàng của các hành vi gây hại hoặc tội phạm (ví dụ: buôn bán người, hôn nhân cưỡng ép, buộc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ giới (FGM), quấy rối, quấy rối tình dục v…v). Văn kiện này nhằm bảo đảm cho nạn nhân của bạo lực và các hành vi gây hại được bảo vệ khi chuyển đến hay đi đến một quốc gia khác mà không phải yêu cầu một lệnh bảo vệ mới tại quốc gia nước ngoài đó. Hội nghị cho rằng ý kiến của các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là đặc biệt quý báu. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị các chuyên gia trong lĩnh vực này tham gia trả lời Phiếu khảo sát của Hội nghị tại địa chỉ http://www.hcch.net/limesurvey/index.php/625935/lang-en trước ngày 30/9/2014 để Hội nghị kịp thời tổng hợp số liệu.
3. Về các công tác khác trong khuôn khổ HccH
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp cũng giữ vai trò điều phối trong các công việc khác liên quan đến Hội nghị La Hay, như: việc bỏ phiếu hàng năm trong Hội đồng Các vấn đề chung và chính sách của HccH; cử cán bộ tham hoạt động và các phiên họp của HccH; tiếp nhận thông tin cập nhật về tất cả các công việc đang diễn ra tại HccH; đảm bảo cho Việt Nam hưởng các dịch vụ hậu gia nhập HccH.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn cùng các Bộ, ngành trực tiếp tham gia các hoạt động và thay mặt Chính phủ Việt Nam thực hiện một số công việc được uỷ quyền, như: đóng niên liễm hàng năm cho Hội nghị. Từ khi gia nhập đến nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện đóng niên liễm cho các năm tài khóa 2012- 2013, 2013-2014 và 2014-2015.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ hoàn tất các thủ tục trong nước để gửi Ban Thư ký Hội nghị liên quan đến việc xin gia nhập HccH của Xinh-ga-po, A-déc-bai-dan, Ác- mê- ni- a và Tuy- ni-di . Hiện tại, Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành trong việc chuẩn bị thủ tục trong nước để tiến hành gia nhập Công ước về Miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước ngoài năm 1961 và chủ trì tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 1965. Liên quan đến Công ước Tống đạt giấy tờ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1606/VPCP-QHQT ngày 12/3/2014 phê duyệt Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập, giao Bộ Tư pháp trình hồ sơ xin gia nhập vào Quý IV năm 2014.
Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các Đoàn công tác của Việt Nam tham gia các phiên họp của HccH. Từ khi Việt Nam gia nhập HccH, Bộ Tư pháp đã tổ chức 2 đoàn công tác chính thức: tham gia Phiên họp của Hội đồng các vấn đề chung và chính sách vào tháng 4/2014 và Phiên họp của Ủy ban đặc biệt về các Công ước Tống đạt, Thu thập chứng cứ và Tiếp cận công lý tháng 5/2014. Bên lề các Phiên họp, thành viên của đoàn công tác còn tiếp xúc với đại diện các cơ quan quốc gia, các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên HccH, các nước là thành viên các Công ước của HccH, các nước là quan sát viên …để trao đổi kinh nghiệm, mở rộng khả năng hợp tác về tư pháp và pháp luật nói chung, tư pháp quốc tế nói riêng.
Đối với việc đề nghị HccH hỗ trợ kỹ thuật sau gia nhập, Bộ Tư pháp thường xuyên trao đổi với HccH qua địa chỉ thư điện tử đề nghị cung cấp các thông tin về các Công ước và các hoạt động trong khuôn khổ HccH, tích cực mời các chuyên gia của HccH tham gia các Hội thảo giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập và thực thi các Công ước. Tháng 12/2013, ngài Christophe Benasconi –Tổng thư ký của Hội nghị đã tham dự Tọa đàm về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại tại Hà Nội và cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong việc gia nhập các Công ước. Trong Quý IV năm 2014, Bộ Tư pháp tiếp tục mời chuyên gia của Hội nghị tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập và thực thi Công ước Tống đạt ra nước ngoài các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại dự kiến tổ chức tại Hà Nội.
Các Bộ, ngành hữu quan khi thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg hoặc có nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin về các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị có thể liên lạc trực tiếp với :
Phòng Tư pháp quốc tế- Vụ Pháp luật quốc tế- Bộ Tư pháp
Địa chỉ: 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62739532/ (04) 62739451
Phòng tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế