Việt Nam tham dự Ủy ban đặc biệt nhóm họp tại La Hay về rà soát việc thực thi các Công ước về Tống đạt, Thu thập chứng cứ và Tiếp cận công lý và xem xét dự thảo đối với các Sổ tay hướng dẫn

Alternate Text

Trong các ngày từ 19-23/5/2014, Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế đã nhóm họp tại La Hay – Hà Lan về thực thi Công ước 1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Công ước năm 1970 về Thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại và Công ước năm 1980 về Tiếp cận công lý. Phiên họp đã diễn ra sau bốn ngày thảo luận mang tính xây dựng giữa khoảng 130 chuyên gia đến từ 53 quốc gia và các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và phi Chính phủ. Đại diện của Bộ Tư pháp – cơ quan quốc gia của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam là bà Phạm Hồ Hương (Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế) và đại diện Tòa án nhân dân tối cao, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Viện Khoa học xét xử). Đây là lần thứ hai trong năm 2014 đại diện Việt Nam tham dự hoạt động với tư cách là thành viên của Hội nghị.

Chương trình làm việc bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến ba Công ước vốn được đánh giá là đã thiết lập nên thể chế toàn cầu trong hợp tác về thủ tục tố tụng dân sự quốc tế. Các chuyên gia đã xem xét các phiên bản mới và phiên bản sửa đổi của dự thảo các cuốn Sổ tay hướng dẫn về các Công ước Tống đạt và Thu thập chứng cứ, cũng như các biện pháp để cải thiện hơn nữa hợp tác về tư pháp và hành chính xuyên biên giới trong lĩnh vực dân sự và thương mại, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử. Cuộc họp đã cung cấp một diễn đàn riêng cho các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên chia sẻ mối quan tâm và kinh nghiệm trong giải thích và áp dụng các Công ước nêu trên.

 

Lần gần nhất của Ủy ban đặc biệt nhóm họp về nội dung này là vào tháng 2 năm 2009. Từ đó đến nay, việc sử dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục tố tụng dân sự đã trở nên phổ biến rộng rãi hơn, đặc biệt là tống đạt điện tử (e- Service) và thu thập chứng cứ qua kết nối băng hình (video-link). Khẳng định tại Hội nghị, các đại biểu đều thừa nhận rằng việc sử dụng công nghệ thông tin là phù hợp với khuôn khổ của các Công ước về Tống đạt và Thu thập chứng cứ và có thể hỗ trợ việc thực thi các Công ước này. Từ đó, các chuyên gia nhất trí khuyến nghị rằng cần thiết lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu các vấn đề có thể phát sinh khi sử dụng công nghệ như kết nối băng hình và đề nghị Ban Thư ký tiếp tục theo dõi những bước phát triển trong lĩnh vực tống đạt bằng các phương tiện điện tử.

Thấu hiểu tính hữu ích của các sổ tay với người sử dụng Công ước, tại Hội nghị các chuyên gia cũng thống nhất một quy trình để ban hành phiên bản mới của Sổ tay thu thập chứng cứ và phiên bản cập nhật của Sổ tay Tống đạt. Hy vọng rằng các cuốn Sổ tay sẽ được hoàn thiện trong tương lai gần và được thông qua bởi Hội đồng Các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay trong lần họp tới vào tháng tư năm 2015.

Kể từ khi trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào tháng 4 năm 2013 cho đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên của mình thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nghị. Tại phiên họp của Ủy ban đặc biệt lần này, đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam cũng đã thông tin đến đại biểu các nước thành viên và Ban thường trực Hội nghị về những bước chuẩn bị của Việt Nam trong việc nghiên cứu, gia nhập Công ước 1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp đồng thời cũng bày tỏ mong muốn của Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên để có thể chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập Công ước này.  

(Ảnh lấy từ trang web của Hội nghị La Hay)

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text